.

Những nỗ lực trong cải cách hành chính

Thứ Sáu, 25/12/2015, 09:41 [GMT+7]
(QBĐT) - Năm 2015, tỉnh ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Nhiều sở, ngành, địa phương đã phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo hoạt động CCHC, lập kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng... Nhờ các hoạt động đó nên năng lực và chỉ số CCHC của tỉnh ta từng bước được nâng lên, nhân dân ngày càng hài lòng đối với các cấp chính quyền.
 
Thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8 - 11 - 2011 của Chính phủ về chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, kế hoạch CCHC tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2020, năm 2015, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác CCHC của tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện.
 
Có 100% sở, ban, ngành và UBND cấp huyện ban hành kế hoạch CCHC năm 2015 bảo đảm đúng nội dung, thời gian quy định. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Sở Nội vụ đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Báo Quảng Bình và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình tăng cường tuyên truyền công tác CCHC với tần suất ít nhất 1 tháng 1 chuyên mục...
 
Trên lĩnh vực cải cách thể chế, tỉnh đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Đến ngày 30 - 11 - 2015, tỉnh đã ban hành 1.107 văn bản QPPL (cấp tỉnh 44 văn bản, cấp huyện 63 văn bản, cấp xã 1.000 văn bản). Nhìn chung, công tác xây dựng văn bản được thực hiện kịp thời, có chất lượng. Đối với các văn bản QPPL có quy định về TTHC, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp thẩm định đúng quy trình, giao cơ quan soạn thảo văn bản thực hiện việc đánh giá tác động của quy định về TTHC.
 
Tiến hành tự kiểm tra 40 văn bản ban hành (đạt 100%), tự kiểm tra theo chuyên đề 113 văn bản; kiểm tra theo thẩm quyền 70 văn bản (đạt 100%). Ở cấp huyện đã tiến hành tự kiểm tra 62 văn bản QPPL; kiểm tra theo thẩm quyền 863 văn bản QPPL. Rà soát 1.611 lượt văn bản theo định kỳ và theo các lĩnh vực. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động tiến hành tự kiểm tra và xử lý văn bản QPPL theo thẩm quyền; giao Sở Tư pháp chủ trì tổ chức kiểm tra công tác ban hành, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL tại 7 cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh. Qua kiểm tra, nhìn chung các văn bản QPPL sau khi ban hành đều được tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định.
 
Đến nay, tổng số TTHC được công bố đang có hiệu lực thi hành trên địa bàn tỉnh là 1.645 thủ tục. Việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến rõ rệt, ngày càng phục vụ tốt hơn các yêu cầu giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức. Tình trạng hồ sơ giải quyết chậm trễ đã giảm hẳn so với trước đây, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức chức tận tình, chuyên nghiệp hơn. Trong năm 2015, toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.385.602 hồ sơ TTHC, đã giải quyết 1.367.521 hồ sơ TTHC trên tất cả các lĩnh vực. Tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đúng hạn chiếm 98,7%.
 
Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 6 quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan. Giao cho Sở Nội vụ tiếp tục thẩm định các đề án, quyết định thành lập, tổ chức lại của các sở, ngành và đơn vị trực thuộc...
 
Thực hiện việc thành lập, kiện toàn, thay đổi thành viên tổ chức phối hợp liên ngành, UBND tỉnh đã ban hành 56 quyết định. Trong đó, thành lập mới 19 tổ chức phối hợp liên ngành, 4 Ban chỉ đạo, 2 ban điều hành, 4 đoàn kiểm tra, 9 hội đồng; kiện toàn 15 tổ chức phối hợp liên ngành, 11 ban chỉ đạo, 4 hội đồng; thay đổi thành viên 22 tổ chức phối hợp liên ngành, 14 ban chỉ đạo, 3 ban quản lý dự án, 1 tổ chuyên viên, 4 hội đồng.
 
Thực hiện việc tinh giảm bộ máy hành chính, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập 7 Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề trực thuộc 7 UBND cấp huyện trên cơ sở hợp nhất 3 trung tâm: Giáo dục thường xuyên; kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp và Trung tâm dạy nghề.
 
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức luôn được quan tâm. Trong năm 2015, UBND tỉnh đã quyết định cử 6 công chức, viên chức đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài (trong đó có 5 người đào tạo thạc sĩ, 1 người đi đào tạo tiến sĩ).
 
Toàn tỉnh tuyển dụng 33 công chức đối với sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc và người đang hợp đồng lao động theo chính sách thu hút nhân tài; tiếp nhận 3 công chức; thực hiện bố trí công tác đối với 5 sinh viên cử tuyển; thu hút nhân tài được 8 người, trong đó có 7 thạc sĩ và 1 tiến sĩ. Đến nay, toàn tỉnh đã tập hợp danh sách gồm 127 trường hợp thực hiện tinh giảm biên chế báo cáo Bộ Nội vụ theo quy định.
 
Về công tác cải cách tài chính công, đã có 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện thực hiện theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17 - 10 - 2006 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính. Có 132/132 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh và 500/737 đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 26-4-2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính.
 
Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu đã tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho CBCCVC chức như: Sở Giáo dục và Đào tạo tiết kiệm được kinh phí chi thu nhập tăng thêm 7.414 triệu đồng; Sở Xây dựng tăng thêm thu nhập trung bình 15.000đ/người/ngày; Sở Tài chính bình quân tăng thu nhập ở khu vực hành chính khoảng 350.000 đồng/người/tháng.
 
Công tác hiện đại hóa hành chính như: ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động tại các cơ quan hành chính, tình hình triển khai xây dựng trụ sở cơ quan hành chính ở địa phương, tăng cường kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính... cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng.
 
Cải cách TTHC đã tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết các công việc của công dân và tổ chức, tính công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động quản lý. Tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính các cấp đã được sắp xếp, tổ chức thu gọn đầu mối, tinh gọn, hợp lý. Chất lượng đội ngũ CBCCVC chức ngày càng được nâng lên. Chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại các cấp ngày càng được nâng cao với việc tăng cường đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ.
 
Nhờ đó, mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, doanh nghiệp đã được cải thiện; hoạt động của các cơ quan nhà nước theo hướng phục vụ ngày càng rõ nét hơn. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện, số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư tại tỉnh ngày càng tăng.
 
Thực hiện kế hoạch CCHC trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng thể CCHC tỉnh Quảng Bình giai đoạn II (2016-2020) và các văn bản chỉ đạo liên quan; thực hiện Dự án “Dân chấm điểm”; đẩy mạnh việc rà soát, đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và tổ chức; duy trì, củng cố thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý để trao đổi, gửi, nhận thông tin bằng thư điện tử...
 
Xuân Vương