.
Bài dự thi Giải thưởng báo chí viết về ATGT tỉnh Quảng Bình năm 2015:

Tai nạn giao thông có xu hướng tăng ở đường liên thôn, liên xã

Thứ Hai, 05/10/2015, 10:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, trong 8 tháng năm 2015, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên toàn tỉnh giảm cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, riêng về số vụ tai nạn và số người thương vong ở các tuyến đường tỉnh lộ, liên thôn, liên xã lại có xu hướng tăng. Đây là một thực trạng nguy hiểm đã đến lúc phải báo động.

Diễn biến phức tạp

Số liệu thống kê về TNGT 8 tháng đầu năm 2015 của Phòng CSGT Công an tỉnh cho thấy, tình hình TNGT có giảm về số vụ và số người thương vong khi chỉ xảy ra 179 vụ, làm chết 84 người, bị thương 176 người. Tuy nhiên nếu nhìn riêng vào những vụ TNGT ở các tuyến đường giao thông nông thôn thì qua 8 tháng, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ, làm chết 10 người, bị thương 5 người. Tính bình quân mỗi vụ xảy ra đều chết một người. Tỷ lệ này được đánh giá là vượt xa những năm trước đó.

Thực tế cho thấy, hầu như vụ TNGT nào xảy ra ở vùng nông thôn đều để lại hậu quả nghiêm trọng, khiến người dân thiệt hại cả về tính mạng lẫn tài sản. Đơn cử, khoảng 9 giờ 30 phút ngày 1-6-2015, tại đường liên tổ dân phố thuộc địa phận tổ dân phố Mỹ Hòa, xã Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn), bà Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1964) điều khiển xe mô tô gây tai nạn với xe đạp do cháu Lê Anh Đạt (sinh năm 2000) điều khiển chở sau cháu Lê Quý V. (sinh năm 2006).

Vụ tai nạn này đã khiến cháu V. tử vong tại chỗ. Cũng trong tháng 6, tại đường liên xã qua thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy) xe mô tô BKS 73N6-1694 do anh Đào Hữu Quang (sinh năm 1958) là người địa phương điều khiển đâm vào bà Trần Thị C. (sinh năm 1931) ở cùng quê đang đi bộ qua đường. Hậu quả làm bà C. chết, anh Quang bị thương nặng. Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ TNGT đã xảy ra trên tuyến đường liên thôn, liên xã gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hướng đến tính mạng và tài sản của người dân.

Một vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa hai xe máy tại địa phận xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch.
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa hai xe máy tại địa phận xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch.

Để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này, chúng tôi có mặt tại một số tuyến đường liên thôn, liên xã, tỉnh lộ qua huyện Bố Trạch để quan sát. Tại tuyến tỉnh lộ qua thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, chỉ trong khoảng một giờ, chúng tôi ghi nhận được có ít nhất trên 50 trường hợp người điều khiến xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm.

Rất nhiều trong số đó chạy từ các quán nhậu hai bên đường khu vực gần chợ Phong Nha ra với tốc độ rất cao. Khoảng bốn giờ chiều, một chiếc xe Exiter 150 chạy với tốc độ cao do một thanh niên mặt đỏ bừng, không đội mũ bảo hiểm chạy từ hướng bến đò du lịch Phong Nha về hướng đường Hồ Chí Minh thì bất ngờ một phụ nữ bán nước mía băng ngang đường. Người phụ nữ kịp đứng khựng lại mới tránh được cú lách xe của người thanh niên.

Rẽ qua tuyến đường QL15 cũ nối từ xã Sơn Trạch dọc theo sông Son về xã Hưng Trạch, cũng chỉ trong một giờ đồng hồ, chúng tôi ghi nhận được hàng chục trường hợp không đội mũ bảo hiểm. Có người còn vừa điều khiển xe vừa ngồi gác chân lên thân xe. Tuyến đường này rộng khoảng 5 mét, nhưng có hàng chục con ngõ, hẽm cắt ngang với cây cối um tùm che khuất tầm nhìn.

