.

Một nhà báo, nhà thơ làm thơ về một nhà thơ, nhà báo

Thứ Bảy, 24/06/2017, 17:43 [GMT+7]

(Nhân đọc lại tập thơ “Nhớ Bác Hồ” của Nguyễn Văn Dinh)

(QBĐT) - Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, là nhà báo, nhà thơ lớn của thời đại. Có một người Quảng Bình gần như suốt sự nghiệp sáng tác của mình lấy hình tượng Hồ Chí Minh làm đối tượng sáng tạo. Đó là cố nhà báo, nhà thơ Nguyễn Văn Dinh - Phó Tổng biên tập Báo Quảng Bình.

Tháng 5-2005, ở tuổi 73, kỉ niệm 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Nguyễn Văn Dinh cho ra mắt tập thơ “Nhớ Bác Hồ” gồm 115 bài tứ tuyệt, mỗi bài lấp lánh một tình thơ chân chất, mộc mạc mà ân tình đằm thắm. Đó là “Vầng trăng Nhật Lệ” của năm 1957 khi Người về thăm:

“Ngoài hiên Bác ngắm trăng soi biển
Trăng xuống đòi thơ muốn ở gần”

Mượn ý thơ “Trăng vào cửa sổ đòi thơ” của Bác, Nguyễn Văn Dinh nâng lên thành hình tượng sóng ba: “Người-Trăng-Biển” thay cho: “Thiên-Địa-Nhân” thật tài tình. Trước đó, cũng đã có nhà thơ tái hiện: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng, thấy một mặt trời trong lăng...” là hình tượng sóng đôi, hai vầng tinh cầu, hai bản thể tự nhiên-xã hội.

Sẽ là không tưởng nếu chỉ rong ruổi cùng nhà thơ Nguyễn Văn Dinh “Theo chân Bác”. Chúng tôi chỉ muốn nói thêm về một hình tượng thơ khác mà ông đã phát hiện, chuyển tải vào thơ thật đậm, thật nhuyễn:

“Sóng cảng Nhà Rồng tiễn Bác ra đi
Sóng Nhật Lệ đón Người về năm ấy
Hai con sóng non nửa vòng thế kỷ
Để nghìn đời lịch sử còn ghi”

Năm 1911, ông giáo Nguyễn Tất Thành xuống tàu Latouche Treville tìm đường cứu nước. Bốn mươi sáu năm sau, năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Nhật Lệ nhìn về biển phương Nam cháy bỏng khát khao nước nhà thống nhất, đi hết một vòng hành trình không mỏi. Viết về một vĩ nhân bằng một tứ thơ có sức khái quát, sức hàm chứa rộng dài như vậy, không phải nhà thơ nào cũng thể hiện được.

Trong cuộc đời Nguyễn Văn Dinh luôn song hành hai con người nghĩa vụ: Làm báo - Làm thơ. Sinh thời ông, chúng tôi hỏi: trong hai việc ấy việc nào nhập cuộc trước? Ông cười không đáp. Chỉ biết rằng cả hai cái nghiệp ấy đều theo ông đến cuối đời. Tuổi trẻ, ông đi nhiều với tư cách phóng viên, Phó Tổng biên tập. Tuổi già, ông càng đi nhiều. Đơn giản vì tuổi trẻ có sức lực, về già có thời gian. Ông đã đến Cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Trường Dục Thanh (Phan Thiết), Dương Nổ (Huế), làng Sen quê Bác (Nghệ An), nhà số 8 phố Hàng Ngang (Hà Nội) - nơi Bác ngồi viết Tuyên ngôn Độc lập, thăm núi Đại Huệ nơi thân mẫu Bác yên nghỉ, lên Tân Trào thăm lán Nà Lừa, thăm Côn Sơn nơi Bác đọc bia Nguyễn Trãi, viếng đền Hùng. Đi, đến, thắp hương tưởng nhớ và làm thơ về Bác. Và, quý vị độc giả có hình dung được chăng, năm 2000, khi sắp chẵn thất thập trung thọ, nhà báo - nhà thơ Nguyễn Văn Dinh còn mạo hiểm “tìm đường” theo chân Bác sang tận ngõ Công Poanh, đến ngôi nhà số 9 đứng chụp bức ảnh chân dung trước tấm bia viết bằng chữ Pháp: “Nơi đây, năm 1921-1923 ông Nguyễn Ái Quốc đã lưu lại. Ông ra báo “Người cùng khổ”. Ông đấu tranh cho dân tộc ông và các dân tộc cần lao trên thế giới”. Tại đây, Nguyễn Văn Dinh viết bài “Thăm nhà số 9 Công Poanh” và bài “Viên gạch ở Pari”:

