.

Tai nạn đang rình rập ở các mỏ đá - Kỳ 1: Nghề "ăn cám trả vàng!"

Thứ Tư, 11/11/2015, 13:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghề khai thác đá luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.  Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh  không năm nào không xảy ra tai nạn khai thác đá, năm được xem thấp nhất cũng vài ba vụ chết người, có năm lên đến chục vụ. Nguyên nhân chính là do người lao động và chủ mỏ chủ quan không thực hiện đầy đủ quy trình bảo vệ an toàn lao động.

 

Khai thác đá thiếu biện pháp an toàn lao động.
Khai thác đá thiếu biện pháp an toàn lao động.

Do tính chất nghề nghiệp, chúng tôi nhiều lần cùng Thanh tra vệ sinh an toàn lao động đến kiểm tra hoạt động khai thác đá trên địa bàn và tận mắt chứng kiến sự hiểm nguy của nghề khai thác đá.

Mới đây, khi đến kiểm tra tình hình vệ sinh an toàn lao động tại mỏ đá Lèn Na, Lèn Bảng thuộc địa bàn xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa), nơi vừa xảy ra vụ tai nạn khai thác đá dẫn đến chết người ngày 28-10-2015, vừa đặt chân đến khu mỏ chúng tôi liền nghe một số người dân phàn nàn rất nhiều về trách nhiệm của Công ty VLXD Cosevco 12 liên tục để xảy ra tai nạn chết người.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi vừa đặt chân đến khu mỏ Lèn Na là một tốp 3 người đàn ông trong bộ trang phục công nhân đang thắp hương vái lạy ngọn núi đá vôi sừng sững trước mặt. Chờ họ làm xong việc hương khói chúng tôi bắt chuyện với một công nhân khoảng trên 40 tuổi.

Người công nhân đó có tên là Hà, tâm sự rằng, cứ mỗi sáng đến mỏ đá việc đầu tiên là thắp một nén hương để cầu nguyện cho người đã khuất và cầu mong không xảy ra tai nạn rồi mới bắt tay vào công việc. Ông cho biết làm nghề khai thác đá tai nạn luôn rình rập, nhưng vì miếng cơm nên những người như ông không có sự lựa chọn nào khác mà phải chấp nhận nghề "ăn cám trả vàng này!".

Qua tìm hiểu được biết, Công ty VLXD Cosevco 12 là doanh nghiệp có giấy phép khai thác đá tại 2 mỏ đá Lèn Na và Lèn Bảng. Ông Nguyễn Văn Khương, trú tại xã Tiến Hoá cho biết, các mỏ đá trên địa bàn xã không năm nào không xảy ra chết người, do bị đá đè hoặc bị rơi khi khai thác đá.

Vụ tai nạn lao động thương tâm xảy ra vào sáng 28-10-2015 tại mỏ đá Lèn Na thuộc Xí nghiệp sản xuất VLXD Cosevco 12. Nạn nhân là ông Mai Xuân H. (51 tuổi, trú xã Châu Hoá, Tuyên Hoá) đang khoan đá thì bị trượt chân, rơi từ độ cao 30m xuống mặt đất, tử vong tại chỗ. Lúc đó, ông H. đang làm việc cùng 5 công nhân và chuẩn bị nghỉ giao ca thì gặp nạn.

Trước đó, vào ngày 3-9-2014 tại mỏ đá Lèn Bảng cũng xảy ra vụ tai nạn chết người khi khai thác đá.  Nạn nhân là anh Nguyễn Văn H. (SN 1969), thường trú tại thôn Trung Tiến, xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch), là công nhân của Xí nghiệp sản xuất VLXD Cosevco 12. Vào thời điểm 20h, tổ khai thác đá của anh Hóa gồm có 2 người; trong khi tiến hành điều khiển máy khoan đá để đặt mìn thì anh bị trượt chân rơi tự do ở độ cao khoảng 300m dẫn đến tử vong tại chỗ.

Ngày 7-8-2014, cũng tại mỏ khai thác đá do Xí nghiệp sản xuất VLXD Cosevco 12 quản lý (mỏ đá Lèn Na) đã xảy ra một vụ tai nạn chết người. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn H. (SN 1983), trú tại thôn Đông Thủy, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa. Chỉ sau một tuần vào ngày 13-8-2014, tiếp tục xảy ra vụ tai nạn đá rơi trúng người ông Đặng Văn Hùng (SN 1970) và ông Nguyễn Quang Trung (SN 1968) là công nhân Xí nghiệp sản xuất VLXD Cosevco 12, khi đang khoan đá...

