.

Thái Hải và cuộc kiếm tìm hồn phố

Chủ Nhật, 27/08/2017, 14:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi ngỏ ý muốn gọi ông là nhà thơ của phố. Ông lắc đầu chối từ: “Với Đồng Hới, tôi chỉ mãi là một cậu bé con của ngày hôm qua nhìn “Phố xưa nhỏ gói trong bánh lá/ Tuổi thơ tôi vuông vắn cục đường/ Cứ ngọt mãi trong đời thật lạ”. Hôm nay vẫn vậy và ngày mai cũng thế thôi”.
 

Nhà thơ Thái Hải
Nhà thơ Thái Hải

Một người bạn văn nhận xét về nhà thơ Thái Hải là “người mà mỗi mao mạch chảy trên cơ thể đều có nước sông Nhật Lệ”, vậy nên, khi những mao mạch li ti ấy lưu chuyển trong mỗi đường gân, thớ thịt, Thái Hải mới có thể viết nên những vần thơ về Đồng Hới gan ruột đến vậy. Nếu có mong muốn lật tìm hồn cốt phố phường Đồng Hới thì không thể ngó lơ được trường ca “Đồng Hới khúc huyền tưởng” của nhà thơ Thái Hải.

Tựa như những ngày cũ, mỗi khi nhắc đến thị xã bên dòng Nhật Lệ, người ta lại nao nao nhớ về trang viết của “nhà thơ Đồng Hới” Xuân Hoàng. Bởi nếu xưa viết về Đồng Hới có “Trường ca Đồng Hới” của nhà thơ Xuân Hoàng thì nay có “Đồng Hới - khúc huyền tưởng” của nhà thơ Thái Hải.

“Nếu trường ca của Xuân Hoàng mang tính sử thi thì trường ca của Thái Hải là khúc tưởng niệm trữ tình về những huyền tích như để âm ba, lắng lại sau bao thăng trầm của thị xã tỉnh lỵ, thành phố Đồng Hới bây giờ. Nếu Xuân Hoàng nghiêng về sử liệu qua từng thời kỳ với những nhân vật, sự kiện thì Thái Hải lật xới bề sâu nội tâm của thiên nhiên, đất đai, con người từng gắn bó máu thịt với nơi ấy. Có thể nói đây là cặp trường ca sóng đôi xuất hiện cách nhau bốn mươi năm như để tương tác, bổ sung, thúc đẩy nhau đi tới hoàn chỉnh gương mặt Đồng Hới với vẻ đẹp xinh xắn mà hào hùng, chân chất mà kiên dũng” – nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã viết như thế trong lời đề tựa cuốn sách “Đồng Hới khúc huyền tưởng – Tác phẩm và dư luận”.

Trường ca “Đồng Hới – khúc huyền tưởng” của nhà thơ Thái Hải xuất bản năm 2008. Chỉ một thời gian ngắn sau khi trình làng, tác phẩm đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong giới văn nghệ sỹ và với cả những người yêu Đồng Hới.

Và đến hôm nay, sau gần 10 năm ra đời, “Đồng Hới – khúc huyền tưởng” vẫn luôn khiến cho những tâm hồn yêu Đồng Hới cồn cào với nỗi nhớ thương về một Đồng Hới trong quá vãng. Đó không còn là lời tự thuật của riêng ông mà người Đồng Hới như tìm thấy mình trong những câu chữ mộc mạc nhưng đầy gan ruột ấy. Họ tìm thấy hồn vía phố với những vỉa tầng, những lớp lang bài bản và hơn thế, câu chữ của Thái Hải đã làm một cuộc “khai quật” ký ức tưởng đã ngủ yên trong quá khứ nhiều người.

Hiếm ai được như Thái Hải khi trường ca của ông vừa ra đời, Hội VHNT tỉnh và UBND thành phố Đồng Hới đã tổ chức luôn một cuộc hội thảo chuyên nghiệp với sự góp mặt của nhiều nhà văn, nhà phê bình lý luận và với rất đông người yêu Đồng Hới. Họ tìm đến để một lần được giãi bày, một lần nữa được chạm vào hồn vía phố cùng thơ của ông. Và cũng tự nhiên như dòng nước Nhật Lệ luôn xuôi về biển, tình yêu Đồng Hới như mạch nguồn cứ thế rào rạt chảy trong mỗi tâm hồn người.

