.

Cử tri vùng sâu, vùng xa vẫn "khát" chương trình truyền hình Quảng Bình

Thứ Sáu, 05/12/2014, 10:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong số những kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVI, cử tri xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) đề xuất tỉnh đầu tư xây dựng trạm phát lại truyền hình trên địa bàn, tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận với các chương trình truyền hình, đặc biệt là chương trình của Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình. Không chỉ riêng người dân Lâm Hóa, mà ở hầu hết các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc các trạm phát lại truyền hình bị hư hỏng, không hoạt động được đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Tư Thoan, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa) cho biết: Là một xã miền núi, địa hình khó khăn, những năm qua, người dân Lâm Hóa thường bắt sóng truyền hình từ trạm phát lại truyền hình.

Tuy nhiên chất lượng phát sóng rất thấp, đặc biệt hầu hết người dân địa phương không được xem chương trình của Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) Quảng Bình, đây là một thiệt thòi lớn của người dân, đồng thời ảnh hưởng đến việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh cũng như thông tin thời sự hàng ngày.

Tương tự, tại xã Trung Hóa (Minh Hóa), nhiều năm trở lại đây, việc xem chương trình truyền hình của Đài PT-TH tỉnh là mơ ước của nhiều người. Bởi cũng giống như Lâm Hóa, trạm phát lại truyền hình trên địa bàn hoạt động kiểu “phập phù” lúc được lúc không, chất lượng hình ảnh và âm thanh rất kém.

Ông Cao Xuân Hiểu, thôn Liêm Hóa 1, cho biết: Để giải quyết nhu cầu xem tin tức trên kênh truyền hình tỉnh nhà, gia đình ông đã đầu tư lắp đặt dịch vụ MyTV. Nhưng cũng phải cách đây mấy tháng, khi Đài PT-TH tỉnh phát sóng trên vệ tinh thì mới xem được kênh Quảng Bình, chứ trước đây có MyTV cũng chịu.

Trạm phát lại truyền hình tại xã Xuân Trạch, một trong những trạm được đầu tư nâng cấp khá khang trang nhưng chất lượng hoạt động vẫn còn hạn chế.
Trạm phát lại truyền hình tại xã Xuân Trạch, một trong những trạm được đầu tư nâng cấp khá khang trang nhưng chất lượng hoạt động vẫn còn hạn chế.

Tại khu vực các xã Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch (Bố Trạch) hiện có một trạm phát lại truyền hình đặt tại xã Xuân Trạch. Cũng chung cảnh ngộ như hầu hết các trạm phát lại trong tỉnh khác, cách đây nhiều năm, hệ thống máy móc, trang thiết bị của trạm cũng ngừng hoạt động do hư hỏng. Năm 2011, với sự hỗ trợ của huyện Bố Trạch và Đài PT-TH tỉnh, khuôn viên nhà trạm được tu sửa và trang bị dịch vụ MyTV với mục đích nâng cao chất lượng phát sóng các chương trình truyền hình nói chung và truyền hình Quảng Bình nói riêng.

Anh Nguyễn Quang Quyết, nhân viên hợp đồng ngắn hạn của Đài Truyền thanh-Truyền hình Bố Trạch, người có trách nhiệm phát lại các chương trình truyền hình tại trạm, cho biết: Từ khi được đầu tư dịch vụ MyTV, trạm hoạt động khá ổn định. Hàng ngày, anh có mặt tại trạm từ khoảng 6 giờ tối đến 12 giờ tối để trực phát sóng. Nhưng cách đây hơn một tuần máy lại bị hỏng. Hiện anh đang liên lạc với nhà cung cấp dịch vụ để tiến hành sửa chữa. Theo anh Quyết, việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp trạm phát lại sóng truyền hình vẫn là lựa chọn tốt nhất.

Để thỏa mãn mơ ước được xem truyền hình nói chung và kênh truyền hình Quảng Bình nói riêng, có một thực tế phổ biến hiện nay là rất nhiều hộ dân đang sử dụng đầu thu kỹ thuật số “lậu”. Các đầu thu này có giá phổ biến từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, có thể xem được vài chục kênh truyền hình.

