.

Nhà cộng đồng phòng, tránh thiên tai: Vơi bớt nỗi lo trong mùa mưa lũ

Thứ Sáu, 17/10/2014, 17:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Mỗi năm, nỗi lo về mùa mưa lũ luôn đè nặng trên vai người dân các khu vực thường xuyên bị ngập lụt, lũ ống, lũ quét..., đặc biệt là thời gian gần đây, khi sự biến đổi khí hậu đã “góp phần” khiến sức tàn phá của các trận bão lũ ngày càng khốc liệt, ghê gớm hơn. Trong bối cảnh đó, tính chủ động của chính quyền và người dân luôn được đặt lên hàng đầu trong nỗ lực phòng, tránh thiên tai.

Nắm rõ được điều này, các căn nhà cộng đồng phòng, tránh thiên tai luôn được xem là giải pháp hiệu quả, kịp thời nhất để người dân vơi bớt nỗi lo trong mùa mưa lũ, và về lâu về dài, còn để đối mặt với không ít thử thách khác của thiên nhiên. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng nhà cộng đồng phòng, tránh thiên tai không phải là việc đơn giản, dễ làm.

Mực nước trung bình vào nhà người dân ở xóm Mới, thôn Tân Trường (Quảng Tân, TX.Ba Đồn) trong mùa mưa lũ là hơn 2 mét.
Mực nước trung bình vào nhà người dân ở xóm Mới, thôn Tân Trường (Quảng Tân, TX.Ba Đồn) trong mùa lũ là hơn 2m.

Xóm Mới, thôn Tân Trường (Quảng Tân, TX.Ba Đồn) được coi là “rốn lũ” của toàn xã. Ngay ở ngôi nhà cao nhất xóm, mực nước vào nhà cũng đã xấp xỉ hơn 2,5 mét, những nhà cấp 4 xung quanh thường xuyên ngập lụt đến nóc.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng xóm Mới cho biết, ngôi nhà cao nhất xóm của ông có thêm một gác lửng ở trên để tránh lụt, còn hơn 19 hộ trong thôn đều chủ yếu là nhà cấp 4. Vào mùa mưa lũ, bà con chủ động đưa tài sản, lương thực, người cao tuổi, trẻ em vào gửi ở các nhà cao hơn, còn lại hầu hết đều bám trụ tại nhà. Những năm có trận lũ lịch sử, người dân ở lại phải dỡ ngói để kêu cứu khi nước dâng lên quá cao. Mặt khác, do địa thế, thời gian nước rút hết ra khỏi nhà ở xóm Mới cũng mất ít nhất 7 ngày. Bà con đã tự đóng góp hơn 80 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa xóm để làm nơi sinh hoạt cộng đồng.

Chiếc thuyền này là phương tiện để di chuyển người, hàng hóa, gia súc của bà con xóm Mới, thôn Tân Trường (Quảng Tân, TX.Ba Đồn) đến nơi an toàn trong mùa mưa lũ, nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ.
Chiếc thuyền này là phương tiện để di chuyển người, hàng hóa, gia súc của bà con xóm Mới, thôn Tân Trường (Quảng Tân, TX.Ba Đồn) đến nơi an toàn trong mùa mưa lũ, nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ.

Nhưng, do đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu từ nghề nông, nguồn kinh phí ít ỏi chỉ đủ xây một nhà văn hóa cấp 4 đơn sơ, không có trang thiết bị, cơ sở vật chất nào. Biến đổi khí hậu đã khiến những năm gần đây các trận lũ lụt to hơn về quy mô, dài hơn về thời gian và nỗi lo của bà con lại càng tăng cao hơn nữa. Người dân xóm Mới rất mong muốn được hỗ trợ nguồn kinh phí để nâng cấp nhà văn hóa xóm được kiên cố hơn, làm nhà cộng đồng phòng, tránh thiên tai.