“Đến nhà số 9 Công Poanh biết viên gạch ấm
Giữ cho người viết báo những đêm đông
Người cùng khổ đã một thời thức tỉnh
Bao tấm lòng nặng nợ với non sông”

Nhà báo - nhà thơ Nguyễn Văn Dinh thuộc tuýp người mà chân dung và tính cách không theo nhịp thời gian. Sinh thời, ông ít bộc lộ về quá khứ. Tìm và biết ông sinh năm Nhâm Tuất (1932). “Nhâm biến vi vương!”. Ông không mộng vua quan trưởng giả, chỉ là người tài hoa sớm phát lộ ứng khẩu thành thơ tứ tuyệt, làm báo sớm thành danh. Năm 1950, “anh khóa” Dinh người Quảng Thanh (Quảng Trạch) nhập ngũ, chiến đấu trên chiến trường Bình-Trị-Thiên khói lửa. Nhưng chỉ hai năm sau, năng lực làm báo đã phát lộ trên tờ tin “Lính địa phương” của Tỉnh đội Quảng Bình. Năm 1953, ông giành giải thơ của Quân khu 4. Vậy là có thể nghĩ ông làm báo trước khi làm thơ. Năm 1954, cùng những đoàn quân xanh màu lá về tiếp quản Đồng Hới giải phóng. Suốt từ đó đến năm 1964, ông công tác tại cơ quan quân sự trong một ban có cái tên mà hiện nay đọc lại nghe rất ngộ: “Ban Tuyên-Cổ” (Tuyên truyền-Cổ động).

Cuối năm 1962, Nguyễn Văn Dinh chuyển sang tờ tin Tỉnh ủy để bốn tháng sau tham dự vào một sự kiện, một mốc son của nền báo chí Quảng Bình: Cùng ba đồng nghiệp khác là ông Đặng Gia Tất (Sau này đi làm đại sứ tại Trung Quốc), ông Trần Quang Quýnh, ông Phạm Xuân Thích (sau này là Tổng biên tập Báo Bình Trị Thiên) chụm lại ra Báo Quảng Bình số đầu tiên ngày 27-3-1963. Có thể từ đây, nhà báo Nguyễn Văn Dinh đứng trên “báo đàn”, để hai năm sau, chiến tranh phá hoại bùng nổ, với bài thơ “Em bé Bảo Ninh”, nhà thơ chính thức hiện diện trên “thi đàn”.

Kể từ đó đến ngày về nghỉ hưu (1997), Nguyễn Văn Dinh làm Báo Quảng Bình, vào Huế làm Báo Dân sau đổi thành Báo Bình Trị Thiên, lại trở ra làm Phó Tổng biên tập Báo Quảng Bình, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Bình, là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên nhà văn Quân đội. Ông có 34 năm làm báo chuyên nghiệp và gần nửa thế kỷ làm thơ (cũng gần chuyên nghiệp) về lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Không phải ai cũng có may mắn như nhà thơ Nguyễn Văn Dinh khi mà tập thơ “Nhớ Bác Hồ” của ông do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành được đề tựa bởi người học trò xuất sắc của Bác - Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đọc tập thơ  “Nhớ Bác Hồ” của Nguyễn Văn Dinh, càng thấy:

Lòng Bác thương dân vô hạn
Lòng dân nhớ Bác đời đời

Tôi hoan nghênh tập thơ được xuất bản vào dịp kỷ niệm 115 Ngày sinh của Bác.

Xin giới thiệu với bạn đọc quê nhà, với bạn đọc cả nước.

Hà Nội, tháng 4-2005”

Đọc lại những vần thơ chưa bao giờ cũ của một đồng nghiệp, một người bạn vong niên viết về nhà báo, nhà thơ lớn lãnh tụ Hồ Chí Minh, chúng ta thêm một lần chiêm nghiệm được nhiều điều vừa lớn lao vừa sâu xa mà thân quen gần gũi.

Nguyễn Thế Tường