Tuy nhiên với loại đầu thu này, khi các đài truyền hình thay đổi tần số hoặc công nghệ phát sóng thì đầu thu “lậu” sẽ không phát được các kênh đã bị thay đổi. Công nghệ ngày càng phát triển thì số kênh của loại đầu thu này ngày càng ít hơn. Và không ít hộ dân sau khi đầu tư đầu thu kỹ thuật số “lậu” đã ngậm ngùi vì những kênh truyền hình hấp dẫn ngày càng bị cắt giảm. Cùng với việc tốn kém về mặt kinh phí để đầu tư cho thiết bị này, việc người dân tiêu thụ đầu thu kỹ thuật số “lậu” cũng đã vô tình tiếp tay cho những kẻ kinh doanh trái phép, tác động tiêu cực đến đời sống, xã hội...

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Khánh Hòa, Giám đốc Đài PT-TH Quảng Bình cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 trạm phát lại sóng truyền hình được đầu tư xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phủ sóng PT-TH tại các địa bàn khó khăn. Sau một thời gian đi vào hoạt động, một số trạm đã bị xuống cấp, hư hỏng và ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến hoạt động phát sóng.

Thực hiện phân cấp từ năm 1999, ngoại trừ hai trạm ở Tuyên Hóa và Minh Hóa thuộc Chương trình phủ sóng miền tây, do đài PT-TH tỉnh quản lý, thì những trạm còn lại thuộc trách nhiệm quản lý và điều hành của các đài huyện, thị xã. Những năm qua, Đài PT-TH tỉnh đã tích cực tham gia hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các trạm này, nhằm góp phần đưa thông tin về với bà con, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu vùng xa. "Hiện nay Đài PT-TH đã phát trên sóng vệ tinh.

Để xem được các chương trình truyền hình nói chung với chất lượng cao, chương trình của Đài PT-TH tỉnh nói riêng, bà con có thể lắp đặt các đầu thu kỹ thuật số chính thống do VTC sản xuất thay vì sử dụng các đầu thu "lậu". Tuy nhiên với điều kiện kinh tế hạn chế của các hộ dân ở những địa phương nói trên, thì việc đầu tư đầu thu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt kinh phí...", ông Hòa chia sẻ.

Được biết, liên quan đến vấn đề này, Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) cũng đã có công văn số 199/STTTT-KHTC ngày 7-4-2014 gửi UBND tỉnh về việc xin chủ trương thực hiện số hóa truyền hình, trong đó có nội dung hỗ trợ đầu thu truyền hình vệ tinh cho các hộ nghèo. Hiện UBND tỉnh đã giao Sở TT-TT phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và xã hội, Sở Tài chính đề xuất phương án hỗ trợ phù hợp.

Về ý kiến đề xuất xây dựng trạm phát lại truyền hình tại xã Lâm Hóa, ông Phạm Thanh Tân, Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết: Thực hiện đề án số hóa truyền hình mặt đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ TT-TT đã có văn bản chỉ đạo với nội dung "Không đầu tư, mua sắm, triển khai mới các máy phát truyền hình tương tự trên địa bàn, trừ trường hợp đặc biệt cần thiết đầu tư mới để phủ sóng truyền hình mặt đất cho vùng sâu, vùng xa, vùng chưa được phủ sóng các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu...".

Do đó, lựa chọn tối ưu nhất hiện nay đối với việc đưa thông tin đến với người dân vùng sâu, vùng xa là đầu tư đầu thu truyền hình vệ tinh, tu sửa các trạm phát sóng cũ để nâng cao chất lượng hoạt động chứ không tiến hành xây mới".   

Ước mơ được xem truyền hình nói chung và chương trình truyền hình Quảng Bình nói riêng của bà con các xã vùng sâu, vùng xa là vô cùng chính đáng. Đặc biệt, tại những kỳ họp HĐND tỉnh, được xem các chương trình phát sóng trực tiếp chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu và ban, ngành hữu quan, là khát khao của nhiều người dân tại các địa phương nói trên. Mong rằng thời gian tới, các cấp, ngành, cơ quan chức năng sẽ có các giải pháp phù hợp và hiệu quả để hỗ trợ người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận với những thông tin hữu ích...

Ngọc Mai-Nội Hà