.

Lão nông mê hò khoan

Thứ Ba, 06/06/2017, 09:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy có một lão nông không chỉ đam mê hát hò khoan mà còn tự đặt lời mới cho hàng trăm bài hò khoan mang đậm hơi thở cuộc sống hiện đại. Ông là Trương Quốc Tiệc.

Ông Tiệc tâm sự: "Ngay khi còn nhỏ, tôi đã đam mê hát hò khoan. Người lớn chỉ bảo thêm cách luyến láy, ngân giọng và dạy tôi nhiều bài hát hò khoan mới. Vốn ưa tìm tòi, sáng tạo nên khi đã am tường hò khoan, tôi cũng bắt đầu viết lời mới cho nhiều bài hò khoan".

Lấy cuốn vở học sinh ghi nhiều bài hò khoan lời mới đã sáng tác, ông Tiệc giới thiệu mỗi bài đều phản ánh, gắn với những sự kiện, đời sống sinh hoạt, lao động của người dân địa phương. Rồi ông cao hứng cất giọng hát bài được sáng tác nhân ngày xã đón bằng di tích lịch sử văn hóa của danh nhân Trung Bình Hữu với những câu ca mộc mạc, dễ hiểu: “Cờ bay, loa vang trống giục rộn làng quê, tiếng hát câu hò thắm tình thắm nghĩa đón chào khách quý cùng bè bạn xa gần, về dự hội làng ta vui mừng khôn tả, hát lên nào ơi bạn mình ơi, khúc hát quê mình vang mãi ngàn năm, làng quê hoa tươi cờ đỏ rợp trời quê, trai gái trẻ già trang phục rực rỡ, quê hương Phan Xá hoa nở xuân về, lòng tràn đầy hân hoan nâng cao bằng lịch sử, Trung Bình Hữu, Trung Bình Hữu rạng danh".

 Ông Tiệc cùng cán bộ văn hóa xã xem lời mới của một bài hò khoan.
Ông Tiệc cùng cán bộ văn hóa xã xem lời mới của một bài hò khoan.

Ông giải thích cho tôi biết sự khác nhau giữa lời cũ và lời mới: Xưa lời cũ “Cờ bay, loa vang trống giục rộn làng quê, tiếng hát câu hò thắm tình thắm nghĩa đón chào khách quý cùng bè bạn xa gần, tình tang nọng tang tinh, tình tang nọng tang tình". Nay không còn "tình tang nọng tang tinh, tình tang nọng tang tình" mà thay vào đó là lời mới:  Về dự hội làng ta vui mừng khôn tả, hát lên nào ơi bạn mình ơi, khúc hát quê mình vang mãi ngàn năm, làng quê hoa tươi cờ đỏ rợp trời quê, trai gái trẻ già trang phục rực rỡ, quê hương Phan Xá hoa nở xuân về....

Có vốn sống phong phú, thường xuyên cập nhật thông tin là điều kiện để ông có được những sáng tác phù hợp với cuộc sống. Ông còn cho biết thêm: Để sáng tác lời mới, viết tiểu phẩm, kịch ngắn cho các cuộc thi, phải am tường làn điệu; biết cách xây dựng bố cục, kết cấu kịch bản. Sau nữa là thiết kế các làn điệu, tiết tấu vào trong từng tình huống sao cho phù hợp với bối cảnh. Vì vậy, trong sáng tác, ông Tiệc đặc biệt chú trọng việc bố cục ca từ khớp với giai điệu, tiết tấu. Tác phẩm của ông thường dễ hô hát và tạo được sự cộng hưởng từ người diễn tấu đến công chúng thưởng thức.

Anh Võ Trọng Pháo, cán bộ văn hóa xã Xuân Thủy cho biết: "Xuân Thủy là địa phương có hò khoan phát triển khá mạnh. Ngoài những làn điệu lời cổ thì hò khoan với những làn điệu lời mới được sử dụng khá rộng rãi. Ông Tiệc là một người rất am hiểu hò khoan. Lời mới trong hò khoan do ông đặt phù hợp với cuộc sống hiện tại, gần gũi với người dân lao động trong xã, huyện”.

Để hò khoan đến gần hơn với người dân, nhất là thế hệ trẻ thì những "nghệ sĩ nghiệp dư" như ông Tiệc đã không ngừng tìm tòi và viết lời mới cho những làn điệu hò khoan; sáng tác các tiểu phẩm, hoạt cảnh hò khoan đặc sắc, thấm đẫm hơi thở của cuộc sống thường nhật, mang đậm tính nhân văn mà cũng không kém phần hài hước, hóm hỉnh, lạc quan, yêu đời...

Phạm Hà