Được biết, Xí nghiệp sản xuất VLXD Cosevco 12 hiện đang tiến hành khai thác đá phục vụ sản xuất xi măng, cung cấp cho các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi.... trên tổng diện tích 24,1ha, trong đó, khu vực Lèn Na 8,51ha; Lèn Bảng 15,59ha. Thời hạn khai thác đá là 30 năm.

Bản thân ông Hà cũng nhiều lần bị trượt chân, hoặc bị đá rơi nhưng "nhờ trời", rất may lần nào cũng tránh được. Ông cho biết: "Có hàng trăm lý do để sợ nhưng sợ nhất là đá lăn”. Có những tình huống người công nhân không thể làm từ trên đỉnh núi xuống mà phải làm từ dưới lên. Cứ hì hục khoan, đào những khối đá phía dưới, người khai thác không lường hết khối đá bên trên bị trống chân rất dễ đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

Nguy hiểm hơn, một số công nhân còn cố tình moi trống chân để khối đá bên trên đổ xuống cho dễ làm, năng suất cao. “Những lúc như thế phải lựa thế nhưng cũng may rủi thôi, nếu chạy sai hướng thì coi như...” - ông Hà bỏ lửng câu nói, thắp thêm nén hương bên góc mỏ đá.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 42 mỏ đá được cấp phép khai thác, trong đó có 8 mỏ đang khai thác với quy mô công nghiệp phục vụ cho các nhà máy xi măng, trạm trộn bê tông... Ngoài ra có hàng chục điểm khai thác đá trái phép với quy mô nhỏ lẻ. Điều khó hiểu là, tình trạng khai thác đá trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra và không hề gặp phải trở ngại nào? Theo phản ánh của người dân ở các khu vực khai thác trái phép, lý do để công trường khai thác đá vẫn tồn tại là để “giải quyết việc làm” cho một số hộ dân trên địa bàn!?

Ảnh 15 : Máy nghiền đá vi phạm an toàn lao động.
Máy nghiền đá vi phạm an toàn lao động.

Điển hình là khu vực đèo Lý Hoà, xã Hải Trạch (huyện Bố Trạch), hàng ngày có trên một trăm lao động khai thác đá mưu sinh. Đông nhất là người ở thôn Tân Lý, xã Hải Trạch. Thôn này có 460 hộ với hơn 1.200 khẩu thì gần một nửa theo nghề khai thác đá. Hầu hết mỗi gia đình ở Tân Lý có 2-3 hầm đá. Hầm này hết họ lại chuyển sang hầm khác. Khi hết đá họ lại rủ nhau cùng phát tuyến, mở đường mới. Ngày qua ngày, những gia đình này cùng lăn lộn kiếm sống trong những hầm đá bụi bặm và hiểm nguy.

Anh Lê Văn Quang, có thâm niên 15 năm trong nghề khai thác đá ở đèo Lý Hòa chỉ vết sẹo dài trên chân kể, nghề làm đá không ai không bị thương tích, may mắn thì trầy da, gãy tay, không may thì mất mạng. Với dân làm đá chuyện bị dăm đá cứa đứt tay tứa máu xảy ra như cơm bữa. Những người làm đá ở Tân Lý hàng ngày vẫn đối mặt với nguy hiểm treo lơ lửng trên đầu. Nhiều người thoát chết hết lần này tới lần khác nhưng vì kế sinh nhai họ phải đánh cược số phận trên từng thớ đá.

Anh Quang kể, trong 15 năm anh bị đá đè 2 lần. Rất may cả hai lần bị đá đè đều thoát chết, chỉ bị gãy chân, biết là nguy hiểm đó nhưng không làm đá biết làm chi để sống! Hàng ngày anh vẫn tập tễnh mang búa, vác xè beng lên đèo đào đá. Mấy chục năm qua có nhiều người khai thác đá ở Tân Lý bị sập hầm đá đè chết, hoặc mang thương tật suốt đời.

Qua số liệu tổng hợp của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn khai thác đá tăng cao trong thời gian qua là, do ý thức chấp hành nội quy an toàn khai thác đá của chính người công nhân bị họ xem nhẹ. Đa số vụ tai nạn xảy ra đều do lỗi chủ quan của người lao động.

Trọng Thái

Kỳ 2: Trách nhiệm của chủ mỏ ở đâu?