.

Tục thờ cá voi ở làng biển Cảnh Dương

Thứ Ba, 23/05/2017, 14:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Người Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) trân trọng xem cá voi là thần, là ngài, là những hiệp sĩ giữa biển khơi sẵn sàng cứu nguy khi dân chài lâm nạn.

Chuyện kể rằng, có lần một tàu đánh cá của ngư dân Cảnh Dương hỏng máy, chới với giữa biển khơi, đúng lúc đó có một con cá voi xuất hiện và nâng thăng bằng con tàu lên bằng tấm lưng vạm vỡ của nó cho các thuyền viên kịp thời khắc phục hỏng hóc. Chuyến tàu đó cuối cùng đã bình an vô sự...  

Những câu chuyện kể và lời tương truyền tương tự như thế về loài cá voi ở các làng biển nhiều vô kể, từ đó minh định niềm tin mạnh mẽ của người làm nghề chài lưới gửi gắm vào thần cá voi. Ngoài tấm lòng đối đãi cung kính, ngư dân Cảnh Dương còn tôn sùng gọi cá voi đực là đức ông, cá voi cái là đức bà. Họ lập miếu thờ cá voi (Ngư linh miếu), dành riêng cho cá voi một khu nghĩa địa, tổ chức lễ hội cầu ngư hằng năm và sáng tác cả những làn điệu chèo cạn (hò đức ông, đức bà) mà người dân Cảnh Dương lớn nhỏ ai cũng nằm lòng.
Miếu thờ cá voi ở Cảnh Dương nằm linh thiêng bên chân sóng biển Đông, sớm chiều chứng kiến và đón đưa những đoàn tàu vươn khơi, trở về. Điểm nhấn khác lạ ở Ngư linh miếu nằm ở bức bình phong trước mặt tiền với hình con cá voi đắp nổi cũng như đôi câu đối khắc đối xứng trên 2 cột cổng chính: “Nhân nghĩa tích tụ thiên niên thịnh/Phúc đức tài bồi vạn đại thành”. Bên trong miếu thiêng, người dân xây cất một bệ thờ tương đối đơn giản ngay giữa gian miếu, bệ thờ có 3 cấp, 2 cấp trên thờ cá ông, cá bà, cấp dưới thờ những vong linh chết biển không rõ danh tính từng được dân làng Cảnh Dương đứng ra mai táng.

Ngư linh miếu.
Ngư linh miếu.

Hai bên hông bệ thờ là hai sạp gỗ vững chãi. Người ta sắp lên đó hai khối xương cá voi nặng hàng tấn, cao lớn tới hơn 2 mét. Từ hướng cổng miếu trông vào, xương của đức ông nằm bên phải còn đức bà có bộ xương nhỏ hơn chút đỉnh, yên vị ở bên trái bệ thờ. Trong gia phả họ Trương (Cảnh Dương) viết, năm Kỷ Tỵ (1809) đời Gia Long thứ 9, cá bà dạt vào bờ biển Cảnh Dương, còn cá ông thì dạt vào năm Đinh Mùi (1907) đời Duy Tân thứ 16. Còn rất nhiều tương truyền khác về sự việc này...

Mặc kệ những vấn nghi lịch sử, đối với người dân Cảnh Dương, sự việc cá ông, cá bà “lụy” (lâm nạn) vào làng là sự thật, như thế là quá đủ. Điều mà dân làng Cảnh Dương tự hào bấy nay chính là việc cha ông họ đã chu đáo mai táng và gìn giữ gần như nguyên vẹn xương cốt của đức ông, đức bà để thế hệ con cháu tiếp bước thờ phụng, tổ chức cúng tế đàng hoàng cho xứng với công đức các ngài. Đến ngày rằm, mồng một hay mỗi dịp làng mở hội cầu ngư, tế lễ thần cá, chức sắc và dân làng Cảnh Dương đều tề tập về Ngư linh miếu để thắp hương cho cá ông, cá bà cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, cầu cho dân chài vươn khơi bám lộng lúc nào cũng lặng yên sóng gió, đầy ắp cá tôm, đi đến nơi về đến chốn.  

Cách Ngư linh miếu không xa có một khu nghĩa địa cá voi được kiên cố bởi bờ tường rào bê tông bao quanh, nơi đây có 17 ngôi mộ đắp vun bằng cát biển, được chăm sóc sạch sẽ và hương khói tử tế. Cá ông, cá bà trước đây cũng được dân làng chôn cất tại khu nghĩa địa đặc biệt này trước khi về với Ngư linh miếu. Năm 2009 là thời điểm con cá voi gần đây nhất được mai táng ở khu nghĩa địa này, sau này người Cảnh Dương gọi con vật xấu số đó bằng cái tên cá cô, nghe thân thiết và để tỏ lòng tiếc thương đối với “hậu duệ” của đức ông, đức bà.

Làn điệu chèo cạn Cảnh Dương được xướng xuất từ phong tục tôn thờ cá voi. Chèo cạn là buông neo, khua nước, đẩy thuyền một cách nhuần nhuyễn ở trên cạn. Gốc gác của hò chèo cạn thuật lại sự tích và ý niệm biết ơn đức ông, đức bà chiếu cố chọn làng chài Cảnh Dương để “lụy”, để ngự. “Đức ông đức bà muôn thuở hiển linh/Đến năm Canh Tý thái bình/Đức bà tuổi thọ gặp dân rước về/Hiển linh hộ kẻ làm nghề/Có rày lướt được mọi bề ấm no/Năm Mậu Thân đức ông vô/Thành tâm phụng sự ngài cho dân tình/Nay mừng tứ tiết Mậu Thân/Trời sinh thánh thượng Duy Tân trị vì/Hà thanh hải yến bốn bề/Ngư ông thượng thọ trở về cõi tiên”...

Hò chèo cạn còn là lời khấn nguyện, mong cầu trời yên biển lặng, ăn nên làm ra: “Dân tôi vào lộng ra khơi/Bà cho sở vọng thuận thời làm ăn”. Sau những lời nguyện cầu còn là điệp khúc hát ca ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, về những ngư phủ yêu lao động, yêu biển, xem trùng dương là quê hương, là máu thịt: “Cảnh Dương, Cửa Cẩm lạch nhà/Ghe thuyền buôn bán vui đà, quá vui”. Hò chèo cạn lấy cảm hứng từ cá ông, cá bà, những vị thần trợ giúp công việc lưới chài nên lúc nào cung điệu cũng ngân vọng giai thanh trầm hùng của biển sóng và chan chứa niềm tin vào cuộc sống.

Trong lễ hội cầu ngư diễn ra vào rằm tháng giêng âm lịch hằng năm ở Cảnh Dương, linh vật duy nhất để cúng tế, để cầu mong và tôn quý chính là cá voi. Vẻ đẹp trượng nghĩa cũng như ân đức ngày đêm chở che, nâng nỡ của cá ông, cá bà, cá cô, cá cậu được gói gọn súc tích trong văn tế thần ngư, được đọc trong phần tế chính. Tục thờ cúng cá voi ở Cảnh Dương là một tín ngưỡng cổ truyền kết hợp với sinh hoạt văn hóa - văn nghệ dân gian quyện chặt lại với nhau, tạo nên nét đẹp độc đáo mang sắc thái riêng biệt của bản sắc địa phương, góp phần làm đậm đà và phong phú thêm truyền thống văn hóa dân tộc.  

Nguyễn Tiến Dũng