Những ngã rẽ mưu sinh

Cập nhật lúc 14:24, Thứ Sáu, 03/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Cuộc đời con người ai cũng mong muốn những điều thuận lợi và tốt đẹp nhất sẽ đến với mình. Để có được những điều ấy là cả một chặng đường phấn đấu học tập, lao động không mệt mỏi. Đối với những sinh viên sau 4 - 5 năm miệt mài trên ghế giảng đường, đã ấp ủ biết bao ước mơ hoài bão về tương lai tươi sáng...

Dẫu vậy trong thực tế, không ít những sinh viên sau khi tốt nghiệp, cầm mảnh bằng đại học trong tay đã tất tả ngược xuôi tìm kiếm công việc phù hợp với học vấn mà vẫn không được như ý muốn. Và họ đành gác lại những giấc mơ đẹp một thời để tìm và thích ứng với một công việc khác đáp ứng với cuộc mưu sinh “cơm, áo, gạo, tiền”.

Những hồi ức thật đẹp trên giảng đường năm nào sẽ là kỷ niệm, là động lực lớn lao theo mãi những con người trẻ tuổi ấy trên bước đường mưu sinh lập nghiệp. Những câu chuyện của họ sau đây sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu hơn về những ngả rẽ không mong muốn - nhưng đó là một xu thế của xã hội hiện tại và ngã rẽ không mong muốn ấy đôi khi lại chính là sự lựa chọn chính xác cho cuộc đời họ.

Gặp lại em sau 10 năm xa cách, cái ấn tượng về em - cô gái nhỏ nhắn tròn trịa  và rụt rè người Tây Trạch năm nào chỉ còn phảng phất đôi chút. Em bây giờ đã có chồng và một con trai 4 tuổi kháu khỉnh và điều ngạc nhiên hơn nữa đó chính là em không còn theo nghề giáo viên như mong muốn mà đang là bà chủ quản lý  một cửa hàng bán vật liệu xây dựng bề thế nhất nhì ở xã Thanh Trạch. Em là Nguyễn Thị Thu Trang, sinh viên khoa Ngữ Văn, Trường đại học khoa học Huế khóa 1999 - 2004. 

Câu chuyện của chúng tôi - những người phụ nữ thật rôm rả quanh đi quẩn lại với chuyện chồng con không dứt. Chợt ngừng câu chuyện, tôi hỏi về lý do em chuyển nghề. Trầm buồn nhìn xa xăm, Trang cho biết: ra trường và xin dạy Văn hợp đồng được 1 năm tại 1 trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện Bố Trạch, tại đây Trang quen biết và cưới ông xã bây giờ. Sau khi lấy chồng, việc hợp đồng xin đi dạy lại thật khó khăn. Trang đã gửi hồ sơ xin việc nhiều nơi nhưng không được. Lấy chồng đồng nghĩa với sinh con và không còn việc làm. Nhiều lúc nhìn tấm bằng đại học mà bố mẹ, các chị đã chắt chiu từng củ sắn, củ khoai và bản thân đã nỗ lực suốt 4 năm học tập miệt mài mà có được, lòng Trang rất buồn.

Sau nhiều lần bàn bạc tính toán, gia đình đã quyết định mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng do Trang quản lý. Ông xã Trang là giáo viên nên sau giờ lên bục giảng có phụ vợ đôi chút cộng trừ sổ sách, còn lại mình em tự quản lý và tính toán tất thảy. Từ một cô sinh viên khoa văn, giờ suốt ngày toàn cộng trừ bằng con số, thế mà công việc em làm thật trôi chảy và thuận lợi, cửa hàng buôn bán tấp nập khách ra vào. Hỏi một vị khách đang trả tiền sao lại lựa chọn cửa hàng của em để mua hàng, trong khi có rất nhiều cửa hàng xung quanh, ông ta trả lời rất hồn nhiên: “cô chủ nói năng nhỏ nhẹ, phân tích từng loại sản phẩm chu đáo và tư vấn cho tôi cặn kẽ, tôi thích phong cách phục vụ tận tình của chủ cửa hàng này”.

