.

Cổ thụ của làng

Thứ Hai, 30/10/2017, 09:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những ngày đi dọc các làng quê Quảng Bình, tôi vẫn thấy đâu đó trên mỗi nẻo đường quê, hình dáng những thân cây vạm vỡ in bóng xuống từng con đường nhỏ. Và tôi cũng nhận ra ánh mắt đau đáu của nhiều người khi nhắc đến những thân cây cổ thụ nay chẳng còn hiện diện. Bởi tự thân sức sống lâu bền của nó, cổ thụ đã mang trong mình bao ký ức và chạm khắc lên thân mình bao kỷ niệm của nhiều người.

Giữ hồn làng

Người Việt qua nhiều thế hệ vẫn giữ vẹn nguyên tục thờ cây xưa cũ. Bởi như nhiều nhà nghiên cứu thì đối với người Việt, cây cối là loại sinh thể đặc biệt, có đời sống trực giác tâm linh y như con người, nhất là những cây cổ thụ hàng  chục, hàng trăm năm tuổi. Mặt khác, cây cối còn được coi là nơi trú ngụ của các vị thần linh hay ma quỷ: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”; hay “Cây thị có ma, cây đa có thần”.

Tín ngưỡng đặc biệt ấy đi sâu vào đời sống tinh thần của các làng quê Quảng Bình. Người dân trân trọng cây xanh như máu thịt. Với họ, giữ cây là giữ hồn quê, là níu lấy hồn làng. Dọc các làng quê của Quảng Bình, nhiều thân cây cổ thụ vẫn hiên ngang, vạm vỡ hiện diện trong đời sống của bao người, bao vùng đất. Với người làng Đông Dương (Quảng Phương, Quảng Trạch), chẳng biết rừng trâm bầu cổ hiện diện ngay giữa làng từ bao giờ, chỉ biết hàng trăm năm nay, bao thế hệ con cháu họ đã thấy rừng cây ấy hiện hữu, chở che, ôm ấp làng quê mình. Và ở ngôi làng có chiều sâu văn hóa, lịch sử này, rừng được bảo tồn, gìn giữ bằng hương ước từ nhiều thế hệ. Với người Đông Dương, rừng trâm bầu là một báu vật.

Cây đa ở tổ dân phố 9 (Nam Lý) gắn với ký ức bi hùng của nhân dân Lý Ninh những năm chống Mỹ.
Cây đa ở tổ dân phố 9 (Nam Lý) gắn với ký ức bi hùng của nhân dân Lý Ninh những năm chống Mỹ.

Không chỉ là phên dậu bảo vệ mảnh đất, con người nơi đây trước bao biến thiên của trời, của đời, rừng còn là nơi yên nghỉ của bao thế hệ cha ông họ. Đi sâu vào trong cánh rừng cổ thụ là cả một nghĩa trang rộng lớn với những nấm mồ nằm rải rác. Ông Dương Công Định, trưởng thôn Đông Dương bảo rằng đó là nơi lý tưởng để người làng Đông Dương khi chết đi rồi vẫn có thể được gần gũi bên làng, bên gia đình, bên cháu con họ. Vậy nên bao đời nay, người làng dẫu ở đâu, vẫn chỉ mong cuối đời được trở về chôn cất ngay trên chính mảnh đất quê hương, yên bình dưới những tán cây trâm bầu nhiều kỷ niệm. Mùa mưa bão, dân làng có thể vững tâm rằng những ngôi mộ chí của người thân họ vẫn được chở che bởi cánh rừng vững chãi.

Dọc các làng quê Quảng Bình, vẫn còn đó những rừng cây cổ thụ, sống và phát triển bằng chính sự nâng niu, trân trọng của người làng. Đó là rừng trâm bầu của thôn Thanh Bình (Quảng Xuân, Quảng Trạch), rừng lộc vừng của người làng Phú Thọ (An Thủy, Lệ Thủy) và rừng sưa quý chỉ hơn 10 năm tuổi nhưng vẫn được đồng bào Arem (Tân Trạch, Bố Trạch) giữ như một báu vật dù cuộc sống của họ còn bữa no, bữa đói...

Chỉ riêng ở thành phố Đồng Hới, những dáng cây thăng trầm cùng nổi nênh đời phố, đời người và trở thành một phần hồn phố không thể tách rời. Trải qua bao thăng giáng thời cuộc, Đồng Hới nay chỉ còn giữ lại được những thân cây hiếm hoi: một cây bàng tán rộng phủ bóng xuống khuôn viên Đài Truyền thanh - Truyền hình Đồng Hới và một cây bồ đề rợp bóng mát trước sân khách sạn Đồng Hới - đó là những dấu tích xanh mướt ít ỏi còn sót lại sau những ngày phố biển gồng mình hứng chịu bom đạn kẻ thù, của thiên tai. Cùng với những thân cây trầm mặc ấy, nhiều thế hệ người Đồng Hới đã cùng “trồng lại cây xanh trên lối cũ”. Bởi họ hiểu rằng cây là linh hồn của phố và phố sẽ chỉ là những khối bê tông lạnh lẽo nếu không có cây xanh.

