.

Họ sinh ra từ biển

Thứ Sáu, 12/09/2014, 07:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh huyện Bố Trạch đã triển khai nhiều giải pháp nhằm động viên hội viên vươn khơi, bám biển, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình ổn định, vừa góp phần bảo vệ và giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Huyện Bố Trạch có 4 xã vùng biển gồm: Hải Trạch, Thanh Trạch, Đức Trạch và Nhân Trạch. Hầu hết người dân ở đây sống bằng nghề đánh cá và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Bố Trạch có  2.479 hội viên, trong đó có nhiều hội viên luôn nỗ lực cố gắng, "cựu mà không cũ", bám biển, bám ngư trường  bằng nhiều việc làm cụ thể và ý nghĩa.

Vợ chồng CCB Lê Dư và Trương Thị Vinh, thôn Nam Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch là một điển hình. Tuổi già nhưng chí không già, vợ chồng ông thả nuôi 500m2 cá mú và cá hồng. Nhờ tuân thủ nguyên tắc lấy nguồn giống từ sông nên cá của vợ chồng ông có chất lượng ngon, giá cả phải chăng nên được nhiều khách hàng tin dùng.

Mỗi năm, vợ chồng cựu chiến binh này thu từ mô hình nuôi cá hàng trăm triệu đồng. Gia đình CCB Lê Dư có 6 người con, trong đó có 5 người con trai sống bằng nghề đi biển và đóng thuyền đánh bắt xa bờ. Người con trai cả của CCB Lê Dư tên là Lê Khoa, cũng là CCB. Anh sinh năm 1969, sau 3 năm đi nghĩa vụ quân sự, anh phục viên về quê lập gia đình và tiếp tục công việc của người trai làng biển là ra khơi đánh cá.

Tâm sự với chúng tôi, CCB Lê Khoa cho biết thêm: Thực hiện chủ trương của Nhà nước, anh đã đầu tư đóng mới con tàu có công suất lớn trên 500CV. Mặc dù để có được nguồn vốn trên 2,5 tỷ đồng đầu tư đóng con thuyền gỗ như hiện nay không phải là chuyện dễ dàng, nhưng anh cũng như nhiều hộ gia đình CCB khác ở xã Đức Trạch luôn xác định: Phải đóng tàu có công suất lớn mới vươn khơi xa và đương đầu với sóng dữ được. Vươn khơi, bám biển không chỉ để tạo dựng kinh tế, thu nhập cho gia đình mà còn góp phần gìn giữ  biển đảo của quê hương.

Nhiều gia đình CCB xã Đức Trạch đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn để vươn khơi, bám biển.
Nhiều gia đình CCB xã Đức Trạch đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn để vươn khơi, bám biển.

Cũng ở xã Đức Trạch, có CCB Võ Xuân Huề đã 70 tuổi nhưng vẫn nỗ lực trong kinh doanh phát triển nghề cá. Ông chọn nghề cung ứng vật tư xăng dầu phục vụ cho ngư dân ra khơi đánh cá. Do địa hình xã Đức Trạch cửa lạch hẹp và cạn nên hầu hết tàu đánh cá của xã phải đậu đỗ tại cảng Nhật Lệ và cảng cá Sông Gianh. Để phục vụ kịp thời cho tàu của ngư dân, CCB Võ Xuân Huề đã sắm 2 tàu du lịch để cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá  trực tiếp tại chỗ, một chiếc cung cấp dầu tại cảng cá Sông Gianh, một chiếc tại cảng cá Nhật Lệ.

Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp ông cung cấp trên 60.000 lít dầu cho ngư dân. Điều đáng ghi nhận ở doanh  nghiệp này là sự chung tay góp sức cùng với các ngư dân trong những chuyến ra khơi vào lộng. Mỗi chuyến tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân thường kéo dài cả tháng, tiền dầu cho mỗi chuyến khoảng 30 triệu đồng.

Hầu hết ngư dân đều ứng dầu trước khi ra khơi, sau mỗi chuyến đi về họ bán sản phẩm mới thanh toán. Nhiều tàu gặp rủi ro, không thể thanh toán, CCB Võ Xuân Huề đã gia hạn cho họ. Ngoài ra, CCB Võ Xuân Huề cũng đầu tư vốn cho 4 tàu cá tại địa phương. Với sự năng động của mình, gia đình CCB Võ Xuân Huề có doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 28 lao động tại địa phương.

Chia tay với các CCB Đức Trạch, chúng tôi về xã Hải Trạch và được biết nơi đây cũng là địa phương có nhiều gương CCB đã và đang nỗ lực phấn đấu vươn lên làm giàu từ biển. Theo đó, nhiều CCB đã mạnh dạn đóng những con tàu lớn trên 500CV để đánh bắt xa bờ. Ở các tổ đoàn kết trên biển, CCB luôn là hạt nhân nòng cốt để tạo sự đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hoạn nạn và chia sẻ ngư trường có nhiều hải sản.

Lực lượng CCB là ngư dân bằng những trải nghiệm của mình trong quân ngũ đã thực sự là những ngư dân gan dạ, tiêu biểu, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào công tác giữ gìn an ninh trên biển, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trò chuyện với chúng tôi về tinh thần vì biển đảo quê hương của hội viên CCB trên địa bàn, ông Dương Quốc Phòng, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Bố Trạch cho biết: Mỗi CCB có mỗi cách làm để thể hiện tinh thần vì biển đảo quê hương. Từ việc góp vốn đóng tàu có công suất lớn nhằm vươn khơi, bám biển, bám ngư trường để sản xuất cho đến những CCB phát triển hậu cần nghề cá.

Nếu như ngày xưa, họ là những người lính xông pha trận mạc, gìn giữ từng mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, thì hôm nay, khi chủ quyền an ninh trên biển bị xâm phạm, một lần nữa tinh thần người lính lại được phát huy trên bình diện mới. Dù khó khăn, gian khổ, họ vẫn quyết bám biển, bám ngư trường để sản xuất bởi đó là ngư trường truyền thống của cha ông để lại. Họ là những người lính được sinh ra từ sự mặn mòi của biển.

P.V