.
Chào mừng Đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Bình lần thứ 5, nhiệm kỳ 2017-2022:

Sáng tạo để nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao

Thứ Năm, 19/10/2017, 09:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Bình là tổ chức trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập và Đại hội lần thứ I vào tháng 6-1999, là một trong số ít những chi hội ra đời vào hàng sớm nhất của Hội Nhà văn Việt Nam.

Các nhà văn trong chi hội sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất Quảng Bình có bề dày lịch sử và văn hóa phong phú, chứa đựng những nét riêng biệt của một vùng đất. Chính trên dải đất hẹp, núi và biển liền kề, gió lào cát trắng lại là nơi vượng khí đất trời, hồn thiêng sông núi, có biết bao địa danh thấm đẫm xương máu của bao thế hệ con người trong tiến trình dựng nước và giữ nước.

Ngày nay, Quảng Bình tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự nghiệp đổi mới toàn diện với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mở cửa hội nhập quốc tế đã thu được những thành tựu nổi bật. Tất cả những điều đó đã trở thành kho tư liệu vô giá không phải người cầm bút nào cũng may mắn có được và đó chính là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho các nhà văn Quảng Bình...

Trong 5 năm qua, các nhà văn Quảng Bình đã bền bỉ lao động sáng tạo thu được những kết quả đáng mừng, với 7 tiểu thuyết đã và sắp công bố, 3 trường ca xuất bản và tái bản, hai kịch bản sân khấu được dàn dựng, 3 tập truyện ngắn, 6 tập thơ, 3 tập phê bình tiểu luận được xuất bản. Ngoài ra, còn một số lượng lớn truyện ngắn, thơ, bút ký, ghi chép, tản văn, phê bình, tiểu luận được đăng tải ở các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Từ sự nỗ lực cống hiến đó, các nhà văn tỉnh ta đã đoạt được 13 giải thưởng ở Trung ương và địa phương.

Với thiên chức của mình, nhà văn không chỉ là chứng nhân nhạy bén của lịch sử mà còn đẫm mình trong mỗi bước đi gian khó của dân tộc, đồng thời hết mình trong lao động sáng tạo vì dân tộc, vì quê hương. Các nhà văn đã đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước khốc liệt, đi qua những tháng ngày cơ cực sau chiến tranh, những năm tháng đổi mới, mở cửa hội nhập do Đảng lãnh đạo, đã cho họ khối vốn sống thực tiễn. Sự từng trải kết hợp khả năng thiên bẩm, cho phép các nhà văn điềm tĩnh suy xét, cắt nghĩa trước mọi biến cố của thời đại, lý giải mỗi thăng trầm của lịch sử trên mảnh đất này. Ngồi trước trang viết, các nhà văn như cảm thấy có hơi ấm của quê hương phả ra từ phía sau. Bởi thế, tác phẩm của các nhà văn đều có không gian sáng tạo là mảnh đất Quảng Bình yêu dấu, với bao khát vọng và trăn trở nhọc nhằn.

Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Bình mặc nhiên trở thành hạt nhân, thành cột sống của nền văn học tỉnh nhà. Bằng chất lượng sáng tác, bằng kinh nghiệm sống và viết, chi hội đã tạo dựng cho quê hương một đội ngũ tác giả nối tiếp nhiều lứa tuổi, có thể trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sau này. Đó là những cây viết trẻ: Nguyễn Hương Duyên, Trác Diễm, Nguyễn Xuân Sùng, Nguyễn Thị Lê Na, Phan Văn Chương, Đỗ Thành Đồng, Đỗ Quí Dũng, Trần Thị Huê, Hoàng Thúy...

Việc tạo ra những tác phẩm văn học để đời cho quê hương, đất nước trong mỗi giai đoạn là công việc vô cùng to lớn và chỉ có các nhà văn mới làm được điều này. Bởi thế, không có con đường nào khác, các nhà văn phải thấm đẫm thực tiễn cuộc sống, không ngừng bồi đắp vốn sống, vốn hiểu biết, tình cảm thẩm mỹ, đồng hành sáng tạo cùng những chuyển động to lớn của quê hương, đất nước. Và chính từ những thành tựu của công cuộc đổi mới, tạo cho quê hương Quảng Bình một sắc diện khác, hiện đại, trẻ trung và mang nhiều hứa hẹn, văn học viết từ Quảng Bình cũng sẽ làm nên những giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc, góp phần hình thành phẩm chất, nhân cách con người Việt Nam trên quê hương...

Hữu Phương