Nhìn Trang chạy ngược chạy xuôi với chiếc điện thoại trên tay, tôi tự nhủ: có lẽ Trang đã chấp nhận và yêu công việc này. Chỉ có yêu công việc thì mới có thể làm tốt nó được như vậy. Tôi hỏi: Nếu có cơ hội, em có trở lại bục giảng không? Em nói: Đã xác định từ bỏ rồi, em không nghĩ nhiều đến nó. Vốn liếng bỏ ra tiền tỉ, không thể vì thích hay không là được. Em nghĩ, công việc nào cũng có cái hay riêng. Xem như  4 năm học đại học là để học cách sống và làm người cho tốt chị à!

Câu chuyện tiếp theo tôi kể cũng là chuyện của một sinh viên tốt nghiệp đại học,  khoa Sinh học. Để có được tấm bằng đại học, gia đình em cũng phải nỗ lực cố gắng rất nhiều. Bản thân em mồ côi cha, chính vì thế em đã học được cách tự lực vươn lên trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ra trường, tìm một công việc trong khối cơ quan nhà nước để gần nhà đỡ đần mẹ lúc tuổi già quả thực là chuyện quá khó với em. Đi xa sẽ có cơ hội cho ngành học của em nhưng em cũng không đành lòng xa mẹ.

Cơ ngơi bố để lại là những lô đất trên miền tây huyện Bố Trạch nếu có sức người đổ vào chăm chút thì sẽ là đất vàng đất bạc. Cây cao su là lựa chọn của em. Vừa mạnh dạn vay vốn đầu tư, trồng xen canh lấy ngắn nuôi dài, vừa thu mua mủ cao su của những hộ đã khai thác, công việc dần quen và hiệu quả bước đầu đã rõ nét. Bản thân em hài lòng với sự lựa chọn của mình. Gặp em hỏi thăm về công việc, em chỉ cười hài lòng và không nói nhiều về những tháng ngày vất vả. Song tôi biết, để có được quyết định “bỏ phố vô rừng” của chàng trai 23 tuổi ngày đó quả thực là sự đấu tranh tư tưởng mạnh mẽ, sự quyết tâm cao không lùi bước trước những khó khăn mà không phải ai cũng có thể làm được. Giờ đây khi tuổi 30 cập kề, em đã là ông chủ những cánh rừng cao su đã  bắt đầu đi vào khai thác, đã có một gia đình hạnh phúc. Và hạnh phúc chỉ sẽ đến với những ai biết tự tin vào chính bản thân mình.

Trên đường đi công tác về, ghé quán Emyly quen thuộc, chủ quán là một người em thân thiết với tôi thời đại học. Em học ngành Sử, Trường đại học Đà Lạt. Ra trường phiêu bạt tận đất Sài Gòn làm công chức nhà nước. Đồng lương ít ỏi ở nơi phồn hoa đô hội không đủ níu chân em gắn bó lâu dài. Về quê với ước mơ giản dị trở thành một công chức nhà nước an phận, rồi sẽ lấy chồng, sinh con và sống gần gũi người thân. Thất nghiệp. Không thể cứ ăn bám gia đình mãi, em quyết định mở quán cà phê nhỏ ven đường trong đất nhà mình.  Quán cà phê ngon nức tiếng, khách tìm đến nhộn nhịp, em xoay như chong chóng cả ngày quên luôn cả việc lấy chồng. Gặp em tôi vẫn hỏi, thu nhập có khá không? em chỉ cười và bảo: Nếu mà so với lương nhà nước thì hơn chứ chị...

Ngã rẽ mưu sinh vẫn là sự đấu tranh để sinh tồn trong xã hội. Rất tiếc, đó là một mảng màu tối trong bức tranh giáo dục - đào tạo toàn cảnh của đất nước ta khi việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh vẫn còn là khâu yếu, trong lúc các trường đại học mọc lên như nấm, sự quản lý đầu ra, đầu vào ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề không dựa vào nhu cầu xã hội mà là các kế hoạch phát triển số lượng của các trường. 

Vì thế, trước khi có được chính sách vĩ mô của các nhà quản lý giáo dục thì hơn ai hết, mỗi chúng ta cần nhận thức được sự đầu tư thích đáng cho tương lai của mình trong quá trình hướng nghiệp chọn con đường đi cho tương lai.

                                                                                            P. T
                                                                           (Đài TT - TH Bố Trạch)

,
.
.
.