.

Để hò khoan xứng danh di sản

Chủ Nhật, 02/07/2017, 08:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Đầu tháng 5-2017, hò khoan Lệ Thủy chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của tỉnh ta có được vinh dự này và cũng là minh chứng cho nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ những người làm công tác văn hóa, các nghệ nhân, những nhà nghiên cứu, những người đam mê với hò khoan Lệ Thủy trong lộ trình bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Tuy nhiên, chặng đường “hậu” di sản đối với hò khoan Lệ Thủy vẫn còn đó không ít những khó khăn để vừa giữ vững các giá trị truyền thống đặc sắc, vừa phát huy vai trò, vị thế di sản trong cuộc sống hiện đại, tiến tới trở thành điểm nhấn du lịch hấp dẫn, thu hút du khách gần xa.

Tạo sức sống bền vững cho hò khoan

Thời gian qua, Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung đã có nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị của hò khoan Lệ Thủy. Theo ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy, một trong những trọng tâm của nỗ lực này chính là công tác trao truyền cho thế hệ sau.

Ngay từ sớm, ngành Giáo dục-Đào tạo của huyện đã triển khai đưa hò khoan vào các trường học với một kế hoạch và lộ trình dài hơi. Các cháu từ mầm non, tiểu học cho đến THCS đều được tiếp cận với di sản tinh thần của cha ông và đặc biệt là huyện thường xuyên duy trì các sân chơi để học sinh thi thố tài năng thông qua các hội thi, hội diễn. Các giáo viên âm nhạc được tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về hò khoan với các nghệ nhân dân gian. Nhờ đó, hò khoan Lệ Thủy có được sức sống vững bền, in sâu vào đời sống tinh thần của các thế hệ, nhất là giới trẻ. Ngoài ra, Lệ Thủy cũng ghi dấu ấn với nhiều CLB hò khoan được thành lập từ cấp cơ sở, góp phần đưa hò khoan lan tỏa trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, tạo môi trường sống dung dưỡng loại hình nghệ thuật dân gian này.

Với sự tạo điều kiện tối đa của chính quyền các cấp và ngành Văn hóa, Du lịch, hò khoan Lệ Thủy đã có cơ hội theo chân các nghệ nhân đi đến nhiều vùng miền của đất nước để biểu diễn, quảng bá những giá trị đặc sắc của hò khoan đến với bạn bè gần xa. Cùng với đó, công tác sưu tầm, biên soạn hò khoan được chú trọng và đầu tư bài bản. Chính vì vậy, ngay sau khi hò khoan được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, những nỗ lực này lại càng đòi hỏi ở tầm cao hơn, hệ thống, bền vững và hướng đến những mục tiêu xa hơn.

Trước hết, theo nghệ nhân ưu tú Đặng Thị Hồng Hới, một trong những việc làm cần triển khai đầu tiên chính là phải nâng cao chất lượng của hò khoan Lệ Thủy. Thực tế cho thấy, bên cạnh những sân chơi mang tính cộng đồng, phong trào để hò khoan có sức sống bền vững, ở những sân khấu lớn, mang tính nghệ thuật, hò khoan Lệ Thủy phải có chất lượng cao với đội ngũ nghệ nhân lành nghề, bài vở được chuẩn bị công phu, chu đáo. Nghệ nhân ưu tú Đặng Thị Hồng Hới chia sẻ thêm, để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự chọn lọc, đào tạo hướng dẫn bài bản, có quy trình cụ thể để nâng tầm chất lượng. Với yêu cầu đó của thực tiễn, ngoài tích cực tham gia sinh hoạt ở CLB hò khoan Lệ Thủy, chị đã thành lập một nhóm các nghệ nhân hò khoan “chín về nghề” để biểu diễn tại các chương trình lớn nhằm đưa những nét đẹp của hò khoan đến với người thưởng thức. Đây cũng là một trong những hướng đi của huyện Lệ Thủy trong phát triển bền vững hò khoan theo khẳng định của ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện. Theo đó, bên cạnh các CLB ở cơ sở để trao truyền, tổ chức biểu diễn, một CLB quy tụ các hạt nhân hò khoan Lệ Thủy sẽ được xây dựng để phục vụ các mục tiêu cao hơn như phát triển du lịch.

