Hiệu quả của đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển

Cập nhật lúc 10:12, Thứ Hai, 06/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ khi có Đề án kiểm soát dân số vùng biển đảo (gọi tắt là đề án 52), nhiều người dân ở khu vực này đã được cung cấp đầy đủ, kịp thời các dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số, bỏ dần tư tưởng trọng nam, khinh nữ.

Thực tế cho thấy từ ngày triển khai đề án, người dân được hưởng lợi nhiều hơn và bản thân họ đã quan tâm nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe. Với mục tiêu đặt ra là đẩy mạnh truyền thông và duy trì lâu dài để 100% chị em trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin về CSSKSS - KHHGĐ, qua 1 năm triển khai thực hiện đề án, các mô hình truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã thực sự mang lại nhiều kết quả.

Tính đến cuối năm 2011, đề án 52 được thực hiện tại 27 xã, phường, thị trấn. Tại các huyện, thành phố thực hiện đề án 52, có 7.000 trường hợp được khám phụ khoa, trong đó có 5.500 ca được cấp thuốc điều trị viêm nhiễm đường sinh sản, 3.500 ca soi tươi, 2.700 lượt phụ nữ mang thai được khám và 550 người tham gia tư vấn cộng đồng. Người dân ở những vùng biển đã thành lập nhóm, tổ không sinh con thứ ba. Ở đó, các chị em vừa là người tham gia thực hiện CSSKSS - KHHGĐ vừa là những cộng tác viên tích cực.

Đề án được triển khai thực hiện, người dân vùng biển, đảo và ven biển có nhiều cơ hội để cải thiện cuộc sống tốt hơn. Ảnh: B.A
Đề án được triển khai thực hiện, người dân vùng biển, đảo và ven biển có nhiều cơ hội để cải thiện cuộc sống tốt hơn. Ảnh: B.A

Trước, trong và sau mỗi đợt chiến dịch, Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với các Trung tâm DS-KHHGĐ huyện liên tục giám sát xuống cơ sở để can thiệp kịp thời những trường hợp có vấn đề về sức khỏe sinh sản, bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, phụ khoa, u nang tử cung... Việc triển khai đề án không chỉ đạt mục tiêu giảm sinh mà còn giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em, tình trạng nạo phá thai, từ đó nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

Trong đó, công tác tuyên truyền trực tiếp là rất thiết thực, giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng để chuyển sang thay đổi hành vi thực hiện CSSKSS-KHHGĐ một cách hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tại vùng biển đảo và ven biển.

Mục tiêu của đề án 52 là phấn đấu đến năm 2015, dân số vùng biển, đảo tăng ổn định 282.000 người, đến năm 2020 là 297.000 người. Tỷ lệ các vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 65-70% đến năm 2015 và đạt 70-75% từ năm 2015 đến 2020. Tỷ lệ người làm việc và đặc biệt người sinh sống ven biển và trên biển được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, sức khoẻ sinh sản KHHGĐ đạt 80% vào năm 2015 và 90 - 95% vào năm 2020. Tỷ lệ trẻ em tại vùng biển, ven biển, vùng ngập mặn, đầm phá và cảng biển bị dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hoá và do di truyền giảm bình quân hàng năm khoảng 3-5% trong giai đoạn 2011 - 2020. Đồng thời, đề án cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, số liệu về dân số, KHHGĐ tại các vùng biển, đảo và ven biển, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành chương trình dân số, KHHGĐ, yêu cầu xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của địa phương và Trung ương.

Các huyện, thành phố có xã vùng biển, đảo và ven biển thành lập đội truyền thông lưu động và tổ chức mô hình điểm cung cấp dịch vụ tránh thai tại nơi mà người lao động xuất bến đi biển, khi cập bến, tại các bến cảng. Đồng thời, các nhóm đối tượng sẽ được hưởng các dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ và dịch vụ y tế khác gần hơn, dễ tiếp cận hơn.

Các bà mẹ và trẻ em được tư vấn và chăm sóc y tế một cách chu đáo hơn để cải thiện sức khỏe, phòng chống lây nhiễm HIV, tệ nạn xã hội khác, giảm số lượng sơ sinh có dị tật dị dạng, giảm gánh nặng về chi phí cho xã hội để chăm sóc người tàn tật, tạo động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và khẳng định ưu thế của kinh tế biển...

                                                                                                                B. A

,
.
.
.