.

Thực hiện công tác phòng, chống lụt bão: Tuyệt đối không chủ quan

Thứ Hai, 19/10/2015, 07:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Đặc thù địa hình của huyện Lệ Thủy là vùng chiêm trũng nên hàng năm thường phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do thiên tai, lũ lụt gây ra.  Nhận định tình hình thời tiết năm nay sẽ diễn biến phức tạp nên huyện Lệ Thủy đã sớm triển khai thực hiện các phương án phòng, chống lụt bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

 

Người dân các xã miền núi huyện Lệ Thủy chủ động che chắn chuồng trại bảo vệ đàn gia súc trong mùa rét.
Người dân các xã miền núi huyện Lệ Thủy chủ động che chắn chuồng trại bảo vệ đàn gia súc trong mùa rét.

Cụ thể, huyện đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, gia cố bờ vùng, bờ thửa... trước mùa mưa bão nhằm bảo đảm sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Đồng thời chuẩn bị các phương tiện bơm tát sẵn sàng bơm tiêu chống úng đối với các vùng trũng, thấp có nguy cơ bị ngập úng.

Huyện cũng chỉ đạo các địa phương chủ động lên kế hoạch chuẩn bị giống cây, con để phục hồi sản xuất sau mùa mưa lũ, nhất là giống lúa, giống rau màu các loại để phục vụ, cung ứng cho các xã, thị trấn, các hộ gia đình bị lũ lụt cuốn trôi, bảo đảm giống sản xuất vụ đông-xuân 2015-2016.

Đối với các hộ nuôi cá ao hồ, nuôi cá lúa, chính quyền các xã, thị trấn cần phải có kế hoạch chỉ đạo bảo vệ hoặc thu hoạch trước mùa mưa bão; các hộ nuôi cá lồng bè có phương án neo lồng ở những nơi an toàn, tránh thiệt hại khi nước lũ về. Ngoài ra, ở các điểm khu dân cư sống ở ven sông, vùng thấp, vùng có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở bờ sông cần phải có phương án sơ tán bảo đảm người, tài sản, vật nuôi đến vị trí an toàn khi có thiên tai xảy ra.

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra là, các chủ đầu tư phải chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung huy động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa bão.

Đối với các công trình xây dựng nhằm mục đích phòng chống thiên tai cần phải khẩn trương thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công bảo đảm đúng tiến độ. Đồng thời có kế hoạch bảo quản các loại máy móc, thiết bị, vật tư, văn phòng phẩm và các hạng mục còn thi công dở dang, không có khả năng hoàn thành trước mùa mưa. Tập trung chỉ đạo thi công và bảo vệ thi công các công trình trọng điểm như cầu Phong Xuân, các hồ đập, tuyến kè và một số công trình thủy lợi khác.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo, khuyến khích người dân thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo, diễn biến của thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện nội dung công điện của tỉnh, huyện và sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương. Bổ sung dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra. Sẵn sàng thực hiện sơ tán khi có lệnh của chính quyền địa phương. Tham gia các hoạt động cộng đồng trong việc phòng, chống thiên tai.

Riêng đối với những vùng ven sông, ven núi đang có nguy cơ sạt lở, vùng bị lũ quét, vùng thường xuyên bị ngập sâu, vùng hạ lưu các hồ chứa, các công trình ngăn nước và vùng ven biển thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường phải có phương án cụ thể để sơ tán người và tài sản trước mùa mưa bão; có kế hoạch tu sửa, chằng chống nhà cửa đề phòng khi có sự cố xảy ra, chuẩn bị lực lượng ứng cứu người và tài sản trong mọi tình huống.

Trên cơ sở đặc thù của địa phương, huyện Lệ Thủy nhận định một số vùng xung yếu hàng năm thường bị lũ lụt chia cắt như: thôn Bình Minh, xã Dương Thủy, thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy; An Lạc, xã Lộc Thủy; vùng có nguy cơ bị sạt lở, giao thông đi lại bị chia cắt thuộc 3 xã miền núi Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy; vùng bị ảnh hưởng bởi triều cường thuộc 3 xã miền biển Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc, vùng hạ lưu các hồ chứa An Mã, Cẩm Ly và các hộ dân sống dọc theo 2 bờ sông Kiến Giang.Vì thế, chính quyền các địa phương này đã có phương án cụ thể để di dời đến nơi an toàn. 

Trên cơ sở thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), Ban Chỉ huy PCLB huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời cảnh báo, thông báo diễn biến tình hình thời tiết để người dân có kế hoạch phòng chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Các lực lượng Công an, Quân đội cũng đã xây dựng phương án PCLB của đơn vị mình một cách cụ thể, sát thực. Chủ động phân công lực lượng trực 24/24 giờ nhằm bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình thực hiện công tác PCLB; đồng thời phân công trách nhiệm cho các chiến sỹ bám sát địa bàn để nắm chắc tình hình, xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng lụt bão để trộm cắp tài sản. Các tổ lực lượng cơ động ứng cứu tại các địa bàn xung yếu cũng đã được thành lập với số lượng mỗi tổ từ 20 đến 30 người.

Trong đó, nòng cốt là cán bộ, chiến sỹ Ban chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, đoàn viên thanh niên và dân quân tự vệ các địa phương ít chịu ảnh hưởng của thiên tai. Trong công tác quản lý và sử dụng trang thiết bị, phương tiện phòng chống lụt bão, các ban ngành, đoàn thể, đơn vị bám sát tình hình thực tiễn của đơn vị mình để triển khai thực hiện có hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao.

Các đơn vị như Đài truyền thanh-Truyền hình, Đài viễn thông, UBND các xã, thị trấn kịp thời sửa chữa các phương tiện thông tin loa đài, máy phát điện để chủ động trong công tác thông tin tuyên truyền khi mưa bão xảy ra. Các lực lượng Công an, Quân sự chủ động kiểm tra, duy tu, sửa chữa các phương tiện PCLB như thuyền máy, bộ đàm, đồng thời có kế hoạch vận hành thử trước khi mưa bão để tránh bị động khi thực hiện phương án chung.

Ngay sau khi có mưa bão xảy ra, Ban Chỉ huy PCLB huyện sẽ tập trung huy động tối đa các lực lượng để thực hiện tốt công tác cấp phát hàng cứu trợ, tu sửa và dựng lại nhà ở cho nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng và Trạm thú y chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phòng, chữa bệnh cho người và gia súc, phun thuốc tiêu độc khử trùng nhằm khống chế các loại dịch bệnh thường xảy ra sau lũ.

Mặc dù là địa bàn vùng thấp trũng thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa bão hàng năm, nhưng với phương án PCLB hết sức cụ thể, sát thực đã được đưa ra, tin tưởng rằng, Lệ Thủy sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Nguyễn Hoàng