.

Những giai điệu về Phong Nha-Kẻ Bàng

Thứ Tư, 28/06/2017, 15:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình được thiên nhiên ban tặng một di sản quý: Phong Nha - Kẻ Bàng, một khu vực rộng lớn rừng tự nhiên với hệ thống hang động kỳ vĩ có một không hai, đẹp nhất thế giới. Bao nhiêu nhạc sĩ đến tham quan du lịch miền đất này đã ghi lại những cảm xúc tươi đẹp về cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ mà lung linh huyền ảo nơi đây qua tác phẩm âm nhạc của mình.

Chỉ tính đến những bài hát được in trong Tuyển tập ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi", do Hội Văn học - Nghệ thuật và Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Bình ấn hành, nhân kỷ niệm 50 năm Quảng Bình giải phóng (1954 - 2004), cũng đã có hàng chục bài của các nhạc sĩ khắp cả nước sáng tác về Phong Nha - Kẻ Bàng.

Nhạc sĩ Trần Hoàn, sinh thời khi đến nơi đây thấy cảnh đẹp như cõi tiên đã thốt lên: "Phong Nha ơi! Phong Nha hỡi - Là nàng tiên giữa Quảng Bình xanh thắm, là dòng Son thăm thẳm ngàn sâu", "Phong Nha ơi! Phong Nha ơi! Còn nhớ chăng những ngày kháng chiến. Đường Hai mươi ta chung một trận tuyến, phà Xuân Sơn chuyển đạn vào Nam" (trong bài “Về Phong Nha”).

Ai đã từng một lần đến Phong Nha mà không khỏi có những cảm xúc dịu dàng về những thạch nhũ kỳ diệu và quyến rũ lòng người: "Giữa lung linh huyền ảo phảng phất nơi cõi trần dường như ai níu ái ta ngập ngừng bước chân", "Người đẹp buông tóc mướt, mắt đượm buồn xa xăm, gửi lời vào giọt nước, riêng tình em lặng câm. Tạo hóa muôn năm trước nhập hồn vào thế nhân, ta hiểu sao Từ Thức bỏ chốn tiên về trần" - bài “Cảm xúc Phong Nha” của nhạc sỹ Dương Viết Chiến, lời thơ Hà Thu.

Trong bài “Chuyện tình Phong Nha” của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương lại xây dựng một mối tình đẹp đẽ giữa một nàng tiên với một nghệ sĩ: "Ơn tạo hóa động cũng có đôi, ơn tạo hóa đời mãi sinh sôi. Để sông Son có Kẻ Bàng, để Tiên Sơn có Phong Nha. Ơ... chuyện tình xưa ta có một nàng tiên sa. Chàng nghệ sĩ tên gọi Phong Nha từng vượt qua bao thác ghềnh phong ba gặp nàng tiên đã gửi tình cùng anh"...

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lại nhìn Phong Nha dưới con mắt tươi trẻ của một đôi nam nữ trốn tìm nhau từ hàng triệu năm trước, qua ca khúc Phong Nha trốn tìm: "Đi ngược năm triệu năm, anh cùng em gặp Phong Nha. Phong Nha thạch nhũ những ngón tay em trắng hồng. Phong Nha chòng chành sóng, ánh mắt em xanh thẳm xanh. Cung Đình hay Động Tiên. Ôi! Trần gian còn đâu đây vui quên ngày tháng những lứa đôi say trốn tìm"...

Các nhà thơ và nhạc sỹ đã đồng cảm với cảnh đẹp thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng mà "kết duyên" với nhau cho ra đời những ca khúc hay, được lưu truyền trong công chúng. Nhạc sĩ Thân Trọng Phúc và nhà thơ Hải Kỳ đến Phong Nha lần đầu đã ghi lại cảm nhận của mình qua ca khúc “Với Phong Nha”: "Lần đầu ta với Phong Nha cùng em như đã đi qua cuộc đời. Từ xưa cũng bấy nhiêu lời ngược xuôi nhân thế bao người tìm nhau. Đá còn nói với muôn sau bằng hình khối lặng thẳm sâu tâm hồn. Người còn biết nói gì hơn bằng im lặng thấu tận nguồn núi sông"...

Còn với nhà thơ Văn Lợi và nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, là những người đã từng đến Phong Nha, cũng vẫn không khỏi xao động khi trở lại nơi này: "Dẫu đôi lần về với Phong Nha ơ... Vẫn xao động như vừa chợt đến. Thảm rêu xanh dậy miền quyến luyến. Tôi đợi chờ giọt nước thấm vào da để nhập vào kỳ ảo Phong Nha"... (trong bài “Giao cảm Phong Nha”).

Đối với nhà thơ Nguyễn Văn Dinh và nhạc sĩ Đỗ Dũng - nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, đã có cảm nhận đặc biệt về Phong Nha từ lúc thuyền ngược dòng sông Son, "Ngược dòng Son anh đến Phong Nha trời lồng lộng nghe khúc hát dân ca. Động Tiên mờ ảo khói sương pha tiếng đàn còn mãi mãi ngân nga. Ngược dòng Son anh đến Phong Nha anh lạc đường vào nơi cung cấm Thuyền rồng tượng Phật áo cà sa. Tượng Vọng Phu treo cao vách núi, bấy rêu phong chẳng xóa nhà"... (ca khúc “Gửi Phong Nha”).

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, chàng rể thảo làng Quảng Xá, giới thiệu về hang động huyền ảo và kỳ vĩ này qua bài hát “Về Phong Nha, về miền cổ tích”: "Tạm xa phố phường đông vui ta về miền cổ tích. Trên dải đất Quảng Bình có bao cảnh thần tiên. Theo dòng sông Son giữa xanh xanh rừng núi, cảnh thần tiên đã hiện ra đó là Kẻ Bàng - Phong Nha. Thuyền đưa ta vào Động Tiên như ngược thời gian về thuở hồng hoang. Đâu chỉ là lời thơ mà là bao hình khối. Có hình Phật Bà, có dáng Tiên Ông. Thuyền đưa ta vào động Phong Nha nghe nước rì rào như vọng từ ngàn xưa, Non Bút, Non Nghiên với bao huyền thoại. Mấy trăm triệu năm rồi vẫn sừng sững nơi đây"...

Đồng cảm mà không rập khuôn, các nhà thơ, các nhạc sĩ đã trào dâng cảm xúc cùng thiên nhiên, gửi gắm tâm hồn mình trong cấu trúc, giai điệu, hòa thanh, tạo nên tác phẩm âm nhạc sâu lắng, huyền ảo, thật đáng yêu...  

Nhạc sỹ Dương Viết Chiến