.

Xin một lần được bước đi như người bình thường

Thứ Tư, 07/10/2015, 18:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi gặp anh Phạm Văn Cường lần đầu tiên tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới khi anh về khám bệnh. Giữa hàng trăm bệnh nhân ra vào, dáng anh khá kỳ dị, người còm hẳn xuống, đi lệch về một phía, chân trái mang một chiếc guốc mộc ngoại cỡ được đẽo từ gốc cây.

Anh sinh năm 1962, quê quán thôn Lệ Kỳ I, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Anh kể rằng mình được bố mẹ sinh ra hình hài bình thường giống như những đứa trẻ khác. Tuổi thơ nghèo nơi miền quê, ngoài thời gian đến trường, lúc rảnh rỗi thường hay giúp bố mẹ làm việc đồng áng. Trong một lần lao động như vậy anh bị trượt chân té ngã. Chuyện cũng hết sức bình thường, ngã đau rồi đứng lên, về nhà quên hết cả đau. Nhưng đối với anh Cường, điều bất hạnh xảy ra từ cú ngã định mệnh ấy. Sau này cơn đau cứ thế tăng dần, từ bắp chân lan lên đầu gối rồi lên thắt lưng, buốt nhói từng cơn. Bố mẹ thương con, lo chạy chữa thuốc men mà bệnh tật anh Cường cũng chẳng thấy thuyên giảm.

Nhóm thiện nguyện Quảng Bình hỗ trợ kinh phí cho anh Phạm Văn Cường lên đường vào Sài Gòn.
Nhóm thiện nguyện Quảng Bình hỗ trợ kinh phí cho anh Phạm Văn Cường lên đường vào Sài Gòn.

Sau khi bố mẹ qua đời, mấy anh em anh Cường sống bao bọc lấy nhau, gia đình nghèo khó không có tiền tiếp tục điều trị, chân anh Cường bị teo dần, gân rút lại, đi đứng hết sức khó khăn. Năm 1997, đoàn giáo sư, bác sỹ do giáo sư Nguyễn Văn Nhân từ Hà Nội vào Quảng Bình công tác, biết gia cảnh, bệnh tật của anh Phạm Văn Cường, giáo sư Nguyễn Văn Nhân đã trực tiếp phẫu thuật kéo thẳng hai chân lại cho anh. Quá trình phẫu thuật đã xảy ra sự cố bật nẹp, biến chứng khiến các khớp chân bị lệch, chân nghiêng, hai chân xoắn lại với nhau không thể đi lại được.

Đến năm 2000, biết bệnh tình anh Cường bị biến chứng, gia đình giáo sư Nguyễn Văn Nhân đã vào thăm, động viên anh ra Hà Nội tiếp tục mổ phục hồi lại đôi chân, chi phí do người con trai cả của giáo sư hỗ trợ, chỉ mất tiền trọ và ăn uống chừng 5 triệu đồng. Phạm Văn Cường băn khoăn hỏi giáo sư Nhân rằng: nếu phẫu thuật thành công, đôi chân có thể co duỗi, đứng lên, ngồi xuống, đi lại được thì nhà nghèo mấy, hai anh em cũng bán hết đất đai mà ra Hà Nội. Nhưng chỉ kéo thẳng hai chân như hai khúc gỗ vô tri thì gia đình từ chối. Cuối cùng Phạm Văn Cường quyết định sống lê lết trên đôi chân tật nguyền, dùng số tiền vay chữa bệnh mua lợn sinh sản về chăn nuôi, cơ may thoát nghèo.

Nhưng số phận không mỉm cười với anh, bệnh dịch tai xanh cướp đi đàn lợn đang “ăn hay chóng lớn”, thêm một lần nữa anh Cường trắng tay. Bệnh tật càng ngày càng nặng thêm.

Chúng tôi lên nhà anh Cường, ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong lối nhỏ. Ngôi nhà không có bóng dáng phụ nữ từ lâu, chỉ có hai anh em đã qua tuổi ngũ tuần sống bao bọc, nương tựa vào nhau. Cơ may giúp chúng tôi tiếp cận được với anh Cường, động viên anh cố gắng tiếp tục chạy chữa, để có thể được một lần bước đi như người bình thường đều thông qua bác sỹ Nguyễn Duy Tùng, công tác tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Chính bác sỹ Tùng đã tư vấn kịp thời để anh Phạm Văn Cường vượt qua tự ti, mặc cảm vào thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phẫu thuật, chữa trị đôi chân của mình.

Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Trị, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn, người tham gia hội chẩn và trực tiếp phẫu thuật cho anh Cường, kinh phí ban đầu cho ca mổ dạng này hết 50 triệu đồng.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, qua điện thoại anh Phạm Văn Cường cho biết tình hình của mình: hiện tại anh đang được anh Lê Đức Hùng, một người chuyên làm công tác thiện nguyện ở 21 đường Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh đón về chăm sóc, hỗ trợ tiền ăn ở miễn phí. Các bác sỹ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn đã hẹn anh lên bố trí lịch mổ... nhưng vấn đề lớn anh gặp phải là không có đủ số tiền 50 triệu đồng. “Các em ở ngoài đó, thương anh thì thương cho trót, cố gắng kêu gọi cộng đồng xã hội, các mạnh thường quân giúp đỡ anh với. Lần này nếu anh không có tiền phẫu thuật thì chắc chắn rằng đến hết đời anh chẳng còn cơ hội nữa”- Phạm Văn Cường thiết tha.

Nhóm thiện nguyện Quảng Bình chúng tôi cũng đã làm hết sức mình để anh Cường có số tiền lo phương tiện đến thành phố Hồ Chí Minh. Và mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự giúp đỡ của cộng đồng đủ 50 triệu đồng tiền chi phí, giúp anh Phạm Văn Cường được phẫu thuật bước đi như người bình thường.

Địa chỉ liên hệ:

Phạm Văn Cường, thôn Lệ Kỳ I, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Điện thoại: 0915439984.

Thanh Long