.

Phải bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất

Thứ Ba, 08/12/2015, 17:23 [GMT+7]

(QBĐT) - An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) liên quan trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng. Do đó vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) ngày càng trở nên nóng bỏng và được dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP hiện đang phải đối diện với không ít khó khăn, thực phẩm “bẩn” vẫn hàng ngày hiện diện trong bữa ăn của nhiều gia đình như một thách thức với các cơ quan chức năng.

Xuất phát từ thực trạng trên, ngày 20-7-2015, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch 675, triển khai chương trình "Chung tay vì an toàn thực phẩm" giai đoạn 2015-2020 với mục tiêu huy động toàn xã hội tham gia tuyên truyền bảo đảm ATTP nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hướng tới cung cấp các sản phẩm chất lượng, an toàn cho cộng đồng. Đây là một chương trình thiết thực nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Dịu ở phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) cho biết, bà thường mua thức ăn ở chợ nhưng sau khi nấu, thịt thường có mùi hôi. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, bà Dịu phải nấu nước sôi để chần thịt, cá rồi mới chế biến món ăn. Gần đây bà còn mua máy khử độc Ozone để khử bề mặt rau củ quả.

Còn Bà Lê Thị Yên ở phường Nam Lý (TP. Đồng Hới) thì chia sẻ: Nói thật là hiện nay, tôi không biết mua thực phẩm ở đâu mới sạch. Hàng ngày, tôi thường mua thực phẩm của những người bán dạo, thỉnh thoảng về quê lại phải mua thật nhiều thịt rau củ cất trong tủ lạnh ăn dần cho an toàn.

Rất nhiều người dân lo ngại khi lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày.
Rất nhiều người dân lo ngại khi lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức kiểm tra tại 230 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đơn vị đã kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại 112 cơ sở gồm: 45 cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản, 27 cơ sở sản xuất chả thịt, 18 cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh rau quả, 5 cơ sở xay xát gạo, 4 cơ sở sản xuất cà phê, 2 cơ sở sản xuất khoai deo, 2 cơ sở nuôi ong và 1 cơ sở sản xuất nấm.

Kết quả có 11/112 cơ sở không đạt yêu cầu (1 cơ sở sản xuất giá đỗ, 4 cơ sở thu mua thủy sản, 6 cơ sở sản xuất chả thịt). Chi cục đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 7/11 cơ sở vi phạm (1 cơ sở thu mua thuỷ sản, 6 cơ sở sản xuất chả) với số tiền 13,3 triệu đồng, buộc tiêu hủy 18kg chả có hàn the, 20kg chả hỏng mốc, 1kg hàn the và 1.350kg cá nóc. Đơn vị cũng đã kiểm tra xếp loại và kiểm tra định kỳ theo Thông tư 45 tại 118 cơ sở.

Kết quả có 1/118 cơ sở xếp loại A (kho lạnh thủy sản); 114/118 cơ sở xếp loại B (61 cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản, 45 cơ sở sản xuất nem chả, 4 cơ sở xay xát đóng gói gạo, 1 cơ sở sản xuất khoai deo, 2 cơ sở sản xuất cà phê, 1 cơ sở chế biến mật ong); 3/118 cơ sở xếp loại C (1 tàu cá, 1 cơ sở sản xuất cà phê, 1 cơ sở sản xuất nước mắm).

Qua kiểm tra cho thấy, trong quá trình sản xuất, chế biến, nhiều đơn vị không tuân thủ quy trình đúng theo quy định. Đáng chú ý, hiện nay đang xuất hiện tình trạng sử dụng chất tạo nạc Sabutanol trong chăn nuôi heo, chất vàng O (một loại phẩm màu dùng trong công nghiệp) trong chăn nuôi gà gây hoang mang cho người tiêu dùng.  Việc sử dụng vô tội vạ thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt rau, củ, quả của nhiều người cũng đang tạo ra mối lo cho sức khoẻ cộng đồng.

Từ thực tế trên, việc quản lý chặt chẽ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất sẽ là giải pháp tích cực để bảo đảm ATTP cho các sản phẩm nông sản nói riêng, thực phẩm nói chung. Để làm được điều này, công tác quản lý chất lượng thực phẩm phải được thực hiện theo chuỗi, tức là quản lý từ khâu sản xuất đến lưu thông, sơ chế, chế biến thực phẩm, đóng gói để chuyển đến tay người tiêu dùng.

Đây là giải pháp hữu hiệu để truy xuất tận gốc, bảo đảm tính an toàn cho sản phẩm. Và để bảo đảm từng khâu, từng công đoạn của chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm được quản lý, giám sát chặt chẽ, nhất thiết phải phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng đơn vị phụ trách.

Đồng thời, từng bước hình thành trong cộng đồng dân cư ý thức xây dựng một nền sản xuất an toàn, bền vững từ đồng ruộng, chuồng trại đến bàn ăn.

Phạm Hà