.

Mật ngọt cho đời

Thứ Hai, 22/05/2017, 14:44 [GMT+7]

(Đọc “Nhẫn” của Văn Lợi – NXB Thuận Hóa năm 2016)

(QBĐT) - Nhà thơ Văn Lợi vừa cho ra đời tập thơ “Nhẫn”. Với cỡ 10cmx4cm, gồm 103 câu lục bát, cuốn sách như một cuốn lịch bỏ túi, người đọc dễ mang theo, nhẩm đọc, tra cứu trong những trường hợp cụ thể.

 

Bìa cuốn “Nhẫn”
Bìa cuốn “Nhẫn”

“Nhẫn” là những kinh nghiệm đúc rút trong cuộc sống mà tác giả muốn sẻ chia, tâm sự với mọi người hãy sống tốt cho mình, cho đời.

Tác giả đã đề cập đến vấn đề quan hệ trong xã hội. Con người hãy biết mình, biết ta. Bằng hình ảnh “Phượng hoàng với sẻ đều chim/Hơn chăng là sự hiểu mình mà thôi” (39-Hơn); hoặc “Sinh ra ai chẳng thiện nhân/Khác chăng ở lẽ dấn thân vào đời” (78 – Khác).

Cái đáng quý của con người là phải biết vươn lên để đạt mục đích cao cả của cuộc đời. Ở tập “Nhẫn”, có rất nhiều đúc rút, lời khuyên:

Ai ơi lội suối, lội sông
Chẳng dò sâu cạn, e không tới bờ

        (77-Dò)

Chưa hiểu thì chớ có làm
Chưa biết thì chớ vì tham mà liều

        (82-Chớ)

Ong dâng mật ngọt cho người
Phải tìm nhụy đắng khắp nơi hút vào

                           (68-Dâng)

Kinh nghiệm xử thế là bài học không bao giờ thiếu vắng với bất cứ ai trong suốt chiều dài cuộc đời. Nhà thơ Văn Lợi đã có nhiều nhận xét, lời khuyên xác đáng về phương diện này: “Nóng giận ắt khó thành công/Dịu dàng ắt sẽ hòa trong thuận ngoài” (74-Ắt); “Ly nước đầy chẳng yên hàn/Nếu thêm một giọt khiến tràn miệng ly” (86-Nếu); “Ngẫm lời mẹ dặn năm xưa/Con ơi, ăn ít, ăn vừa: no lâu!”
(98-Lời mẹ).

Trong tập “Nhẫn”, nhà thơ Văn Lợi đã thổ lộ nhiều nỗi niềm của mình với cuộc sống. Đối với cha mẹ, bậc sinh thành đã sinh ra và nuôi dưỡng con cái thì “Hoa nở mới biết hoa thơm/Chăm cha mẹ đặng tỏ ơn sinh thành” (102-Thấu hiểu); “Thân lúa trĩu hạt mà cong/Mẹ vì con cái mà còng dáng đi” (29-Mà). Với vợ, người sát cánh tận tụy với mình là món “nợ đời” không bao giờ trả được: “Nợ tiền dễ trả em ơi/Nợ tình em, trả trọn đời chưa xong” (27-Nợ). Tác giả đã khẳng định một chân lý, nếu không có vợ hiền thì đàn ông sống khắc khoải: “Chim cuốc vắng mất bạn tình/Khắc khoải gọi, kiệt sức mình vào hang”
(89-Thủy chung).

Hỏi, tại sao tập sách chỉ dừng lại 103 câu lục bát. Tác giả trả lời: “Đó là sự tôn sùng tài, đức, trí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã sống 103 tuổi, cống hiến hết đời mình cho đất nước và quê hương Quảng Bình”. Kết cấu ấy của tập thơ biểu lộ một ý thức tôn trọng, biết ơn người tài đức của tác giả.

103 câu lục bát là 103 lời đúc rút, lời tâm sự, lời sẻ chia của tác giả với mọi người về cuộc đời. Nhờ vận dụng sáng tạo vốn tục ngữ, thành ngữ, ca dao trong văn học dân gian trong cách diễn đạt mà 103 câu lục bát trong “Nhẫn” của nhà thơ Văn Lợi có sự nhuần nhuyễn, hấp dẫn người đọc. Đó là “Mật ngọt cho đời” mà nhà thơ muốn để dành cho tất cả.

Hồ Ngọc Diệp