Nhịp cầu nối những yêu thương

Cập nhật lúc 16:07, Thứ Ba, 07/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đó là nơi tập hợp những tấm lòng nhân ái, những con người  luôn xoa dịu nỗi đau cho  bao người nghèo khó, bệnh tật. Nơi đó đã trở thành chỗ dựa vững chắc về vật chất và tinh thần cho người bệnh nghèo, giúp họ vượt qua ốm đau, hoạn nạn. Chúng tôi muốn nói đến Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, nơi  thực  sự đã trở thành nhịp cầu kết nối những yêu thương.

Chúng tôi thực sự có ấn tượng với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh khi được biết nhiều hoạt động của Hội đã mang lại tiếng cười, niềm hạnh phúc cho bao người bệnh nghèo đang cần được giúp đỡ. Ngay từ những năm mới thành lập, Hội đã nhanh chóng bắt tay vào các hoạt động nhân đạo như phẫu thuật mắt miễn phí cho người mù nghèo, hỗ trợ xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo điều trị dài ngày ở các bệnh viện... Để làm được điều đó, mỗi cán bộ hội đã không quản ngại khó khăn vất vả để đi vận động, quyên góp từ các nhà hảo tâm, các cơ quan, doanh nghiệp nhằm xây dựng quỹ hội. Có được nguồn quỹ, Hội đã phối hợp chặt chẽ với ngành y  tế và các đơn vị liên quan để thực hiện các hoạt động nhân đạo. Theo thời gian, tổ chức Hội Bảo  trợ bệnh nhân nghèo đã trở thành người bạn đồng hành cùng các đơn vị y tế tỉnh nhà để chăm lo, hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho những người bệnh có hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Ông Phạm Quang Lịch, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo là người mà chúng tôi thường gọi với cái tên thân mật "ông chân cứng đá mềm" bởi lẽ ông đi rất nhiều nơi, đến rất nhiều làng quê nơi có những người cần được tổ chức Hội của ông giúp đỡ. Mặc dù đã ở vào cái tuổi đáng được nghỉ ngơi bên gia đình, con cháu nhưng ông đã bằng tất cả tình cảm của mình để sống vì người khác- những người kém may mắn. Và khi tiếp xúc với bao cảnh đời, bao số phận càng làm cho ông gắn bó với công việc để nỗ lực hết mình nhằm đem lại niềm vui cho bao gia đình. Có thể nói rằng, mỗi hoạt động được Hội triển khai đều để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân  ở các địa bàn. Những người mù nghèo được trả lại ánh sáng, những em bé bị sứt môi, hở hàm được phẫu thuật để có được nụ cười hồn nhiên đẹp như mong đợi của các bậc làm cha, làm mẹ. Tạo được uy tính đối với các cấp  chính quyền trong tỉnh và nhân dân, Hội ngày càng nhận được nhiều sự giúp đỡ về kinh phí từ các tập thể, cá nhân hảo tâm để tiếp tục mở rộng các hoạt động nhân đạo. Đặc biệt là chương trình hỗ trợ phẫu thuật tim cho những người nghèo bị bệnh về tim mạch. Đây được xem là nỗ lực lớn của Hội nhằm giúp đỡ những gia đình đang đối diện với rất nhiều khó khăn khi con em mình không may mắc bệnh tim cần được phẫu thuật.

Cán bộ Y tế, hội viên Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới đang chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: M.H
Cán bộ Y tế, hội viên Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới đang chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: M.H

Năm 2011 vừa qua, Hội đã hỗ trợ phẫu thuật tim cho 49 người bệnh tại Bệnh viện Trương ương Huế, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội với số tiền tài trợ trên 1.842,6 triệu đồng. Để có được nguồn kinh phí trên, Hội đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Quỹ tài trợ Vinacapital Foundation, chương trình "Trái tim cho em", Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức nhân đạo Hoa Sen. Cùng với việc huy động nguồn quỹ, Hội luôn xây dựng mối quan hệ mật thiết với các bệnh viện như Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới và các bệnh viện khác để khi có bệnh nhân nghèo ở Quảng Bình bị bệnh tim cần phẫu thuật thì các bệnh viện trên sẽ giới thiệu người bệnh đến tổ chức Hội để được hướng dẫn làm các thủ tục hỗ trợ chi phí phẫu thuật. Vài năm trở lại đây, các bệnh về tim mạch có chiều hướng phát triển, trở thành nỗi lo trong nhiều gia đình, đặc biệt số bệnh nhân là trẻ em ngày càng cao. Chi  phí cho phẫu thuật tim lại khá cao, thời gian điều trị dài nên không ít gia đình phải ngậm ngùi nuốt nước mắt nhìn con em của mình trong cơn đau đớn mà không tiền chạy chữa, có gia đình vì lo cho con mà từ khá giả trở thành nghèo khó, cơ hàn. Sự vào cuộc của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo đã giúp họ giải được bài toán nan giải trên, tạo cho họ niềm tin vào cuộc sống khi con em mình đã được cứu sống bằng những tấm lòng nhân ái, bao dung.

