.

Hôn nhân có yếu tố nước ngoài: Tiềm ẩn những nguy cơ

Thứ Tư, 11/03/2015, 09:56 [GMT+7]

Kỳ 1: “Kết” thì... dễ, “Ly”... mới khó!

(QBĐT) - Bên cạnh những cuộc hôn nhân với người nước ngoài vì tình yêu chân chính, được xây dựng trên nền tảng thấu hiểu, yêu thương, tôn trọng và chân thành, vẫn còn đó không ít đám cưới giữa người Việt Nam và người nước ngoài vì các mục đích cá nhân riêng và để rồi sau đó, hệ lụy không chỉ dành cho người ở lại, mà còn cho cả những đứa trẻ được sinh ra sau các cuộc hôn nhân. Ở Quảng Bình, tình trạng đó đang âm ỉ diễn ra ở một số ngôi làng ven biển với nhiều chị em không làm được giấy khai sinh cho con mình hay các cặp “vợ chồng” sống với nhau mà không thể đăng ký kết hôn…

Đó là tâm sự của đa phần các chị em lấy chồng Hàn Quốc nay đã về lại quê hương ở thôn Thanh Hải, Thanh Trạch, Bố Trạch. Và chắc chắn, đây cũng là thực trạng chung của nhiều chị em lấy chồng người nước ngoài ở tỉnh ta, khi về Việt Nam, mặc dù rất muốn ly hôn nhưng lại rất khó để triển khai được. Theo thống kê sơ bộ từ Tòa án nhân dân tỉnh, hầu như, từ trước đến nay, Tòa chưa xử lý được một vụ ly hôn nào mà người chồng là người Hàn Quốc. Bởi một nguyên nhân rất đơn giản... tìm không ra người chồng ấy!

Chị H.T.H (SN 1991, Thanh Hải, Thanh Trạch, Bố Trạch) tâm sự, năm 2011, qua mai mối của người anh trai ở bên Hàn Quốc, chị đã phát sinh tình cảm với một người bản xứ và quyết định đi đến hôn nhân. Qua Hàn Quốc được 1 năm 7 tháng, do bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa và nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác, chị trở về Việt Nam năm 2013. Đến năm 2014, chị lập gia đình cùng với một thanh niên trong thôn và sinh một bé gái kháu khỉnh. Hạnh phúc tưởng chừng như đã viên mãn với chị H. Tuy vậy, chị vẫn đau đáu một nỗi lo thường nhật. Thực tế cho thấy, chị H. vẫn chưa làm thủ tục ly hôn với người chồng Hàn Quốc, do đó, về mặt pháp lý, chị không thể đăng ký kết hôn với “người chồng” hiện tại. Cách đây 8 tháng, chị H. đã làm đầy đủ thủ tục gửi Tòa án nhân dân tỉnh để tiến hành ly hôn người chồng Hàn Quốc này, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có hồi âm. Trước đây, biết được khó khăn trong thủ tục ly hôn khi về Việt Nam, chị H. đã chủ động xin được ly hôn tại Hàn Quốc, nhưng gia đình chồng không chấp nhận. Nay, khi về Việt Nam, mọi liên lạc với người chồng Hàn Quốc đều đã bị cắt đứt.

Ở Thanh Trạch (Bố Trạch), nhiều phụ nữ đã lập gia đình mới và có con, nhưng vẫn chưa thể đăng ký kết hôn với “người chồng” hiện tại do chưa ly hôn với người chồng Hàn Quốc.
Ở Thanh Trạch (Bố Trạch), nhiều phụ nữ đã lập gia đình mới và có con, nhưng vẫn chưa thể đăng ký kết hôn với “người chồng” hiện tại do chưa ly hôn với người chồng Hàn Quốc.

Một trường hợp khác ở thôn Thanh Hải thậm chí còn chưa qua được Hàn Quốc nhưng cũng đã đăng ký kết hôn. Chị N.T.N (SN 1988) làm thủ tục kết hôn với một người Hàn Quốc năm 2008 theo một đường dây quen biết. Đối tượng có về Việt Nam làm thủ tục giấy tờ để đăng ký kết hôn, nhưng sau khi qua lại Hàn Quốc, do đường dây bị lộ, đã bặt vô âm tín từ đó đến nay. Năm 2010, chị N lập gia đình với người cùng thôn, và cũng như trường hợp của chị H, chị N cũng không thể đăng ký kết hôn với người chồng mới, khi mà người chồng cũ vẫn chưa hoàn tất thủ tục ly hôn. Chị cũng không đến Tòa án nhân dân tỉnh để xin tư vấn ly hôn với người nước ngoài, bởi chị biết, có làm thủ tục cũng tìm đâu ra người chồng của mình. Chị ngậm ngùi, nếu biết trước mọi việc khó khăn như thế này, chị đã không dại dột sa chân vào con đường gian nan đó.

