.

Những công trình cấp nước nông thôn kém hiệu quả: Làm khó thêm lộ trình nông thôn mới!

Thứ Sáu, 07/11/2014, 07:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT), Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, năm 2013, toàn tỉnh có 70 công trình cấp nước nông thôn tập trung, tuy nhiên, có tới 8 công trình đã dừng hoạt động, 24 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm tỷ lệ hơn 45,7%), chỉ có 13 công trình hoạt động mang tính bền vững (chiếm tỷ lệ 18,57%). Đằng sau đó chính là đời sống sinh hoạt đầy vất vả của người dân với nỗi ám ảnh thiếu nước sạch và lộ trình xây dựng nông thôn mới lại càng thêm phần vất vả, gian nan.

Những ngày này, khi đất trời bắt đầu chuyển vào mùa mưa, bà Bùi Thị Ninh (85 tuổi, thôn Thống Nhất, An Ninh, Quảng Ninh) luôn trong tâm trạng vừa mừng vừa lo. Mừng vì với nguồn nước mưa, bà duy trì được nước sạch lâu dài để sử dụng, lo bởi mùa mưa lũ đã cận kề, nếu tình trạng ngập lụt kéo dài, liên tục sẽ khiến giếng làng, ao làng trở nên ô nhiễm, bà con khó khăn trong tìm nguồn nước. Do tuổi cao sức yếu, thông thường, bà Ninh hứng nước mưa trong các xô, chậu lớn và dùng dần cho nhu cầu ăn uống hàng ngày. Mỗi khi cạn kiệt, bà lại nhờ con cháu đi chở từng thùng nước sạch về. Hộ gia đình bên cạnh nhà bà Ninh thì lựa chọn cách thức đào giếng để đáp ứng nhu cầu nước của các thành viên. Nhưng, nước giếng chua phèn, chỉ tắm giặt, không thể ăn uống được.

Đối với bà Bùi Thị Ninh (85 tuổi, Thống Nhất, An Ninh, Quảng Ninh), nguồn nước mưa được dự trữ trong các xô, chậu lớn là “tài sản quý”
Đối với bà Bùi Thị Ninh (85 tuổi, Thống Nhất, An Ninh, Quảng Ninh), nguồn nước mưa được dự trữ trong các xô, chậu lớn là “tài sản quý”

Đó là tình trạng chung của hơn 400 hộ dân ở thôn Thống Nhất, một trong những vựa lúa nông nghiệp lớn nhất huyện Quảng Ninh. Ông Nguyễn Đại Sơn, Phó Trưởng thôn Thống Nhất cho biết, công trình cấp nước sinh hoạt của thôn được xây dựng từ năm 1998, nay đã xuống cấp trầm trọng, hệ thống ống đã cũ kỹ, hư hỏng nhiều chỗ. Hơn 4 năm nay, công trình không đủ khả năng cấp nước sạch cho bà con sử dụng. Trước đây, mỗi lần hỏng hóc, bà con đều góp tiền sửa chữa, tuy vậy, sau khi sửa quá nhiều lần, mới sửa xong đã hỏng, bà con quyết định không đóng góp nữa. Thiếu nước sạch, người dân tự xoay xở nhiều nguồn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Ông Sơn nhẩm tính, chỉ khoảng hơn 20% hộ gia đình trong thôn có điều kiện xây dựng bể chứa nước mưa sử dụng lâu dài. Phần lớn bà con đều sử dụng nước từ ao và giếng làng.

Vấn đề lo lắng nhất là vệ sinh môi trường và chất lượng nguồn nước trong mùa mưa lũ, hạn hán, khi mà Thống Nhất luôn được xem là vùng rốn lũ của xã. Đặc biệt, như lời ông Sơn chia sẻ, không ít gia đình mỗi khi có đám đình, cưới hỏi đều sử dụng nguồn nước này, làm dấy lên một dấu hỏi lớn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thiếu nước, chính vì thế, luôn là nỗi ám ảnh thường trực của bà con thôn Thống Nhất.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã An Ninh (Quảng Ninh), công trình cấp nước của thôn Thống Nhất lấy nước từ thôn Thu Thừ, qua quá trình sử dụng lâu dài, kỹ thuật ngày trước còn hạn chế, lại thêm tác động của làm đường nông thôn, cho nên xuống cấp, hỏng hóc, khó có thể tiếp tục hoạt động. Thiếu nước sạch sinh hoạt không chỉ là khó khăn riêng của thôn Thống Nhất, mà là khó khăn chung của toàn xã khi có tới hơn 2/3 hộ dân phải sử dụng nước mưa để đáp ứng nhu cầu ăn uống hàng ngày. Xã vẫn đang đợi một dự án phi chính phủ của Italia hỗ trợ công trình cấp nước sinh hoạt cho 5 xã ở Quảng Ninh tiếp tục được triển khai, để bà con vơi bớt nỗi lo về nước sạch. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, An Ninh đã hoàn thành 10 tiêu chí, và dự kiến đến năm 2018 sẽ kết thúc lộ trình của mình. Tuy nhiên, với thực trạng nước sạch như hiện nay, đây sẽ là một thử thách không hề đơn giản.