“Đồng Hới – khúc huyền tưởng” của Thái Hải gồm 5 chương: Dòng sông tuổi thơ, Thời chưa xa, Âm vang cùng sóng biển, Lặn sâu vào đất và Chảy suốt cuộc đời. Mỗi chương là một bức tranh với những gam màu riêng biệt phác thảo nên chân dung Đồng Hới trong hoài niệm với đầy nỗi tự hào lẫn những suy tư và thao thiết nhớ thương. Mảnh đất và con người Đồng Hới đã lưu dấu trong hoài niệm, trong tiềm thức, trong không gian và thời gian, trong quá khứ lẫn hiện tại của Thái Hải. Vậy nên, đọc đến đâu, người ta cũng thấy bóng dáng của Thái Hải đang trăn trở đi tìm hồn vía phố. Phố trong tiềm thức của ông bình dị quá với “nhấp nhô bóng nắng bóng mưa/ nhấp nhô gánh hàng rong ngược xuôi mềm mại” và phố còn in hằn những vết tích thời gian với “khói trầm hương tần ngần quanh miếu mạo/ Rêu phong dằng dặc phù vân kiếp người”. Phố biển quê ông thật đặc biệt khi làng trong phố, phố ở trong làng, phố gối đầu lên vùng ngoại ô xanh mướt mắt. Giữa những leng keng hàng quán phố thị là nét trầm mặc của những dấu tích thuở xưa “phố xưa in trên thềm tam cấp, trên đình làng, miếu mạo, trong nắm đất vo tròn dày đặc vỏ sò, trên bầu vú mẹ ta căng tràn ngấn sóng, nơi thao thiết mùi trầm hương, thong thả tiếng chuông chiều”.

Đọc thơ ông, có những lúc nhận ra cái đau đớn, thao thức của Thái Hải hiển hiện trong mỗi câu chữ tưởng chừng bình lặng ấy khi hồi tưởng lại những năm tháng phố phường Đồng Hới “bị cào bằng sau bao trận đánh/ Cuộc chiến chưa tàn phố đã lụi tan”. Có lẽ những ký ức ấy ám ảnh ông dai dẳng suốt những năm tháng sau đó, bởi ngay thời điểm ông đặt bút viết nên “Đồng Hới – khúc huyền tưởng” thì Đồng Hới sau “ba mươi năm phố lại tinh khôi”, nhưng Thái Hải vẫn viết nên những vần thơ rỉ máu “giữa hai loạt bom tìm về với phố/ Chẳng nhận ra miếu mạo, chùa chiền/ Chỉ thấy ngổn ngang bê tông gạch vỡ/ Dòng sông xanh không một phút an nhiên”, “cuốn gia phả nhà ai ngửa mặt lên trời/ Cháy sém bỏ quên bên góc đình Đồng Hải/ Biết bao giờ người thân tìm gặp lại/ Con chữ rồng con chữ phượng tổ tiên”. Để rồi, có một Thái Hải tự nguyện “xin – làm – viên – gạch – vỡ/ Lát con đường hôm nay/ Nối đôi bờ thương nhớ/ Trên mảnh đất đau này”.

Không phải đến lúc đọc thơ ông mà khi trò chuyện cùng Thái Hải, tôi nhận ra ở người đàn ông ấy một tình yêu thành phố quê hương đến vẹn tròn. Cái cách ông nhắc đến từng góc phố xưa thật nâng niu và đầy trân trọng. Ông tường tận từng ngõ phố, từng gốc cây hằn in dấu thời gian. Có lẽ phải yêu lắm ông mới thấu cảm được “phố đêm nay thao thức”, “hình như mầm cây nhú”. Với ông, Đồng Hới là gan ruột, là tâm hồn! Ở Thái Hải có một điều khiến tôi chú ý là ông nhẹ nhàng, tếu táo khi chuyện trò nhưng lại đằm sâu trong từng trang viết. Giống như cách ông viết “Đồng Hới – khúc huyền tưởng” nghe chậm rãi, thủ thỉ như đang kể chuyện cổ tích nhưng đằng sau đó là bao nhớ nhung, dằn vặt, cả những hoài niệm và “ký ức rỉ máu”. Vậy nhưng, cũng như bao người Đồng Hới khác, dẫu đi qua bao thăng giáng của thời cuộc, của sấp ngửa đời người, Thái Hải vẫn lạc quan và tin yêu thành phố quê hương mình đến cháy bỏng.

Ở cái tuổi 65, Thái Hải vẫn miệt mài trên từng trang viết cùng những câu chữ gan ruột như mấy chục năm qua ông vẫn vậy. Ông chân tình khoe rằng mình đang hoàn thành nốt những công đoạn cuối cùng để xuất bản trường ca “Tôi tìm tôi và Bông nắng cuối ngàn”. Và trong những câu thơ mới mẻ ấy, vẫn là một Thái Hải mộc mạc nhưng da diết và đầy hoài niệm.

Diệu Hương