Ông Lê Văn Hồng, Trưởng thôn Thanh Hải cho biết, thôn có hơn 10 trường hợp phụ nữ lấy chồng nước ngoài, chủ yếu là người Hàn Quốc. Người dân còn có một ví von là “cắt nửa làng Seoul về thôn Thanh Hải” để minh họa cho hoàn cảnh này. Khoảng 4 trường hợp đã làm xong thủ tục ly hôn ngay tại Hàn Quốc trước khi về Việt Nam, các trường hợp còn lại vẫn đang rất bế tắc để có thể ly hôn. Theo anh Nguyễn Minh Tân, cán bộ Tư pháp-Hộ tịch xã Thanh Trạch, những năm 2008, 2009 và 2010, không chỉ ở Thanh Trạch mà ở các xã biển khác của Bố Trạch, như: Hải Trạch, Nhân Trạch, Đức Trạch, tình trạng kết hôn với người nước ngoài, đặc biệt là người Hàn Quốc, có sự gia tăng đột biến. Theo thống kê, năm 2010, Thanh Trạch có 85 trường hợp ở độ tuổi từ 18-30 tuổi kết hôn có yếu tố nước ngoài, hầu hết là người Hàn Quốc. Đáng lưu ý bên cạnh người độc thân lấy vợ, chồng người nước ngoài, còn không hiếm trường hợp đã có gia đình, nhưng vẫn ly hôn để kết hôn với người nước ngoài. Nhiều trường hợp sau khi về nước đến xin tư vấn về thủ tục ly hôn đều được cán bộ Tư pháp-Hộ tịch xã giới thiệu vào Tòa án nhân dân tỉnh để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục. Một số ít trường hợp đã ly hôn tại nước sở tại hoặc vợ, chồng người nước ngoài đã chết.

  Tại những xã biển như Thanh Trạch (Bố Trạch), một số lượng không nhỏ phụ nữ từng lấy chồng nước ngoài, nhưng nay không thể làm thủ tục ly hôn vì... không tìm thấy chồng (?!)
Tại những xã biển như Thanh Trạch (Bố Trạch), một số lượng không nhỏ phụ nữ từng lấy chồng nước ngoài, nhưng nay không thể làm thủ tục ly hôn vì... không tìm thấy chồng (?!)

Bà Nguyễn Thị Lài, Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định, hầu hết trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là với người Hàn Quốc, đều chỉ đến chính quyền địa phương xin giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân, sau đó thực hiện theo đúng trình tự thủ tục kết hôn tại nước bạn, và thường chỉ về tỉnh ta để ghi chú kết hôn mà thôi. Do đó, khâu tư vấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho người Việt về những khó khăn, mâu thuẫn dễ gặp phải trong các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài là rất khó khăn. Theo bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Quảng Bình hiện vẫn chưa có Trung tâm hỗ trợ, tư vấn hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Trước đây, Hội cũng đã có ý định thành lập, nhưng do một vài vướng mắc nên trung tâm này chưa ra đời. Hiện tại, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh duy trì Trung tâm tư vấn pháp luật, nỗ lực giải đáp mọi vướng mắc liên quan đến pháp luật cho chị em phụ nữ. Tuy nhiên, cũng theo bà Phạm Thị Hân, các trường hợp cần sự tư vấn về hôn nhân có yếu tố nước ngoài cũng ít khi tìm đến.

Thống kê từ Tòa án nhân dân tỉnh cho thấy một thực trạng là các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài, nhất là với người Hàn Quốc, rất ít khi giải quyết được. Nguyên nhân chính là do khi toàn bộ hồ sơ được gửi ủy thác bằng đường ngoại giao qua nước bạn thì không thể tìm được người chồng hoặc người vợ, do địa chỉ giả. Theo quy định, thời hạn xử lý một vụ ly hôn là 4 tháng, riêng có yếu tố nước ngoài phức tạp sẽ thêm 2 tháng. Sau khoảng thời gian 6 tháng, Bộ Ngoại giao không gửi kết quả cho Tòa án, thì Tòa án sẽ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và chờ kết quả ủy thác tư pháp. Và khoảng thời gian chờ đợi này có thể sẽ kéo dài rất lâu, có khi suốt cả cuộc đời nếu không có những điều chỉnh kịp thời về mặt pháp lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho chị em trong hoàn cảnh này.    

Mai Nhân

Kỳ 2: Chuyện những đứa trẻ không được khai sinh