Theo ông Phan Văn Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tân, xã có khoảng 40 hộ ở thôn Tân Trường và khoảng 200 hộ ở thôn Tân Tiến luôn bị ngập lụt từ 2-2,5 mét trong mùa mưa lũ. Trừ trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế là những địa điểm vững chãi để người dân di tản trong mùa mưa lũ, việc kiên cố hóa các điểm nhà văn hóa thôn, xóm để làm nhà cộng đồng phòng, tránh thiên tai là rất cần thiết. Trong bối cảnh nhà văn hóa của tất cả các thôn đều là nhà cấp 4, mức sống bà con còn thấp với nghề nông là chủ yếu, sự hỗ trợ nguồn kinh phí để hình thành làm nhà cộng đồng phòng, tránh thiên tai đóng một vai trò rất quan trọng.

Là một trong những xã có nhiều khu vực ngập lụt sâu trong mùa mưa lũ, việc xây dựng các công trình phòng, tránh thiên tai luôn được chính quyền và người dân xã Quảng Tiên quan tâm. Ông Trần Đức Luấn, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên chia sẻ, năm 2012, xã đã được hỗ trợ xây dựng 50 chòi tránh lũ cho các hộ nghèo tại những vùng thường xuyên ngập sâu. Từ đó đến nay, chòi tránh lũ đã phát huy được hiệu quả, thực sự là nơi trú ngụ lý tưởng cho bà con trong mùa mưa lũ.

Tuy nhiên, với sức chứa của chòi chỉ từ 4-5 người theo quy mô hộ gia đình, nhiều khu vực, như thôn Tiên Xuân, vẫn rất cần một nhà cộng đồng phòng, tránh thiên tai kết hợp nhà văn hóa thôn để hỗ trợ người dân. Trên thực tế, địa bàn thôn Tiên Xuân đã có tầng hai của một trường tiểu học để làm nơi di tản bà con trong mưa bão, lũ lụt. Nhưng việc di chuyển thường xuyên, số lượng lớn vừa phức tạp, khó khăn cho người dân, chính quyền địa phương, vừa ảnh hưởng đến việc bảo quản cơ sở vật chất, đồ dùng học tập cho nhà trường. Nhà văn hóa của thôn Tiên Xuân cũng chỉ là một phòng học cũ được cải tạo lại mà thôi, không đủ kiên cố để di tản dân.

Những nhà văn hóa thôn, xóm thấp và thiếu kiên cố như thế này sẽ rất khó để làm nơi phòng, tránh mưa lũ cho người dân vùng thấp trũng
Những nhà văn hóa thôn, xóm thấp và thiếu kiên cố như thế này sẽ rất khó để làm nơi phòng, tránh mưa lũ cho người dân vùng thấp trũng

Ông Lê Quang Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã hỗ trợ xây dựng cho tỉnh ta 3 nhà cộng đồng phòng, tránh thiên tai kết hợp với các nhà chức năng tại Lệ Thủy và Quảng Trạch. Tỉnh ta hiện chưa có kế hoạch cụ thể nào xây dựng nhà cộng đồng phòng, tránh thiên tai, mà định hướng cho các địa phương thường xuyên bị thiệt hại do mưa lũ linh động lồng ghép nhà cộng đồng vào các công trình công cộng, như: trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế... Khái niệm nhà cộng đồng dành cho người dân trú mưa lũ cũng mở rộng không chỉ bó hẹp trong trụ sở cơ quan, trường học..., mà có thể là nhà dân kiên cố. Mặt khác, hệ thống theo dõi về các nhà cộng đồng phòng, tránh thiên tai của tỉnh ta cũng chưa có, việc nắm bắt thông tin, thống kê số liệu khó cụ thể.

Trên thực tế, theo ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, với nhiều khu vực thường xuyên bị ngập lụt sâu, lũ ống, lũ quét..., nhu cầu về nhà cộng đồng phòng, tránh thiên tai của tỉnh ta rất lớn, đặc biệt là ở những nơi ít nhà cao tầng vững chãi và đời sống bà con còn khó khăn, vất vả. Bà con rất cần được hỗ trợ nguồn kinh phí tích cực từ các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nước để xây dựng các nhà cộng đồng phòng, tránh thiên tai kết hợp nhà văn hóa thôn, xóm, qua đó giảm bớt gánh lo trong mùa mưa lũ.

Mai Nhân