.

Giữ lửa cho nhạc cụ dân tộc

Chủ Nhật, 03/12/2017, 10:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Trước thực trạng âm nhạc dân tộc có nguy cơ lạc lõng giữa cuộc sống đương đại bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình giải trí mới, có những "nghệ sĩ làng" là những người nông dân trên các vùng quê bằng tình yêu, sự tâm huyết đã dày công gìn giữ, truyền dạy để âm nhạc truyền thống của dân tộc không bị mai một với thời gian. 

Say bởi những cung thanh, cung trầm

"Những cung thanh, cung trầm trong trẻo mà da diết của đàn bầu có sức cuốn hút tôi đến lạ. Buồn, vui tôi đều gửi gắm vào đàn, xem đàn như tri kỷ. Tôi đã bén duyên với đàn bầu từ thời niên thiếu và niềm đam mê ấy ngày một lớn dần lên". Đó là tâm sự của nghệ  nhân dân gian Cao Tiến Dòng ở xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa.

Không chỉ người dân xã Hồng Hóa mà những người tâm huyết với văn hóa quê hương ở huyện Minh Hóa nhiều năm nay đã quen thuộc với hình ảnh nghệ nhân Cao Tiến Dòng với cây đàn bầu ngân lên những thanh âm trầm, bổng trong nhiều hội diễn văn nghệ ở làng, xã... Ổng kể: Từ nhỏ ông đã rất thích nghe những giai điệu mượt mà của đàn bầu, nhưng chỉ được nghe qua radio và chưa được tận mắt chiêm ngưỡng cây đàn ấy. Cơ duyên đến với ông để rồi ông kết thân với đàn bầu cũng là một sự tình cờ đầy thú vị. Đó là trong một dịp có đoàn văn công của một đơn vị bộ đội về biểu diễn ở địa phương, nơi họ tạm trú để tập luyện lại gần nhà nên ngày ngày ông đều ra xem và bị cuốn hút bởi tiếng đàn bầu của một thành viên trong đoàn. Mỗi khi người nghệ sĩ ấy thong thả chạm tay vào các phím đàn, ông lại dán mắt vào đó đến nỗi quên cả giờ ăn.

Đêm về, ông cứ thao thức với hàng loạt câu hỏi trong đầu: Vì sao cây đàn cấu tạo đơn giản lại cho ra đời những âm thanh độc đáo đến vậy? Làm sao để được học đàn? làm sao để có thể ôm đàn đi khắp nơi như người ta?... Ông chỉ mong cho trời nhanh sáng để chạy tới địa điểm mà đoàn văn công tập luyện. Thế rồi chỉ mấy hôm nghiên cứu, ông đã tự chế ra cây đàn bầu cho riêng mình rồi lân la hỏi các thành viên trong đoàn văn công cách sử dụng, và rồi vỡ òa sung sướng khi những âm thanh đầu tiên được ngân lên.

Nghệ nhân dân gian Việt Nam Phan Văn Thuận bên cây đàn nguyệt.
Nghệ nhân dân gian Việt Nam Phan Văn Thuận bên cây đàn nguyệt.

Lớn lên cũng như nhiều thanh niên khác, ông lên đường nhập ngũ và hành trang mang theo là cây đàn bầu. Cuộc sống trong quân ngũ với vô vàn khó khăn nhưng trong hoàn cảnh nào ông cũng sáng chế ra những chiếc đàn bầu, hỏng chiếc này, ông lại làm chiếc khác. Tiếng đàn của ông có mặt trong các buổi giao lưu văn nghệ, trong mỗi cuộc vui với đồng chí, đồng đội. Tiếng đàn còn giúp cho ông và các chiến sĩ trong đơn vị vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương...

Ông không nhớ hết là mình làm ra bao nhiêu cây đàn, chỉ biết rằng chưa bao giờ ông lìa xa người bạn này bởi với ông, đàn là tri kỷ. Là thành viên của Câu lạc bộ đàn, hát dân ca của xã Hồng Hóa và cũng là thành viên chủ chốt trong Câu lạc đàn, hát dân ca huyện Minh Hóa, ông mang tiếng đàn độc đáo của mình đi khắp nơi để phục bà con và luôn nhận được những tràng pháo tay khích lệ. Dẫu bây giờ người ta đã cho ra đời những cây đàn bầu với nguyên liệu mới, có mẫu mã đẹp hơn, nhưng ông chỉ sử dụng cây đàn do ông tạo nên...

Đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm song tài năng cũng như tình yêu với nhạc cụ đàn bầu trong ông cứ lớn dần lên theo thời gian. Ông nói: “Tôi già rồi nên chỉ mong có người yêu thích loại nhạc cụ này là tôi truyền dạy không quản thời gian, công sức, càng nhiều người học tôi lại càng mừng vì chính họ sẽ thay lớp người cũ như chúng tôi gìn giữ những giai điệu rất đẹp, rất riêng bởi đó là một phần của tinh hoa văn hóa dân tộc”.

Một đời duyên nợ với đàn

Gần trọn cả cuộc đời, nghệ nhân dân gian Việt Nam Phan Văn Thuận ở xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới đã gắn bó với cây đàn nguyệt, một loại đàn được sử dụng rộng rãi trong dòng nhạc dân gian cũng như cung đình bác học cổ truyền của người dân Việt. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn nghệ, bố và mẹ của ông đều nổi tiếng trong làng về hát hay, nhất là những thể loại dân ca. Vì thế nên từ nhỏ, những câu dân ca đã thấm đẫm tâm hồn ông để rồi khi lớn lên ông lại say với câu hò, điệu hát của quê hương từ lúc nào không biết.

Ngoài thừa hưởng giọng hát ngọt ngào hiếm có của bố mẹ, nghệ nhân Phan Văn Thuận còn có tài thẩm thấu âm nhạc và quyết tâm học đàn cho thỏa niềm đam mê. Được gia đình ủng hộ, ông tham gia các lớp học  nhạc lý về đàn măng-đô-lin, rồi cũng từ đó, ông tự nghiên cứu và học thêm các loại đàn khác như đàn nhị, đàn tứ, ghi-ta. Và khi chạm đến cây đàn nguyệt, nghe những thanh âm tươi sáng, rộn ràng, trầm bổng, đa dạng trong diễn tả các trạng thái cảm xúc âm nhạc đã làm cho ông mê đắm rồi gắn bó với cây đàn này, trở thành nghệ nhân đàn nguyệt nổi tiếng có một không hai của thành phố và của tỉnh.

Từng đảm nhận các nhiệm vụ như Chủ nhiệm câu lạc bộ đàn, hát dân ca xã Đức Ninh, thành viên Câu bộ văn nghệ "Thời hoa lửa" của cựu thanh niên xung phong TP. Đồng Hới, Câu lạc bộ "Đường 9-B5", ông đã cùng cây đàn nguyệt nay đã có trên 30 năm tuổi góp mặt trong nhiều chương trình biểu biểu diễn văn nghệ dân gian phục vụ nhân dân. Có những lúc cuộc sống gia đình rơi vào khó khăn, nhiều người ngỏ ý mua lại cây đàn “già nua” của ông nhưng ông nhất định không bán vì với ông cây đàn từ lâu đã trở thành một phần trong cuộc sống, đồng hành cùng ông ở nhiều sân khấu và còn là chất xúc tác để ông viết nên bao lời hay, ý đẹp trong các khúc dân ca. Ông gửi gắm trọn vẹn những tâm tư, tình cảm của mình qua các ngón đàn để rồi ngân lên từng bản hòa tấu lúc du dương, lúc dịu dàng trầm lắng và cả sự tươi mới, trong trẻo... Nhiều thế hệ học trò của ông vẫn luôn ghi nhớ lời ông dạy: "Đến với nhạc cụ dân tộc cốt lõi vẫn là sự say mê và tình yêu với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của quê hương".

Trăn trở và nỗ lực "giữ lửa" cho nhạc cụ dân tộc, các nghệ nhân trên mỗi làng quê đang ngày đêm gìn giữ và với họ tình yêu đó đã cho họ quên đi tuổi già, quên đi những vất vả, lo toan trong cuộc sống. Và khi được hỏi họ mong muốn điều gì, đa số những "nghệ sĩ làng" đều nở nụ cười hiền rồi bày tỏ "chỉ mong có sức khỏe tốt để được tiếp tục cống hiến, bảo tồn và trao truyền hồn cốt của dân tộc mình cho thế hệ mai sau...".

Nhật Văn