.
Bài dự thi viết về "Gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến xuất sắc" tỉnh Quảng Bình lần thứ II, năm 2015-2016:

"Người mẹ" của trẻ khiếm thính

Thứ Ba, 15/09/2015, 09:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Dạy nghề cho trẻ em khuyết tật nói chung và trẻ khiếm thính nói riêng là không hề dễ. Song, vẫn có những con người đã lặng lẽ truyền nghề cho các em từ năm này qua năm khác không một chút tư lợi cho bản thân.

 

Chị Hoàng Thị Len đang hướng dẫn cho học trò.
Chị Hoàng Thị Len đang hướng dẫn cho học trò.

Đó là chị Hoàng Thị Len, 43 tuổi, trú tại TDP 12, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới. Chị sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em, chị là con út. Năm 1992, chị học nghề may. Năm 1993, chị vay vốn thuê mặt bằng, mua máy mở quán may gần tuyến đường QL 1A (đoạn đối diện Nhà máy bia rượu Quảng Bình).

Sau một thời gian không lâu, tiệm may khá đông khách bởi sự khéo tay của chị... Năm 1998, chị thành lập gia đình, lúc này tay nghề của chị đã được nâng cao nên chị mở lớp dạy nghề cho các em khiếm thính có nhu cầu.

Khi chúng tôi hỏi về những khó khăn vất vả trong việc dạy cắt may cho các em là người khiếm thính, chị cho hay: Việc dạy may cho người khiếm thính rất khó khăn, bởi vì các em vào học chủ yếu có độ tuổi từ 12- 17, có em chỉ mới lớp 2- lớp 4 ở các trung tâm khuyết tật nên mọi tiếp cận, hướng dẫn ban đầu rất vất vả. Chị Len đã trăn trở tìm phương pháp dạy cho các em. Chị đã vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm để các em dễ hiểu, tiếp thu.

Ban đầu chị để các em quan sát chị may, cắt... Khi các em đã nắm bắt sơ lược được những thao tác của chị (mọi thông tin hỏi và trả lời giữa chị với các em được thể hiện bằng giấy, bút) chị chuyển qua giai đoạn tiếp theo.

Cứ thế, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác với sự nhiệt tình của chị Len, các em đã nắm bắt được cơ bản về cách học đo, may, cắt... Khi các em đã thuần thục về đường may, chị Len bắt đầu dạy cho các em cách cắt. Lúc đầu chị dùng giấy báo vẽ nhiều mẫu thiết kế cho các em cắt theo để  làm quen. Tất cả các ký hiệu ở bản thiết kế mẫu áo hoặc quần được chị tỷ mỷ viết ra thành chữ rành mạch, sau đó chị lại hướng dẫn bằng thước hoặc que trên bản vẽ đó.

Cứ thế, dần dà các em nắm được các ý tưởng từ phác thảo mẫu trên giấy, chị vẽ lên vải để các em quen dần với chất liệu thực tế. Khi các em đã có thể tự cắt may và trở về gia đình, chị không quên ghi chép cẩn thận tất cả các công thức đo, may, cắt... và các mẫu áo, quần cho các em vào một cuốn sổ như là cẩm nang nghề cho các em.

Từ sự dìu dắt, lòng thương yêu của chị, học trò khiếm thính của chị Hoàng Thị Len đã trở thành những người thợ may thành thạo, tự mình kiếm sống. Đó là Nguyễn Thị Thùy Dung, SN 1986 (khiếm thính), trú tại TDP 14, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới. Dung khiếm thính bẩm sinh. Năm 15 tuổi, bố mất, gia đình thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Em Phan Thị Thu Nga (đứng) đang dạy may cho người cùng cảnh tại tiệm may của mình.
Em Phan Thị Thu Nga (đứng) đang dạy may cho người cùng cảnh tại tiệm may của mình.

Thương mẹ và bà ngoại, em đã cùng mẹ đến xin chị Len học may để sau này tự nuôi sống bản thân. Dung không nghe, không nói được, không được đến trường như các bạn khiếm thính khác nên việc nhận biết con chữ chưa thông thạo. Từ tình thương người, chị đã dạy may miễn phí cho em. Sau hai năm miệt mài, Dung đã thành thạo nghề may và được chị Len cưu mang. Hiện nay Dung là thợ may giỏi được chị Len trả tiền công 3.500.000 đ/tháng.

Em Phan Thị Thu Nga (khiếm thính) sinh năm 1993, trú tại thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Với sự dạy bảo tận tình của chị Len, hơn nữa em đã học qua chương trình nghề may tại Trung tâm Khuyết tật huyện Quảng Trạch. Do vậy, sau hơn một năm Nga đã tương đối thành thạo. Năm 2010, Nga nhận được sự hỗ trợ từ người thân trở về quê mở tiệm may nhỏ tại nhà. Năm 2012, Nga được Hội Vì sự nghiệp phát triển của người khuyết tật Quảng Bình hỗ trợ thêm máy móc hiện đại hơn. Từ đây, Nga đã thực hiện được ước mơ của mình. Nga đã mạnh dạn nhận đo, may các loại áo, quần.

Hiện nay, khách hàng ở mọi lứa tuổi không chỉ ở trong vùng mà ở các xã lân cận, đã tìm đến Nga để đặt hàng. Không những Nga là người khiếm thính trở thành thợ may giỏi nổi tiếng, mà còn là địa chỉ dạy cắt may miễn phí cho người cùng cảnh tại tiệm may của em. Nga đã học được việc làm từ thiện, từ tấm lòng “thương người như thể thương thân” của cô giáo Hoàng Thị Len mà em đã được học ngày nào...

22 năm, vừa là thợ may, vừa là người thầy cho gần 20 học viên trong và ngoài tỉnh, nhưng ngôi nhà cấp 4, nơi cư ngụ của gia đình chị Hoàng Thị Len với 3 đứa con tại đường F325 khá khiêm tốn, chiều rộng chưa đến 3m và chiều dài chưa đến 13 mét, lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Chị đã nói với chúng tôi rằng chị rất vui, vì chị đã giúp được các em khiếm thính có nghề để sống.

Tiến Hành