.

Nghề chép tranh

Thứ Bảy, 25/02/2017, 16:05 [GMT+7]

(QBĐT) - “Với những ai học nghề và làm nghề về hội họa, nghề chép tranh như lối thoát cuối cùng cho cuộc mưu sinh”, anh Trịnh Ngọc Chúc, chủ phòng tranh Thiên Cảnh (đường Lý Thường Kiệt, Đồng Hới) đã chia sẻ về nghề của mình như thế. Những năm gần đây, nghề chép tranh bắt đầu có chỗ đứng ở thị trường Đồng Hới, nhưng để “đứng” được với nghề, người làm nghề cũng muôn nỗi lo toan.

Tranh chép rẻ, dễ hiểu

Trong một cuộc trò chuyện với họa sỹ trẻ Nguyễn Lương Sáng, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật (Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh), anh đã không ngần ngại chia sẻ: “Thị hiếu của người mua tranh ở tỉnh ta vẫn thiên về tranh chép hơn là tranh sáng tác. Nếu những người có điều kiện cần một bức tranh để treo thì họ nghĩ ngay đến tranh chép vì rẻ, dễ hiểu. Họ chỉ xem đó là những vật dụng để trang trí chứ chưa xem là một tác phẩm mỹ thuật. Họ không nghĩ rằng, một tác phẩm mỹ thuật tốt, thực sự là một tài sản họ có thể tích lũy”. Vậy nên, điều rất dễ hiểu là những năm trở lại đây, dòng tranh chép ở Đồng Hới bắt đầu sôi động lên, nhất là vào những dịp lễ, tết.

Dạo một vòng quanh thành phố, dễ dàng nhận thấy có hàng chục phòng tranh lớn nhỏ mọc lên. Những phòng tranh này bày bán thể loại tranh chép từ tranh danh họa, tranh phong cảnh, tranh phong thủy... Có nơi còn nhận chép theo đơn đặt hàng, chép cấp tốc theo yêu cầu của khách bất kể thể loại, đề tài, từ cổ điển cho đến đương đại; thậm chí chép cả ảnh chân dung gia đình, bè bạn, nghệ sĩ yêu thích... Phong phú nhất, với mảng tranh Việt Nam là phong cảnh sinh hoạt làng quê, chùa chiền, chợ búa, phố xá, xích lô, chân dung thiếu nữ, người dân tộc... Và vì là tranh trang trí nên để thỏa mãn được yêu cầu khách hàng, những bức tranh chép phải được pha màu sắc tươi sáng hơn so với tranh mẫu.

Nghề chép tranh cũng cần sự tỉ mỉ và năng khiếu hội họa.
Nghề chép tranh cũng cần sự tỉ mỉ và năng khiếu hội họa.

Đặc biệt, những năm trở lại đây, thị trường tranh phong thủy, tranh décor (tranh trang trí nội thất) lại được ưa chuộng hơn cả. Anh Nguyễn Hữu Thanh, chủ phòng tranh Ấn Tượng (đường Lê Lợi, Đồng Hới) cho biết, hơn 5 năm làm nghề, anh nhận thấy, thị hiếu người mua tranh có thể thay đổi tùy theo từng giai đoạn, nhưng chỉ có dòng tranh phong thủy là vẫn nhận được sự ưu ái của người mua tranh, nhất là vào dịp Tết cổ truyền. Người mua dòng tranh này ngoài mục đích trang trí còn với ước muốn cầu cho một năm mới bình yên, tài lộc.

“Mình đã có vài ba năm lang bạt ở Sài Gòn, rồi Đà Nẵng làm nghề chép tranh kiếm sống. Khi nhận thấy thị trường Đồng Hới bắt đầu ưa chuộng loại hình tranh chép này, vậy là quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Thực ra mà nói, thị trường Đồng Hới không sôi động như ở các thành phố lớn nhưng ổn định. Cũng không ít những khách hàng “chịu chơi”, họ sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để mua được một bức tranh ưng ý”, anh Thanh cho biết.