Tuy nhiên, nhiều người lái xe máy cứ ngang nhiên phóng bạt mạng. Khoảng 5 giờ chiều, đoạn đường qua thôn Cù Lạc (xã Sơn Trạch), một chiếc xe máy đã suýt quệt vào một học sinh khi em này bất ngờ điều khiển xe đạp vọt từ trong ngõ ra. May xe máy lách kịp tay lái. Chị Ngọc, chủ một quán tạp hóa tại đây cho biết: “Đây không phải lần đầu. Nhiều lần tai nạn đã xảy ra ở đoạn đường này vì xe bất ngờ chạy ra từ ngõ khuất bị xe chạy trên đường nhựa va phải. Như cậu học trò vừa rồi là còn may...”.

Vẫn là nỗi ám ảnh mang tên… rượu bia

Ông Phan Văn Nam, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Bố Trạch, cho biết: Tình trạng không chấp hành pháp luật an toàn giao thông của người dân khu vực nông thôn rất khó kiểm soát. Lý do được đưa ra là bởi lực lượng CSGT của huyện này khá mỏng, không thể bao quát hết toàn bộ địa bàn. “Chúng tôi đã nhiều lần lên tuần tra các khu vực xa trung tâm như Phong Nha, Troóc nhưng làm không xuể. Cứ thấy lực lượng CSGT là người dân tránh ngay”, ông Nam nói.

Trung tá Từ Nhật Tú, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết,  nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNGT ở vùng nông thôn xu hướng tăng trong thời gian qua chủ yếu là bởi ý thức tuân thủ Luật Giao thông đường bộ của người dân vùng nông thôn chưa tốt, đặc biệt là thanh thiếu niên. Rất nhiều trường hợp TNGT xảy ra ở vùng nông thôn là do những thanh thiếu niên uống rượu bia quá mức cho phép gây mất kiểm soát, khi chạy xe ra đường thì không đội mũ bảo hiểm. “Những thanh niên mới lớn uống rượu bia rồi chạy xe được xem là “nổi ám ảnh” của nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Khi có hơi men vào là chạy bạt mạng. Trong khi đường nông thôn lại nhỏ hẹp và có nhiều đường hẽm cắt ngang. Với thực trạng này, tai nạn là khó tránh khỏi”, ông Tú nói.

Còn theo ông Phan Văn Nam, Đội trưởng Đội CSGT huyện Bố Trạch, một nguyên nhân khác cũng khiến tình trạng mất an toàn trên các tuyến đường giao thông nông thôn, đó là việc hạ tầng giao thông trên các tuyến đường này còn rất hạn chế. Không có hệ thống biển báo giao thông cũng như hệ thống gờ giảm tốc độ ở các tuyến đường giao nhau đông người qua lại.

Lực lượng CSGT huyện đã hai lần đề xuất việc tăng cường cắm các biển báo giao thông ở các tuyến đường giao thông nông thôn, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Đường nông thôn hiện tại rất phức tạp và rất nhiều điểm đen giao thông cần hệ thống biển báo và gờ giảm tốc độ. Nếu không làm kịp thời sẽ còn nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra”, ông Nam cho biết.

Ông Hoàng Đăng Cương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cũng cho biết, tình trạng TNGT ở các tuyến đường giao thông nông thôn hiện nay rất đáng báo động. Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổng lực vào cuộc để giảm thiểu tai nạn. Nguyên nhân chủ yếu là ý thức của người tham gia giao thông vùng nông thôn chưa cải thiện được nhiều. Đặc biệt là tình trạng thanh niên nông thôn uống rượu bia vượt quá nồng độ cho phép khi tham gia giao thông.

Riêng việc cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, ông Cương khẳng định là rất cần thiết. Tuy nhiên để thực hiện được phải cần một nguồn vốn rất lớn. Mà nguồn vốn của địa phương thì rất hạn hẹp nên trong thời gian qua mới chỉ thực hiện được việc cắm biển báo ở một số tuyến đường tỉnh lộ. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu và xin hỗ trợ thêm vốn để thực hiện việc cắm biển báo giao thông, đặt gờ giảm tốc độ ở nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn nhằm giảm thiểu TNGT.

Tuy nhiên, điều cần thiết hơn là ý thức của người dân. Mỗi người khi ra đường phải ý thức được những nguy cơ tiềm ẩn TNGT để tránh tai nạn cho mình và cho người khác thì mới giảm được thương vong không đáng có”, ông Cương chia sẻ.

Lan Chi