.

Người đam mê hò khoan Lệ Thủy

Thứ Năm, 25/05/2017, 10:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuối năm 2015, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ nhận lời viết kịch bản và làm tổng đạo diễn Lễ hội chùa Hoằng Phúc lần thứ nhất.

Sau mấy hôm ra Hà Nội, khi quay vào, ông bất ngờ khi hoạt cảnh “Huyền thoại Trần Nhân Tông" và "Xuống thuyền đi hội chùa quan" do ông viết đã được các nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy dàn dựng, biểu diễn thành công tại lễ hội dù thời gian tập luyện chỉ được một vài ngày.

Từ ấn tượng tốt đẹp ban đầu, sau lần đại lễ ấy, ông đâm ra mê mệt các lối mái của hò khoan Lệ Thủy, mà như cách nói vui của ông với bạn bè là đang tìm cách đánh thức “một cô gái đẹp ngủ quên trong rừng”. Và rồi ông tìm đến Câu lạc bộ nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy, nguyện làm một thành viên “thông tấn” để quyết tâm phục dựng hò khoan Lệ Thủy.

Giao lưu nghệ thuật Quan họ Bắc Ninh - Hò khoan Lệ Thủy. Ảnh: D.H
Giao lưu nghệ thuật Quan họ Bắc Ninh - Hò khoan Lệ Thủy. Ảnh: D.H

Câu lạc bộ nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy lúc ông đến cũng chỉ mới thành lập trước đó vài tháng, các thành viên hầu hết là nông dân nên trang phục, nhạc cụ biểu diễn còn rất sơ sài. Để từng bước giúp các nghệ nhân, vợ chồng ông đã tìm mua và tặng họ 4 đôi giày, 4 bộ áo, khăn xếp the lụa Thái Tuấn. Ông còn vận động bạn bè, học trò cũ tại Hà Nội tặng thêm đàn nguyệt, nhị, sáo cho câu lạc bộ. Nhận thấy các nội dung biểu diễn còn ít, các tổ hợp hò còn chưa đầy đủ, ông ngồi viết liền một mạch rồi mang đến cho họ và cùng say sưa tham gia dàn dựng như một nghệ nhân thực thụ. Tùy tính chất của từng sự kiện, ông soạn ra những lời giao đãi phù hợp để các nghệ nhân hò khi mở đầu các buổi diễn. Tuy nhiên, sau khi dàn dựng, tập luyện được tiết mục thì tiến hành biểu diễn giao lưu, quảng bá cũng là một việc không dễ, bởi thiếu kinh phí. Rất nhiều lần ông xuôi ngược để vận động bạn bè thân hữu, thậm chí bỏ cả tiền túi để cho các nghệ nhân đi biểu diễn, giao lưu.

Nhờ sự kết nối đầy trách nhiệm và uy tín của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ mà nhiều tập thể, cá nhân như Hội đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội, UBND huyện, nhà báo Tô Hà, nhà báo Nghiêm Sỹ Đống... đã tích cực hỗ trợ kinh phí để các nghệ nhân hò khoan đem di sản văn hóa của quê hương Lệ Thủy đến giao lưu, giới thiệu ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Từ năm 2016 đến nay, Câu lạc bộ nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy đã thực hiện nhiều chuyến biểu diễn giao lưu tại Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội, Bắc Ninh... tạo được tiếng vang, thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo khán giả, con em quê hương cùng giới báo chí, truyền thông.

Để phục dựng thành công hò khoan Lệ Thủy, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, cần phải hướng các nghệ nhân tới đích tự nuôi sống mình bằng con đường nghệ thuật. Muốn thế phải đa dạng cách thức trình diễn trước công chúng ở nhiều môi trường, xóa bỏ thói quen dã chiến, bao cấp. Môi trường thử thách tốt nhất hiện nay là hò khoan phải gắn liền với du lịch mới tạo ra sự giao cảm toàn cộng đồng.

Chỉ mới trong khoảng 15 tháng gắn bó thế nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ đã có 2 bài nghiên cứu về hò khoan Lệ Thủy, 2 bài báo, 40 bài hò khoan ngắn để dàn dựng các chương trình và trả lời hơn 40 lượt đài, báo để truyền thông, quảng bá cho hò khoan Lệ Thủy.

Ông tâm niệm: “Với hò khoan Lệ Thủy, tôi chỉ là người góp thêm 1 nhánh củi, 1 hơi thổi nhỏ vào lò lửa bền bỉ và rực hồng đó qua thời gian. Tôi giúp được ít nhiều cho di sản nhưng cũng giúp cho mình được nhiều hơn: Được phụng sự chính nghề nghiệp của mình đã theo đuổi hơn 44 năm. Điều đó mới là hạnh phúc. Nếu khoảng 15 tháng qua, tôi không gặp hò khoan tuyệt vời đó thì cuộc sống tôi sẽ bớt 1 trang đầy ý nghĩa. Theo tôi, ai phụng sự hết lòng cho nghề nghiệp thì người đó chính là phụng sự xã hội, phụng sự nhân dân”.

Hoa Khai