.

Lệ Thuỷ: Nỗ lực giao đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 05/09/2014, 10:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Giải quyết đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những vấn đề lớn được Chính phủ và các bộ, ngành cũng như các địa phương quan tâm giải quyết trong nhiều năm qua. Thời gian qua, huyện Lệ Thuỷ đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, nhằm thực hiện có hiệu quả việc bàn giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy. Nhờ vậy, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lệ Thuỷ đã có thêm cơ hội để vươn lên trong cuộc sống...

Huyện Lệ Thuỷ hiện có 3 xã miền núi rẻo cao, biên giới đặc biệt khó khăn là Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy. Những xã này có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là người Bru-Vân Kiều. Tổng diện tích đất tự nhiên của 3 xã này là 89.477 ha (chiếm khoảng 63% diện tích đất tự nhiên toàn huyện), dân số 1.854 hộ, với 7.387 khẩu (trong đó dân tộc Bru-Vân Kiều 1.200 hộ, 5.050 khẩu, chiếm 3,4% dân số toàn huyện).

Xác định việc giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề cần thiết, cấp bách, những năm gần đây, bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Lệ Thủy đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp, nhằm sớm hoàn thành công tác bàn giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy.

Cách đây gần chục năm về trước, gia đình chị Hồ Thị Thế, bản Cây Bông, xã Kim Thuỷ thuộc vào diện hộ nghèo. Mặc dù trước đó, gia đình chị Thế đã khai hoang được khá nhiều diện tích đất rừng để phát triển sản xuất, thế nhưng, do thiếu nguồn vốn và chưa thực sự an tâm nên chị Thế vẫn chưa dám mạnh dạn đầu tư cho phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo.

Theo chị Thế, nguyên do chính mà gia đình không dám mạnh dạn đầu tư làm ăn là bởi toàn bộ diện tích khai hoang chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Do không có GCNQSDĐ nên gia đình chị chỉ dám đầu tư làm ăn theo lối "cầm chừng". Kể từ khi được các cơ quan chức năng cấp GCNQSDĐ, gia đình chị Thế đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chuyển đổi một số diện tích rừng keo lai sang trồng cây cao su; đào thêm ao thả cá, mua trâu, bò về nuôi...

Nhờ được cấp GCNQSDĐ, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng kinh tế để xoá đói giảm nghèo.
Nhờ được cấp GCNQSDĐ, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng kinh tế để xoá đói giảm nghèo.

Đến nay chị Thế đã trồng được 20 ha rừng keo, 2 ha cao su, nuôi 5 con trâu, đào 1 hồ cá và làm 0,5 ha lúa nước... Bình quân mỗi năm gia đình chị thu nhập gần 100 triệu đồng, vươn lên trở thành hộ khá nhất bản. Trường hợp chị Thế mới chỉ là minh chứng nhỏ, trong hàng trăm trường hợp hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lệ Thuỷ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống nhờ được các cấp chính quyền quan tâm giải quyết về nhu cầu đất ở, đất sản xuất...   

Thời gian qua, trên cơ sở đề xuất từ chính quyền cấp xã và UBND huyện Lệ Thủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện công tác rà soát, thu hồi đất của các công ty lâm nghiệp trong tỉnh để tiến hành giao về cho UBND các địa phương xây dựng phương án giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất.

Mặc dù công tác bàn giao cũng như việc cấp GCNQSDĐ đất ở, đất sản xuât cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã Kim Thuỷ, Ngân Thuỷ, Lâm Thuỷ bị chậm so với yêu cầu tỉnh đặt ra, tuy nhiên, với những diện tích mà Lệ Thuỷ hiện đã bàn giao, bước đầu đã tạo điều kiện cho nhiều bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng an tâm định canh định cư để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Theo báo cáo của UBND huyện Lệ Thuỷ, tính đến cuối tháng 6-2014, tổng diện tích đất ở, đất sản xuất đã bàn giao cho bà con dân tộc thiểu số tại xã Kim Thuỷ là 1.604 ha; xã Ngân Thuỷ 533 ha; xã Lâm Thuỷ 703 ha. Trong số những diện tích mà 3 xã đã bàn giao bao gồm cả 170 ha diện tích lúa nước.

Sau khi tiến hành bàn giao đất ở, đất sản xuất, huyện Lệ Thuỷ đã khẩn trương hoàn thành các thủ tục để cấp GCNQSDĐ cho đồng bào. Cụ thể, tại xã Kim Thuỷ, UBND huyện Lệ Thuỷ đã cấp được 610 GCNQSDĐ đối với đất ở; 285 GCNQSDĐ đối với đất sản xuất nông nghiệp; 644 GCNQSDĐ đối với đất sản xuất lâm nghiệp. Tại xã Ngân Thuỷ, UBND huyện Lệ Thuỷ đã cấp được 425 GCNQSDĐ đối với đất ở; 435 GCNQSDĐ đối với đất sản xuất nông nghiệp; 78 GCNQSDĐ đối với đất sản xuất lâm nghiệp.

Riêng tại xã Lâm Thuỷ, UBND huyện Lệ Thuỷ đã cấp được 247 GCNQSDĐ đối với đất ở; 231 GCNQSDĐ đối với đất sản xuất nông nghiệp và đang tổ chức kê khai đăng ký 207 thửa đất với diện tích 165 ha cho 128 hộ đối với đất sản xuất lâm nghiệp...

Có thể nói, thời gian qua, các cấp chính quyền ở Lệ Thuỷ đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng hiện vẫn còn khoảng 13% hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất sản xuất. Theo lý giải của ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy thì việc chậm trễ trong vấn đề cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số là do nhiều diện tích bóc tách từ các lâm trường hiện "trúng" vào khe suối, đường sá, núi đá...

Một số diện tích đất có khả năng sản xuất thì lại nằm xa khu vực dân sinh sống; không ít diện tích bóc tách về huyện quản lý chủ yếu là rừng tự nhiên. Ngoài ra, một số diện tích đang trong thời gian hợp đồng giữa các lâm trường với các hộ dân theo Dự án 327 và vẫn còn tài sản trên đất chưa giải quyết nên việc giao đất sản xuất cho người dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc lãnh đạo một số thôn, bản chưa thực sự vào cuộc quyết liệt cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Phạm Hữu Thảo cho biết, mới đây UBND huyện Lệ Thuỷ đã có văn bản báo cáo với Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan có liên quan về thực trạng, giải pháp giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số hiện chưa được hưởng các quyền lợi nói trên do gặp phải một số vướng mắc.

Tin rằng, với sự quan tâm sâu sát, kịp thời từ phía các cấp chính quyền, đơn vị có liên quan, việc bàn giao đất ở, đất sản xuất và cấp GCNQSDĐ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Lệ Thuỷ sẽ sớm hoàn thành, tạo cơ hội cho bà con an tâm bám đất, bám bản làng để định canh định cư, vươn lên trong cuộc sống.  

Văn Minh