.

Lệ Thủy chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử văn hóa

Thứ Sáu, 02/06/2017, 08:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, những năm qua, huyện Lệ Thủy luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh, bền vững của địa phương.

Trên địa bàn huyện Lệ Thủy hiện có 19 di tích lịch sử, văn hoá, trong đó có 13 di tích văn hóa cấp quốc gia, 6 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và hơn 100 dấu tích lịch sử văn hóa. Đến nay, nhiều địa phương đã thành lập Ban quản lý di tích, thường xuyên làm tốt công tác kiểm kê, chống xuống cấp, phát huy giá trị di tích. Ban quản lý di tích các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giúp nhân dân và khách tham quan hiểu giá trị của di tích. Từ nguồn kinh phí tôn tạo di tích hàng năm của Nhà nước, các di tích được tôn tạo đúng quy định, bảo đảm chất lượng và giữ được kiến trúc gốc.

Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: T.H
Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: T.H

Tiêu biểu như chùa Hoằng Phúc. Trải qua thời gian, chùa đã bị hư hại, bị sập trong cơn bão số 12 năm 1985. Đến thời điểm năm 2014, có một số hiện vật của chùa được lưu giữ như: mõ, một quả chuông bằng đồng (nặng 80 kg, cao 1,1m, đường kính 0,5m có tai treo chạm nổi 2 con rồng miệng ngậm ngọc cùng nhiều hoa văn tinh xảo), tượng Phật, lư hương, đế đèn, bình hoa, tòa sen. Cuối năm 2014, chùa Hoằng Phúc được phục dựng, tôn tạo theo hướng chính và giữ nguyên trạng chùa cũ, theo lối chùa cổ thời nhà Trần, gồm: tam quan ngoại, tam quan nội, tháp Phật, tam bảo chùa. Tuy trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nhưng ngôi chùa này vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc, nghệ thuật cổ.

Bên cạnh đó, nhiều di tích khác cũng được đầu tư trùng tu, tôn tạo như  Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Trường Thủy), chùa An Xá (Lộc Thủy)...; di sản văn hoá phi vật thể như lễ hội bơi đua thuyền truyền thống, làn điệu hò khoan Lệ Thủy... đang được phát huy giá trị. Việc huy động các nguồn lực để phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo di tích thời gian qua đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo, phục hồi, tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

Huyện triển khai nhiều đợt kiểm tra việc thực hiện pháp luật về di sản văn hoá; qua đó kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý, phát huy giá trị các di tích;  tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về các di tích lịch sử văn hóa địa phương trên các kênh thông tin đại chúng; xuất bản 50 ấn phẩm các loại hình văn hóa. Huyện thường xuyên quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hoạt động quản lý và phát huy giá trị di sản văn hoá, thông qua việc mở các lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng kiến thức và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia công tác quản lý nhà nước về di sản văn hoá.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch di tích lịch sử văn hóa ở huyện Lệ Thủy vẫn chỉ ở phạm vi hẹp (huyện, tỉnh); đội ngũ hướng dẫn viên du lịch khả năng thuyết trình còn hạn chế; chưa tạo ra được sản phẩm của địa phương trên lĩnh vực du lịch.

Thời gian tới, huyện Lệ Thủy tiếp tục có những giải pháp để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Qua đó, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá của huyện, của tỉnh và cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Vân Anh
(Đài TT – TH Lệ Thủy)