.
Vấn đề hôm nay:

Lá phiếu và trách nhiệm

Thứ Hai, 26/01/2015, 17:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Vài năm gần đây, Đảng ta chủ trương mở rộng dân chủ bằng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Mục đích là nhằm đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ. Do vậy, trách nhiệm của người cầm lá phiếu là phải thật công tâm, khách quan, không vì động cơ cá nhân.

Ở tỉnh ta, đến thời điểm này, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và cấp huyện đã cơ bản hoàn tất. Kết quả sơ bộ cho thấy, hầu hết những người được lấy phiếu đều có số phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm chiếm tuyệt đại đa số, trong đó có nhiều người có số phiếu tín nhiệm cao đạt 100%. Điều đó cho thấy, những người được lấy phiếu đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, điều đáng suy nghĩ là ở phần lớn các đơn vị, vẫn xảy ra tình trạng có người bị “dính” một vài phiếu tín nhiệm thấp. Vì sao vậy?

Khác với việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội hay HĐND, vì “tư lệnh” các ngành, lĩnh vực phụ trách một mảng công việc quá rộng lớn nên không tránh khỏi những lá phiếu cảm tính do thiếu thông tin, thì điểm thuận lợi của việc lấy phiếu tại đơn vị công tác của các cán bộ chủ chốt là mọi người quá hiểu rõ nhau. Vì thế, nếu một người có số phiếu tín nhiệm cao chiếm đại đa số, nhưng vẫn bị một vài phiếu tín nhiệm thấp, thì đó là điều không bình thường.

Chúng ta đều hiểu, phiếu tín nhiệm thấp chỉ dành cho những người yếu kém năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc đạo đức tác phong “có vấn đề”. Chẳng lẽ, số đông kia đã sai khi nhìn nhận một con người cụ thể? Chỉ có một cách giải thích cho các lá phiếu lạc lõng kia là do ganh ghét, kèn cựa địa vị hay định kiến cá nhân mà thôi!

Lá phiếu thì nhẹ, nhưng trách nhiệm thì rất nặng. Nếu không công tâm và khách quan trong đánh giá người khác, thì họ đã tự bỏ phiếu tín nhiệm thấp cho chính mình vậy!

T.L