.

Hồi sinh tuồng cổ Khương Hà

Thứ Hai, 04/12/2017, 15:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau bao biến động thăng trầm của thời gian, có lúc hát tuồng Khương Hà, xã Hưng Trạch (Bố Trạch) tưởng chừng đã chìm vào dĩ vãng... Song vài năm trở lại đây, loại hình nghệ thuật này đang dần hồi phục, thu hút đông đảo người tham gia hát, người xem, đặc biệt là giới trẻ.

Không biết hát tuồng Khương Hà có từ đâu và từ bao giờ, nhưng theo các cụ cao niên trong làng hát tuồng đã có trên đất Khương Hà hơn 100 năm về trước.

Trong thời kỳ chiến tranh, hát tuồng Khương Hà khá trầm lắng. Khi đất nước thống nhất (năm 1975), địa phương đã có chính sách hỗ trợ là chia công, chia thóc cho các diễn viên trong đội tuồng để họ yên tâm tập luyện và biểu diễn nhằm giữ gìn, phát huy nghệ thuật tuồng bội quê mình. Ngoài các vở tuồng cũ, đội tuồng còn dựng thêm nhiều vở khác và đi biểu diễn khắp nơi. Trong thời gian này, thế hệ tài năng về tuồng bội Khương Hà phải kể đến cụ Lương, cụ Đoan, cụ Tuy...

Sau một thời gian, khi mà kịch nói, chèo, cải lương, phim ngắn, tivi, internet... phát triển thì hát tuồng không còn là nghệ thuật độc tôn ở làng nữa. Người dân tỏ ra thích thú với âm nhạc hiện đại, các chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng hơn là xem hát tuồng. Sân khấu tuồng từ đây cũng vắng bóng khán giả, một số diễn viên phải đi làm ăn xa, đội tuồng từ đó cũng dần tan rã trong sự tiếc nuối của những người già trong làng.

Biểu diễn tiết mục “Ông già cõng vợ đi xem hội” trong đêm ra mắt CLB tuồng truyền thống Khương Hà.
Biểu diễn tiết mục “Ông già cõng vợ đi xem hội” trong đêm ra mắt CLB tuồng truyền thống Khương Hà.

Năm 2008, đội tuồng Khương Hà gồm 20 người được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch mời tham gia đợt tập huấn về nghề hát tuồng tại Nhà hát tuồng Trung ương, phục hồi làng hát tuồng có tiếng từ xa xưa này. Tại lớp tập huấn, ngoài các vở tuồng cũ như: Vì nước vì dân, Tô thắm sơn hà, 15 năm quật khởi... các diễn viên của làng còn được học thêm các bài tuồng mới như: Ông già cõng vợ đi xem hội, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Đào Tam Xuân đệ cờ... nhằm đáp ứng thị hiếu của người xem, tránh nhàm chán khi biểu diễn. Cũng từ thời gian đó, tuồng bội Khương Hà được khôi phục và hồi sinh trở lại. Hàng năm cứ vào dịp đầu xuân năm mới, rằm tháng giêng, các ngày hội lớn của làng đều không thể thiếu các tiết mục của đội tuồng. 

Hiện nay, cuộc sống ngày càng hiện đại, những câu chuyện cổ không còn phù hợp với con người đương đại, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thế nhưng, người Khương Hà đã bảo tồn được môn nghệ thuật tuồng theo cách của mình. Họ đã khơi dậy trong lòng thế hệ trẻ bằng niềm tự hào về nét đẹp truyền thống văn hóa mà cha ông đã để lại. Cũng vì lẽ đó mà Câu lạc bộ (CLB) tuồng truyền thống Khương Hà vừa được thành lập cách đây không lâu có 20 thành viên nhưng hơn một nửa là thành viên trẻ, tuổi đời chưa quá ba mươi. Với niềm đam mê và muốn gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống này nên họ đã tình nguyện tham gia CLB mà không cần vận động hay bắt ép. Được biết, đây là một trong ba CLB văn hóa truyền thống được huyện Bố Trạch đầu tư khôi phục.

“Do mới được thành lập nên CLB tuồng truyền thống Khương Hà vẫn gặp rất nhiều khó khăn... Vì vậy, trong thời gian tới, CLB rất cần được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa về vật chất lẫn tinh thần, nhằm khôi phục và phát triển tuồng bội của địa phương, góp phần tích cực vào việc bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc; khơi dậy trong mỗi người dân tình yêu quê hương và ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá đặc trưng của làng quê...” - ông Phạm Ngọc Phấn, Chủ nhiệm CLB tuồng truyền thống Khương Hà chia sẻ.

Thanh Hoa