Thực tế cho thấy có những xã mà tất cả các công trình nước sạch trên địa bàn đều lâm vào tình trạng hoạt động kém hiệu quả, như: Vĩnh Ninh, Trường Sơn (Quảng Ninh) hay Trọng Hóa (Minh Hóa). Ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMTNT khẳng định, nguyên nhân chính là do không ít công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh ta xây dựng cách đây khá lâu, kỹ thuật còn thô sơ, cho nên tuổi thọ công trình chưa cao. Bên cạnh đó, về mặt nguyên tắc, khi đưa vào sử dụng, địa phương phải có sự quản lý sát sao, chặt chẽ, huy động được sức dân để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, một số chính quyền địa phương chưa thực sự làm tròn chức năng này và ý thức của người dân cũng còn thấp trong việc bảo vệ, nâng cao chất lượng công trình. Có trường hợp ở một xã nọ, công trình cấp nước đã được hoàn thành hơn 90%, phần còn lại, chính quyền xã và người dân phải cùng sát cánh, nỗ lực, nhưng vẫn bế tắc, không triển khai được.

Đối với các công trình nước sạch không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, trước mắt, Trung tâm đã có kế hoạch đầu tư, sửa chữa, khắc phục, nhưng do nguồn vốn hạn hẹp, do đó, chỉ ưu tiên một số công trình, số còn lại sẽ phải đợi nguồn vốn. Đối với lộ trình của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và VSMTNT, nguồn vốn luôn là khó khăn lớn nhất. Năm 2014, Trung ương đầu tư 18 tỷ cho Quảng Bình, nhưng, trên thực tế, chi phí bỏ ra để đáp ứng nhu cầu nước sạch của hơn 6.000 người dân đã hơn 20 tỷ đồng. Đơn cử như năm 2013, do nguồn kinh phí bố trí cho công tác theo dõi, đánh giá nước sạch và VSMTNT quá thấp, không đủ triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, cho nên, Trung tâm chỉ lập phương án triển khai tại hai huyện Quảng Trạch và Lệ Thủy.

Theo thống kê năm 2012 của Trung tâm Nước sạch và VSMTNT, toàn tỉnh có 32/141 xã đạt nội dung về nước sạch và vệ sinh môi trường (thuộc tiêu chí 17 về môi trường-Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới). Số liệu năm 2014 đang tiếp tục được thống kê, đánh giá, nhưng theo ông Nguyễn Văn Được, tỷ lệ các xã đạt nội dung nước sạch và vệ sinh môi trường trong tiêu chí 17 này cũng chỉ tăng cao nhất là từ 1,5% đến 2% so với năm 2012 mà thôi.

Còn theo thống kê của Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, 9 tháng đầu năm 2014, mới có 31/136 xã đạt tiêu chí 17 về môi trường, chiếm tỷ lệ gần 22,8%. Trong đó, Tuyên Hóa và Minh Hóa chưa có xã nào đạt, TX. Ba Đồn và Quảng Trạch chỉ đạt từ 1-2 tiêu chí.

Rõ ràng, trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, khó khăn về nước sạch cho sinh hoạt luôn là một trong những thách thức hàng đầu, bởi các công trình cấp nước nông thôn không chỉ đòi hỏi nguồn vốn lớn, mà cần cả sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương, từ khâu góp vốn cho đến nỗ lực bảo vệ, giữ gìn, sử dụng hợp lý để công trình phát huy hiệu quả cao nhất.

Trong thời gian tới, cần thiết phải có sự rà soát, đánh giá chất lượng các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh một cách chặt chẽ, sâu sát hơn nữa, từ đó, có lộ trình cụ thể để giải quyết tình trạng kém hiệu quả và không hoạt động của những công trình này. Bên cạnh đó, cần thiết chú trọng công tác nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của nước sạch trong chính quyền và người dân nhiều địa phương trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, tránh sự ỷ lại vào nguồn vốn và sự quản lý từ Nhà nước hoặc xem nhẹ vấn đề này mà chỉ tập trung vào các tiêu chí giao thông, thủy lợi...

Mai Nhân