Ông Dương Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Lệ Thủy, người dành rất nhiều tâm huyết cho hò khoan Lệ Thủy chia sẻ, để bảo tồn và phát triển hò khoan Lệ Thủy trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo đối với huyện và tỉnh là cả một vấn đề chiến lược lâu dài, trong đó việc xây dựng trung tâm bảo tồn, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hay nhà hát biểu diễn... đóng vai trò quan trọng. Trong quy hoạch phát triển dịch vụ du lịch ở tương lai, một sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp cho hò khoan Lệ Thủy cũng đang được nhắc đến như một cách thức quảng bá tối ưu cho loại hình văn hóa văn nghệ dân gian này. Ngoài ra, ở huyện, cần có đơn vị có biên chế đứng ra đảm nhiệm công tác bảo tồn và được đầu tư kinh phí ổn định, có “đất” sống để quảng bá qua du lịch. Đặc biệt, chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân cũng rất cần được quan tâm thấu đáo, có như vậy, giới trẻ mới thực sự mặn mà với giá trị nghệ thuật quê hương.

Khi hò khoan song hành với du lịch

Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, trước mắt, hò khoan Lệ Thủy chưa phải là một sản phẩm du lịch độc lập và Sở đang định hướng phát triển, bảo tồn hò khoan thông qua các hoạt động văn hóa du lịch. Trong đó, Sở tiếp tục gắn hò khoan với phát triển du lịch trong cộng đồng, thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thử nghiệm đưa hò khoan vào các tour, tuyến khai thác của mình.

Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin là một trong những đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đầu tiên của tỉnh ta mạnh dạn đưa hò khoan Lệ Thủy vào trong các tour và mang lại những kết quả ấn tượng. Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin cho biết, ngay sau khi hò khoan được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Công ty đã mạnh dạn giới thiệu một số tour có sự tham gia của hò khoan và thu hút sự quan tâm của du khách trong nước.

Để hò khoan Lệ Thủy phát huy giá trị di sản đòi hỏi nhiều nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành và mỗi người dân.
Để hò khoan Lệ Thủy phát huy giá trị di sản đòi hỏi nhiều nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành và mỗi người dân.

Tương tự như vậy, chuỗi nhà hàng Chang Chang cũng đang có kế hoạch đưa hò khoan Lệ Thủy vào các hoạt động phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống của du khách.

Anh Thế Anh, quản lý nhà hàng Chang Chang khẳng định, với thế mạnh của mình, tin tưởng rằng hò khoan xứ Lệ sẽ tạo sức hút, níu chân được du khách gần xa và tạo được điểm nhấn riêng trong lộ trình khám phá vẻ đẹp Quảng Bình. Tuy nhiên, cái khó khi đưa hò khoan Lệ Thủy vào khai thác du lịch trước hết chính là vẫn còn nhiều du khách chưa biết nhiều đến hò khoan, nên nhu cầu thưởng thức chưa cao. Điều này đòi hỏi khâu quảng bá, giới thiệu di sản phải mạnh tay và thường xuyên hơn nữa. Mặt khác, các chương trình biểu diễn hò khoan hiện nay, theo các doanh nghiệp, là còn quá đơn điệu, chưa tạo được ấn tượng và nét đặc sắc với du khách. Do đó, việc đầu tư bài bản, công phu và có định hướng là điều rất quan trọng đối với các CLB hò khoan Lệ Thủy, thay vì chỉ phong trào, “cây nhà lá vườn” như trước đây.

Để hò khoan xứng danh di sản, cần những nỗ lực bảo vệ và phát huy giá trị phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững từ các cấp chính quyền cho đến mỗi một người dân. Bên cạnh việc xây dựng định hướng, quy hoạch phát triển hợp lý, trước mắt, hò khoan cần được nghiên cứu những hình thức và biện pháp phù hợp để bảo vệ và khai thác có hiệu quả. Trong đó, công tác truyền dạy và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ di sản văn hóa đóng một vai trò quan trọng. Đối với phát triển du lịch, hò khoan cần được xem xét kỹ lưỡng khi đưa vào khai thác để vừa phải giữ được vẹn nguyên truyền thống, vừa góp phần quảng bá nét văn hóa con người xứ Lệ, tránh sự lai căng, hào nhoáng, không phù hợp mà một số di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia khác đang mắc phải.

Mai Nhân