Chỉnh trang cáp thông tin: Còn nhiều trở ngại

Cập nhật lúc 12:54, Thứ Năm, 19/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo khảo sát của chúng tôi, ở thành phố Đồng Hới có khoảng 25 đến 35% các sợi cáp chằng chịt theo hệ thống cột điện là rác vì đã không còn sử dụng. Nhiều đường cáp viễn thông, truyền hình dẫn vào nhà dân, công sở bị hỏng, đơn vị chủ quản đến thay mới nhưng không hề làm động tác thu dọn đường dây cũ. Bên cạnh đó, việc nhiều dây cáp đi chung cột điện đã khiến tuổi thọ của nhiều cột giảm nhanh, có nhiều cột bị xiêu vẹo, thậm chí gãy đổ. Đã có nhiều sự cố điện xẩy ra dẫn đến chạm, chập điện và thực tế một số nơi đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc do bị điện giật.

Theo thiết kế chức năng của cột điện, ngành Điện lực chỉ tính đến tải trọng treo dây điện, không có chức năng phải treo thêm các loại cáp thông tin như hiện nay. Để “dọn rác” trên cột điện, ở tỉnh ta bắt đầu từ tháng 1-2012, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công ty Điện lực bắt buộc các công ty có cáp thông tin đi chung cột điện phải “dọn rác”.

Việc bắt buộc các đơn vị viễn thông chỉnh trang cáp thông tin nhằm góp phần làm gọn hệ thống cáp treo, bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông, hạn chế tối đa các sự cố hạ tầng kỹ thuật trong truyền tải điện, thông tin liên lạc trên địa bàn thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung, đồng thời cũng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị được phép triển khai hạ tầng mạng viễn thông trong quản lý, vận hành khai thác, từng bước đầu tư xây dựng hệ thống ngầm hóa cáp thông tin.

Trao đổi với ông Phạm Sỹ Tiến, Phó Giám đốc Công ty Điện lực, được biết: Từ tháng 1 năm 2012, Công ty Điện lực cùng với các đơn vị viễn thông có cáp đi chung cột điện triển khai việc bó gọn cáp thông tin và phải hoàn thành việc bó gọn cáp thông tin trên các tuyến đường chính của thành phố vào cuối năm 2012. Song trong quá trình triển khai thực hiện, lực cản lớn nhất là lượng cây xanh hè phố dày đặc với các tán, thân cây to làm vướng mắc trong việc bó gọn cáp thông tin nhưng Công ty Điện lực không được chặt hay cắt tỉa cành.

Những búi dây chằng chịt trên cột điện tại  đường Trần Hưng Đạo (TP Đồng Hới). Ảnh: B.A
Những búi dây chằng chịt trên cột điện tại đường Trần Hưng Đạo (TP Đồng Hới). Ảnh: B.A

Bên cạnh đó, đường dây của các đơn vị viễn thông "mạnh ai nấy đi" nên có những đường dây thì nằm ở trên cao nhưng có đường dây lại nằm ở dưới thấp và độ dài hay ngắn, căng hay chùng của các đường dây cũng không đồng đều nên việc bó gọn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn tuyệt đối thì phía công ty phải xếp lịch cắt điện, đồng thời phải xếp lịch, thông báo cụ thể cho các đơn vị chủ quản để tiến hành chỉnh trang cùng 1 thời gian...

Ông Hoàng Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Sở đã phối hợp với các đơn vị có cáp đi chung cột điện để tiến hành đồng bộ công tác chỉnh trang, ngầm hóa cáp thông tin,  các đơn vị tiến hành thực hiện chỉnh trang cáp treo trên cột điện có tình trạng treo cáp viễn thông phức tạp với số lượng nhiều trên 5 sợi, số lượng 20% tuyến. Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Đồng Hới) được chọn làm thí điểm với tổng chiều dài 1,2km, số lượng 37 cột, hiện đã chỉnh trang xong.

Nhìn chung các đơn vị đã thực hiện tốt việc thu hồi các cáp hỏng, cáp không sử dụng, cáp thuê bao băng ngang qua đường, đồng thời bó gọn, gia cố sửa chữa cột, tủ, hộp cáp, tiến hành treo thẻ sở hữu cáp và thẻ báo độ cao cáp, tạo cho các tuyến phố đẹp hơn và an toàn hơn. Tuy nhiên, qua thực tiễn, khó khăn lớn nhất đối với công tác chỉnh trang cáp thông tin là hiện trạng mạng cáp thông tin trên các trục đường chính quá dày đặc, nhiều vị trí cột có hàng trăm sợi cáp lớn, nhỏ đan xen, dây cáp thuê bao kéo chằng chịt, không theo thứ tự.

Thêm vào đó, cáp thông tin phần lớn bị luồn qua cây xanh trồng dọc hè phố, việc sắp xếp đưa vào bó gọn gặp không ít khó khăn, cần nhiều thời gian và công sức cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chủ quản, đặc biệt là kinh phí để trang bị các thứ như dây gia cường, xà, ống nhựa, dây thép, xe nâng...

Mặt khác, việc chỉnh trang cáp thông tin cần sự “hợp lực” nhiều phía, nhất là trong việc bảo đảm ổn định cho các hoạt động kinh tế, xã hội, đồng thời bảo đảm an toàn cho người dân trong sinh hoạt và khi tham gia giao thông, an toàn trong truyền tải điện và truyền dẫn thông tin. Và theo tính toán của Sở Thông tin và Truyền thông, để làm được việc này cũng phải mất nhiều năm nữa mới "dọn sạch rác" trên hệ thống cột điện từ thành phố đến huyện thị.

                                                                                                      B. Ánh

,
.
.
.