.

Người thầy thứ nhất

Thứ Hai, 04/12/2017, 09:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong cuộc đời mỗi người luôn tiếp nối sự học, thì không phải người nào truyền đạt kiến thức cũng đều được tôn xưng là thầy.

Tôi có một người thầy đầu tiên, người thầy thứ nhất, đã tròn sáu mươi năm trôi qua, hình ảnh, đức hạnh vẫn luôn tỏa sáng trong ký ức.

Muốn lên cấp một cấp hai
Trước tiên phải có phôi thai vỡ lòng

Lớp học đặt trong đình làng, mặt quay về phía tây nhìn ra cánh đồng rộng mênh mông. Chừng hai ba chục trò đủ mọi lứa từ năm, sáu đến mười, mười một tuổi. Đấy là vào cuối thập niên năm mươi của thế kỷ trước. Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, lại vừa qua một cuộc cải cách ruộng đất nhiều biến động và hệ lụy. Hầu như tất cả trẻ con trong làng chưa từng được đến trường đều được huy động bất kể tuổi tác. Người thầy giáo có dáng người gầy. Mấy mươi năm sau, tôi mới biết thầy thuộc dòng tộc Thượng thư Võ Trọng Bình, viên quan nổi tiếng hay chữ và thanh liêm. Bàn ghế hoàn toàn tùy nghi, chủ yếu lót tấm bìa hay cục gạch xuống đất, kê vở lên những băng ghế. Nhiều đứa con nhà nghèo ăn mặc rách rưới, tóc tai xơ xác, ngồi trước ngồi sau lổn nhổn. Ký ức tôi lưu lại góc bảng bên trái có một hàng chữ viết cách quãng, phía dưới có hai chữ khác cố định nhưng những con số thì thay đổi từng ngày. Sau này mới biết hàng chữ trên là thứ... ngày... tháng... năm. Hai chữ dưới là sĩ số mỗi buổi học. Kỳ lạ chưa! Một lớp vỡ lòng tư thục “thủ công” như không thể đơn giản hơn mà thầy giáo vẫn nghiêm túc đến vậy. Mỗi trò chỉ có một quyển vở, bút chì hay bút chấm mực Cửu Long, học và viết chữ a, b (bờ) c (cờ)..., học số đếm. Có trò đang học bỗng đứng dậy chạy ra sân vạch quần... khiến thầy phải đi ra kêu: ấy, ấy đi ra xa một chút! Lớp chẳng có cổng nên trẻ con trong xóm cũng có thể tự do vào cùng ngồi nghe rồi tự do về. Để cho các trò dễ nhớ mặt chữ, thầy đặt nhiều câu ca dao. Ví như:

O tròn như quả trứng gà
Ô thời đội mũ ơ già có râu.

Chưa hết, thầy chúng tôi còn sáng tác được cả ca khúc, cũng để cho các trò nhớ chữ, gì mà “... Hai anh i t (tờ), đứng song song. Này anh i ngắn, ơ thêm râu vào, ô mũ trên đầu, t (tờ) có ngang”. Rồi thì cũng đến ngày viết thạo được chữ, cộng được số, tập chép.

Một buổi tập viết của các cháu Trường mầm non xã Minh Hóa.     Ảnh: T.H
Một buổi tập viết của các cháu Trường mầm non xã Minh Hóa. Ảnh: T.H

Tháng tư, lúa bắt đầu chín, nông phu chuẩn bị liềm hái ra đồng, bắt đầu bận rộn. Sĩ số của lớp giảm dần vì nhiều trò nghỉ học để chăn trâu và mót lúa. Thầy cũng khẩn trương kiểm tra cuối năm bằng các bài tập chép và toán cộng đến 10. Lần đầu tiên tôi đến nhà thầy ở khác xóm để lấy kết quả kiểm tra. Một vườn chuối xơ xác, một căn nhà cổ tối tăm. Vợ thầy, một người đàn bà gầy. Và những đứa con của thầy cũng gầy. Ấn tượng nhất trong căn nhà là chiếc bàn gỗ có nhiều hoa văn, minh chứng của một gia thất của người từng có học vấn...

Rồi, sau khi đã  “phôi thai vỡ lòng”, chúng tôi lên cấp một, cấp hai. Hết cấp hai, nhiều trò đã có thể đi học chuyên nghiệp ra làm cán bộ có lương. Chiến tranh phía Nam kêu gọi nhiều trò nhập ngũ. Những trò có điều kiện và lực học lên cấp ba, vào đại học, có người thành ông nọ bà kia. Riêng thầy vẫn thế, ngày ngày gõ đầu trẻ, mỗi tháng hưởng vài mươi cân thóc của hợp tác xã trang trải cho cuộc sống gia đình. Có điều không bất ngờ là dư luận làng xóm đúc kết rằng, hầu hết học trò của thầy đều trưởng thành người tử tế. Có người thành đạt lên chức này nọ cũng không cậy thế mà hỗn hào trịch thượng.

Xa mấy mươi năm, một ngày trên đường làng, tôi gặp thầy, vẫn dáng đi chầm chậm, đôi mắt buồn nhẫn nhịn và đã mờ đi nhiều. Tôi vòng tay: Thưa thầy! Thầy đứng lại nhìn hơi lâu mới nhận ra trò. Bao nhiêu đứa trẻ qua tay thầy “vỡ lòng” để lên cấp một cấp hai, đi bốn phương tám hướng học chữ, học nghề, học làm người mà quên kính hiếu với người thầy đầu tiên - người thầy thứ nhất, đã nhen lên ngọn lửa nhỏ ban đầu trong trái tim con trẻ chúng tôi. Bây giờ, ân hận thì muộn quá rồi. Thầy đã xa cõi tạm cơ chừng trên dưới ba chục năm. Nhưng, chỉ cần nhắc danh tính thầy là hàng trăm người làng Lộc An quê tôi bên tả ngạn Kiến Giang sẽ lập tức lộ vẻ tôn kính: thầy là Võ Trọng Cương.

Nguyễn Thế Tường