.

Cần tôn tạo, nâng cấp di tích cảng Nhật Lệ

Thứ Sáu, 05/05/2017, 09:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình là nơi xuất phát của tuyến hành lang vận chuyển chiến lược chủ yếu chi viện cho chiến trường. Ngoài các tuyến đường bộ, còn có cụm cảng biển Nhật Lệ đóng vai trò, vị trí quan trọng trong tuyến đường thủy.

Từ năm 1965 đến năm 1968, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, mở chiến dịch “Rồng biển” nhằm ngăn chặn tuyến giao thông trên biển. Đường Hồ Chí Minh trở thành mục tiêu đánh phá của không lực Hoa Kỳ. Đồng Hới trở thành “tọa độ lửa” trong thủ đoạn đánh phá mới của Mỹ. Chúng thả thủy lôi, ném bom từ trường xuống phong tỏa đường sông Nhật Lệ. Cụm cảng biển Nhật Lệ là nơi trung chuyển hàng trăm nghìn tấn hàng chi viện chiến trường miền Nam từ những năm 1965 cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Tháng 12 năm 1968, Trung ương Đảng mở chiến dịch vận tải mang mật danh VT5 chi viện cho các tỉnh phía Nam, huy động 70% số tàu biển đưa hàng vào cảng Quảng Bình. Bộ Giao thông vận tải điều động vào cảng Gianh và cảng Nhật Lệ các đội tàu Giải phóng (70 tấn/chiếc), sà lan B3, B7 (800 tấn/chiếc), tàu quân sự “Tăng kít” (50 tấn/chiếc), đoàn sà lan Hồng Hà quân sự để vận tải hàng. Các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh điều động 10 chiếc thuyền buồm lắp máy loại 100 tấn/chiếc và 400 chiếc thuyền nan để chuyển tải hàng trong chiến dịch này cập bến tại cảng Nhật Lệ. Trong chiến dịch VT5, các phương tiện tàu thủy lớn nhỏ, các phương tiện cơ giới đường sông, của các tỉnh khu IV và các tỉnh phía Bắc được huy động làm nhiệm vụ vận tải hàng chi viện chiến trường.

 Bia di tích cảng Nhật Lệ.
Bia di tích cảng Nhật Lệ.

Mở màn chiến dịch VT5, tàu TK 154 có vinh dự đi làm nhiệm vụ mở đường từ cảng Hải Phòng vào đến cảng Nhật Lệ. Các đội tàu đã bất chấp thời tiết tranh thủ quay vòng để đạt năng suất cao chuyển hàng vào các cảng. Từ đây, các đoàn xe vận tải Quân khu IV dồn toàn bộ hàng từ cảng Gianh, cảng Nhật Lệ đi thẳng vào A So, A Lưới. Lúc này, cảng Nhật Lệ như một ngày hội lớn: một đại công trường, một đại trận địa bảo vệ vận tải, một đại thao trường huấn luyện chiến sĩ, một đại tổng kho hàng chiến lược. Các đoàn xe vận tải của Đoàn 559 tập kết tại các vị trí để nhận hàng. Học sinh các trường cấp 3, sư phạm, cán bộ công nhân viên Nhà nước, nhân dân gồm hàng vạn người được tổ chức thành các đơn vị bốc vác, chuyển tải ở cảng, các kho hàng, bến bãi.

Chiến dịch vận tải VT5 kết thúc ngày 31-1-1969. Kế hoạch vận tải trong chiến dịch này đạt 132.000 nghìn tấn, vượt dự kiến 12 nghìn tấn hàng. Nhân dân Đồng Hới đã cùng với nhân dân toàn tỉnh tham gia vận chuyển hàng tại cảng Nhật Lệ, dùng thuyền đánh cá để vận tải vũ khí, đạn dược, hàng hóa lên các binh trạm của Đoàn 559 chi viện miền Nam. Năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá Quảng Bình, cảng Nhật Lệ là nơi tập trung hàng hóa để chuyển tải hàng hóa chi viện chiến trường giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiện nay, các di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Di tích cảng Nhật Lệ đã được xây dựng bia biển hoàn chỉnh tại bến cảng. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hệ thống kè bên bờ sông Nhật Lệ, và công viên được xây dựng chỉnh trang, hoành tráng và bề thế. Nơi đây, các tàu đánh cá có trọng tải 200 tấn và các tàu đánh cá công suất nhỏ hơn vẫn neo đậu sau mỗi chuyến khơi xa về làm cho quang cảnh tại công viên cảng Nhật lệ càng sôi động hơn. Đặc biệt về đêm, khi ánh điện trong công viên, dọc bờ sông sáng lung linh, bến cảng và công viên Nhật lệ lại càng rộn ràng. Di tích cảng Nhật lệ bên cạnh công viên Nhật Lệ trở thành nơi vui chơi, giải trí và tham quan du lịch, thưởng lãm không khí mát lành của người dân và du khách trong những ngày hè nóng nực.

Tuy nhiên, tấm biển Di tích lịch sử cảng biển Nhật Lệ thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh xây dựng quá lâu, nay đã không còn tương xứng với các công trình của công viên Nhật Lệ mới tu bổ. Bia di tích quá thấp và bị che khuất bởi cây xanh mới trồng; mặt của bia di tích đã bị mờ, có đoạn đọc không rõ chữ.

Để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời đề cao vai trò lịch sử của di tích, để cho nhân dân thành phố và du khách tham quan du lịch hiểu rõ về truyền thống hào hùng của dân tộc, các cơ quan chức năng cần nâng cấp, tôn tạo lại bia di tích cảng biển Nhật Lệ. Bên cạnh bản tiếng Việt nên có bản phiên âm tiếng Anh để du khách là người nước ngoài hiểu rõ về di tích này. Nên chăng cần xây dựng cụm tượng đài chiến thắng về tuyến vận tải thủy của đường Hồ Chí Minh tại cảng Nhật Lệ, để góp phần phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa của tỉnh và phát triển du lịch của tỉnh.

Diệu Hồng