Đối với những người bệnh đặc biệt khó khăn, Hội còn liên hệ với các các tổ chức từ thiện của Đại học Y khoa Huế để đài thọ về chỗ ở và bữa ăn miễn phí cho người bệnh và người nhà của họ. Ngoài ra, còn hỗ trợ thêm tiền tàu xe, ăn uống cho người bệnh trong quá trình chuyển tuyến để được phẫu thuật. Chứng kiến được sự mừng vui, niềm hạnh phúc quá đỗi lớn lao của những gia đình nghèo có người thân được trợ giúp phẫu thuật tim và điều trị bệnh mới thấy được chương trình trợ giúp do Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo thực hiện có ý nghĩa to lớn và sâu sắc đến nhường nào. Hoạt động của Hội đã thiết thực góp phần vào việc củng cố niềm tin của mọi người vào sức mạnh của lòng nhân ái, của tính cộng đồng trong cuộc sống hôm nay. Không chỉ hỗ trợ phẫu thuật, trả lại những nhịp đập khoẻ mạnh cho bao người bệnh, Hội còn phối hợp với bệnh viện chuyên ngành cùng với sự tài trợ của  Quỹ Vinacapital Foundation tổ chức khám, sàng lọc bệnh tim miễn phí cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các bác sĩ đã lồng ghép công tác tuyên truyền nhằm giúp cho người dân chủ động phòng bệnh qua ăn uống, sinh hoạt, luyện tập và Hội có kế hoạch xây dựng những phương án giúp đỡ cần thiết đối với những người bệnh thuộc đối tượng phải phẫu thuật. 

Cũng thông qua hoạt động của hội, hàng trăm người khuyết tật trong tỉnh được cấp xe lăn, xe lắc, tạo điều kiện cho họ có phương tiện đi lại vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Ông Phạm Quang Lịch từng tâm sự với chúng tôi rằng: Người nghèo cuộc sống vốn đã rất khó khăn, chẳng may bị bệnh thì sự khó khăn ấy nhân lên bội phần. Có những người mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày nên người thân của họ đã phải chạy đôn chạy đáo để lo cho họ từ viên thuốc đến bữa ăn. Chứng kiến những cảnh tượng ấy, Hội đã vận động các nhà hảo tâm để thực hiện chương trình bữa ăn miễn phí cho người bệnh. Từ chương trình này đã có 30.072 suất ăn bảo đảm dinh dưỡng cho người bệnh đang điều trị tại các bệnh viện trong tỉnh. Nhiều chi hội bảo trợ bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện đã thực hiện tốt việc tổ chức bữa ăn miễn phí cho bệnh. Tiêu biểu là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới với việc chăm sóc, điều trị và hỗ trợ bữa ăn cho những người bệnh nghèo, người bệnh thuộc các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa... Với phương châm "lá lành đùm lá rách", suất ăn từ thiện của Hội đã trở thành điểm tựa của bệnh nhân nghèo.

Các chương trình hỗ trợ cho người bệnh nghèo đều cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng. Và ngay từ khi ra đời, hoạt động của Hội đã khơi dậy lòng nhân ái của mỗi con người, thu hút đông đảo các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân tham gia. Người góp công, người góp của, tất cả đều tham gia hoạt động với tinh thần nhân đạo tự nguyện. Và khi mỗi một người được cứu sống, được sẻ chia là cả một gia đình và cộng đồng vui mừng hạnh phúc bởi kết quả đó được tạo dựng nên từ những tấm lòng vàng, những trái tim đồng cảm. Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo đã trở thành nhịp cầu nối những yêu thương để thay đổi cuộc cuộc sống cho biết bao người. Họ xứng đáng với niềm tin yêu của mọi người.

                                                                            Nhật Văn

 

 

,
.
.
.