Khi cây không còn

Cơn bão số 10 vừa qua, với sức gió khủng khiếp của nó đã làm gãy đổ hơn 5.500 cây xanh trên địa bàn thành phố Đồng Hới, trong đó có nhiều cây cổ thụ hàng chục năm tuổi. Điều khiến nhiều người Đồng Hới và những người yêu quý thành phố ven sông này đau lòng hơn cả là cây sung trăm tuổi – ngày ngày đứng trầm mặc giữa hanh hao của gió, của lồng lộng sông nước Nhật Lệ – nay đã bị bão quật ngã chỉ còn trơ gốc. Ông Nguyễn Đức Danh (Đồng Sơn, Đồng Hới) kể lại rằng với những người sinh ra ở Đồng Hới như ông, cây sung là ký ức tuổi thơ, vừa là chứng tích chiến tranh của một thời Đồng Hới oằn mình trong bom đạn kẻ thù. Đã có không ít cuộc chỉnh trang đô thị, mở rộng phố nhưng những người Đồng Hới vẫn một lòng quyết giữ cây sung trăm tuổi. Vậy nhưng, cây cổ thụ ấy đã không còn đủ sức chống chịu trước sức mạnh khủng khiếp của gió bão. Điều khiến không ít người Đồng Hới cảm thấy đau lòng là khi cây gãy đổ đã trơ ra phần gốc cây bị mục rỗng – hậu quả của việc đốt vàng mã ngay trong thân cây suốt một thời gian dài. Thời điểm ấy, sau khi có nhiều ý kiến phản ánh trên báo, đài, tình trạng xâm hại cây sung trăm tuổi đã được hạn chế. Thế nhưng, khi chưa kịp phục hồi, cây đã bị thiên tai đốn ngã trong sự luyến tiếc của nhiều thế hệ.

Cây sung Đồng Hới trước trận bão số 10.
Cây sung Đồng Hới trước trận bão số 10.

Trong trận bão năm 2013 và 2017 vừa qua, nhiều cây cổ thụ đã bị gãy đổ. Những nỗ lực phục hồi cũng trở nên vô nghĩa. Cây đa trăm tuổi ở thôn Cổ Hiền (Hiền Ninh) đã bật gốc ngay sau trận bão năm 2013. Với hy vọng phục dựng lại cây cổ thụ vốn là hồn vía của làng, chính quyền địa phương đã thuê nhân công, máy móc dựng lại thân cây cũ. Vậy nhưng, cây đa Cổ Hiền và nhiều cây xanh vốn đã gắn bó với bao làng quê nay đã chẳng thể hiện hữu mãi mãi, chỉ còn tồn tại như những mảng màu đậm nét trong ký ức nhiều người. Thiên tai là điều không thể tránh khỏi, nhưng đau lòng hơn, ở nhiều làng quê, vẫn còn đó việc những cây cổ thụ bị xâm hại, bị bỏ mặc. Rừng bần ở làng Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh) đang đứng trước nguy cơ biến mất khi việc đào ao, đắp đập nuôi trồng thủy sản diễn ra ồ ạt. Nhiều người lo ngại rằng khi rừng bần trăm tuổi không còn nữa, liệu họ sẽ ra sao mỗi mùa lũ đến, bởi hàng chục năm qua, rừng cây ấy vốn là vành đai bảo vệ làng, bảo vệ đất trước sức mạnh của lũ dữ.

Cây cũng là di sản cần bảo vệ!

Ông Nguyễn Tiến Ngữ, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết, hơn bao giờ hết, việc nhiều cây cổ thụ biến mất sau hai trận bão, cùng nhiều cây khác bị xâm hại đã đặt ra một vấn đề cấp thiết, rằng đã đến lúc nên ghi chép, kê cứu và lên kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và bảo tồn những cây cổ thụ, những chứng tích đặc biệt này như đã bảo tồn những di tích, vật thể khác. Sau nhiều năm nỗ lực, hiện Hội Sinh vật cảnh đang phối hợp với chính quyền một số xã, phường có cây cổ thụ để lập hồ sơ xét công nhận cây di sản.
“Chi hội Sinh vật cảnh phường Nam Lý cùng UBND phường đang nỗ lực chuẩn bị các thủ tục cần thiết để gửi xét công nhận cho cây đa ở tổ dân phố 9 là cây di sản. Đây vừa là cây lâu năm, vừa gắn với những chiến công, cả sự mất mát của nhân dân Lý Ninh trong những năm chống Mỹ ác liệt”, ông Phạm Văn Minh (Chi hội Sinh vật cảnh phường Nam Lý) cho biết. Khi chưa có những kế hoạch, chính sách rõ ràng từ phía các cơ quan chức năng, người dân địa phương đã tự chủ động đóng góp xây bao khoanh gốc, gắn bảng “cây đa cần được bảo vệ” để hạn chế tình trạng đốt vàng mã, tập kết rác dưới gốc cây.

Trên những thân cây xù xì, trầm mặc với thời gian, dưới những tán xanh rợp bóng, bao kỷ niệm thủy chung bám víu vào. Và một lẽ thường tình, làng quê trong hoài niệm sẽ tan biến dần cùng với sự ra đi của những dáng cây đã hằn sâu ký ức. Ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh khẳng định: cổ thụ của làng không chỉ là nơi ký thác bao kỷ niệm, ký ức thăng trầm của mỗi vùng đất, mỗi con người mà đó còn là di sản của làng quê ấy, mà đã là di sản thì cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt!

Diệu Hương