.

Phút cuối vẫn bùng lên ngọn lửa đam mê

Thứ Tư, 01/03/2017, 09:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Bạn đọc, bạn xem truyền hình tỉnh ta từng thưởng thức những tiết mục văn nghệ dân gian do ông biểu diễn. Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng. Đặc biệt, ông là một trong bốn trường hợp đầu tiên của tỉnh ta được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Đó là ông Phạm Ngọc Thức ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch).

Sinh năm 1935, nhà nghèo nhưng nhanh nhẹn, tháo vát, lên 13 tuổi (năm 1948) ông đã làm liên lạc cho dân quân du kích xã Cảnh Dương. Năm 1951, ông trở thành đội viên thiếu niên quân và năm 1954 là chiến sỹ du kích xã Cảnh Dương.

Người dân ở đây còn nhớ, trong trận chống càn ngày 3-6-1953, sau gần một ngày cùng với du kích quần nhau với giặc ngay trên mảnh đất quê hương bằng các loại vũ khí thô sơ, tự chế, ông đã chuyển viên đạn cuối cùng cho xã đội phó Trương Văn Thích bắn chết tại chỗ tên quan ba Pháp, làm chúng kinh hoàng, kéo lê xác chỉ huy tháo chạy.

Năm 1959, ông nhập ngũ và học tại trường hàng hải Quân chủng Hải quân. Năm 1962, ông phục vụ trên tàu chiến 187, Phân đội 7, Đoàn 135 Hải quân, đóng tại sông Gianh. Năm 1965, ông chuyển ngành về Công ty Vận tải biển Quảng Bình, làm thuyền trưởng vận tải chi viện chiến trường miền Nam.

Năm 1973-1995, ông về tham gia HTX ngư nghiệp tại địa phương. Công việc ông từng phụ trách là kỹ thuật đánh bắt, ủy viên Ban quản lý HTX, Phó ban kiểm soát, thủ quỹ kiêm thủ kho HTX. Từ 1996, ông nghỉ làm biển, tham gia các Hội Người cao tuổi, Khuyến học, CLB Unesco và các hoạt động về văn nghệ dân gian... cho đến nay.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Thức đang luyện tập cho đội chèo cạn trên bãi biển.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Thức đang luyện tập cho đội chèo cạn trên bãi biển.

Trở về quê hương, ông vừa tìm hiểu, sưu tầm, vừa tiếp tục đặt lời mới cho các làn điệu dân ca, để vận dụng phù hợp trong các lễ hội của xã, của huyện và hội diễn. Ông đã tham mưu cho UBND xã thành lập đội văn nghệ dân gian phục vụ các phong trào văn hóa văn nghệ của xã và bảo tồn, lưu giữ các hình thức biểu diễn, các di sản văn hóa phi vật thể cho quê hương; say mê tích lũy các tư liệu quý về văn nghệ dân gian như hát ru, hò chèo cạn, hò cầu ngư, cầu mùa, hò giã gạo, hò giã ruốc.

Từ năm 1980 đến nay, ông đã sưu tầm, tập hợp hàng trăm bài hát ru lời cổ, những làn điệu hò chèo cạn đặc sắc, viết lời ca mới phục vụ hàng chục lễ hội, tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn tại xã, tham gia liên hoan, hội diễn trong tỉnh, ngoài tỉnh và các chương trình của Đài THVN, Đài TNVN, Viện Âm nhạc Việt Nam, Đài PT-TH tỉnh về văn nghệ dân gian... Hàng năm, ông còn nhận giúp đỡ nhiều đoàn sinh viên thực tập, nghiên cứu về văn hóa dân gian; chăm lo trao truyền, tập luyện cho hàng trăm con em tại địa phương góp phần giữ gìn vốn quý của quê hương...

Với những cống hiến trên, ông được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, bằng khen của Chính phủ, Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa - Thông tin của Bộ Văn hóa - Thông tin, giấy khen của Viện Âm nhạc Việt Nam, bằng công nhận Nghệ nhân dân gian tiêu biểu của Hội Di sản văn hóa Việt Nam, giấy khen của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch về thành tích 10 năm hoạt động phát huy, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Đặc biệt, ngày 13-11-2015, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Thức đang lắp ghép hòn non bộ tại nhà riêng.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Thức đang lắp ghép hòn non bộ tại nhà riêng.

Phấn khởi trước sự quan tâm của cấp trên, hai năm qua, tuy sức khỏe có giảm sút nhưng ông vẫn tích cực tham gia hoạt động xã hội, nhất là các hoạt động hướng về biển đảo của Tổ quốc như sáng tác, diễn xướng phục vụ các đoàn làm phim “Hành trình biển đảo” của kênh Truyền hình QPVN, “Cổng làng tự truyện” của VTV1, “Cafe sáng...” của VTV3, “Đưa văn hóa Việt ra thế giới” của VTV4; VTV10, “Quảng Bình điểm đến” của QBTV. Ông lựa chọn giới thiệu cho địa phương bồi dưỡng những gương mặt mới, ông tranh thủ mọi thời gian để tập luyện, trao truyền cho các thế hệ, quyết không để các di sản quý báu đó bị mai một...

Sau Tết Đinh Dậu, ông thấy cơ thể bất thường, mệt và sốt cao. Mặc dù vậy, ông ý thức việc chuẩn bị cho lễ hội Rằm tháng giêng của làng xã, nên ông vừa điều trị tích cực tại trạm y tế, vừa luyện tập cho đội chèo cạn để phục vụ tốt trong ngày lễ ra quân đầu năm.

Một ngày sau hội làng, ông tự lên xe đò đi khám bệnh. Biết ông là nghệ nhân ưu tú, các bệnh nhân cùng phòng đề nghị ông cho họ thưởng thức. Dù biết sức khỏe không tốt nhưng ông vẫn gắng sức đáp ứng: “Xưa kia lam lũ cơ hàn/ Nay nhờ có Đảng, xóm làng đổi thay.../ Là hò là khoan...”. Lòng đam mê vừa giúp ông chiến thắng bạo bệnh, hoàn thành cho quê hương một lễ hội đầy ấn tượng và tại bệnh viện ngọn lửa ấy lại bùng lên. Từ niềm ước mơ có được sức khỏe thật tốt để tiếp tục cống hiến, hai dòng lệ ứa ra trên đôi mắt ông.

Chưa đầy chục ngày sau (20-2-2017), ông trút hơi thở cuối cùng. Ông đi nhẹ nhàng, thanh thản. Ông “giã’ mà không “từ”. Ông “đi” mà không “xa”. Ông vẫn sống mãi cùng người dân Cảnh Dương sóng gió chung thủy và bạn đọc, khán giả tỉnh nhà... Ngoài các kênh báo chí, truyền hình địa phương và trung ương, trên các trang mạng Facebook, Youtube... ông vẫn cất cao những câu hò gan ruột, những lời ru đằm trĩu ân tình...

Nguyễn Tiến Nên