Ở Đồng Hới, một số phòng tranh lớn tập trung chủ yếu ở các tuyến phố chính như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Hai Bà Trưng... Phần lớn các phòng tranh này bày bán các sản phẩm do chính thợ của họ làm ra. Tùy theo kích thước, loại tranh mà giá bán của các loại tranh cũng khác nhau. Chỉ riêng dòng tranh décor đã có giá dao động từ 300 ngàn đến 3 triệu/bức. Đắt nhất là dòng tranh chép từ tranh các danh họa nổi tiếng. Vậy nhưng, theo một số chủ phòng tranh thì dòng tranh này khá kén người mua, vừa tại giá thành, vừa không phù hợp với thị hiếu số đông. “Khi người ta chuộng tranh chép vì rẻ và dễ hiểu, thì những dòng tranh sáng tác, thậm chí là tranh của danh họa không phải là lựa chọn hàng đầu, nhất là khi dùng để treo trong gia đình”, chủ phòng tranh trên đường Lý Thường Kiệt cho biết.

Nghề “vô thế”

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Trịnh Ngọc Chúc không đi theo con đường sáng tác chuyên nghiệp mà quyết định mở một phòng tranh để kiếm kế mưu sinh. Ra đời 7 năm nay, phòng tranh Thiên Cảnh của anh Chúc được coi là một trong những địa điểm được người mua ưa thích ghé lại. Vậy nhưng, những ước mơ nghệ thuật được đắp bồi từ những ngày đầu ngồi trên ghế giảng đường đã dần bị vùi lấp bởi chính những nỗi lo cơm áo.

Anh bảo, với những người được học hành bài bản, có năng khiếu hội họa, ai cũng muốn được thỏa thuê sáng tạo và ai cũng mơ có những tác phẩm nổi tiếng của riêng mình. Nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ”, ngay cả các hoạ sĩ thực thụ hiện cũng khó kiếm sống được bằng tranh do mình vẽ ra, trong khi đó, khách hàng lại chuộng tranh chép hơn vì giá thành rẻ.

Loay hoay kiếm việc rồi cuối cùng, anh đã quyết định gắn bó lâu dài với nghề chép tranh. Những ngày đầu, thỉnh thoảng, anh vẫn dành thời gian sáng tác đôi ba bức tặng bạn bè, vừa để thỏa mãn những đam mê xưa cũ. Nhưng lâu dần, khi bị cuốn vào guồng quay mưu sinh, thời gian dành cho sáng tác bắt đầu ít dần.

“Ai đã từng theo học Mỹ thuật, cũng có ước mơ trở thành họa sỹ. Nhưng vì cuộc sống mới phải chuyển hướng. Bạn bè trong nghề của anh vẫn thường đùa nhau rằng ai bị vô thế mới làm nghề này, dù nhiều người chép tranh vẫn có thể sống đủ đầy cùng nghề, nhưng đôi khi nghĩ lại vẫn thấy chạnh lòng”, anh Chúc chia sẻ thêm.

Dòng tranh décor hiện đang rất được ưa chuộng.
Dòng tranh décor hiện đang rất được ưa chuộng.

Có lẽ trong tất cả những lĩnh vực nghệ thuật, chỉ ở địa hạt của hội họa thì việc bắt chước tác phẩm của người khác vẫn được xã hội công nhận là một nghề. Bắt chước càng giống thì càng được coi là tay nghề cao. Đặc thù là thế nên đôi khi người làm nghề cũng lắm nỗi trăn trở: từ việc giữ tự trọng nghề nghiệp, đến việc bản quyền tác phẩm và phải làm sao để theo kịp với thị hiếu của người mua. Để hiểu được giá trị một bức tranh, người xem tranh phải có phông văn hoá và nền tảng tri thức nhất định. Số lượng khách hàng am tường nghệ thuật như thế không nhiều. Do vậy, tranh chép bao giờ cũng hướng về thị hiếu số đông, hướng đến những gì dễ cảm nhận, đại chúng và phục vụ mục đích trang trí nhà cửa là chính. “Lâu dần sẽ quen tay, mà sự quen tay sẽ giết chết dần sự sáng tạo. Đó cũng là một trong những lý do mà ở những phòng tranh bán tranh chép, vắng bóng dần những bức tranh sáng tác”, anh Nguyễn Hữu Thanh (phòng tranh Ấn Tượng) thẳng thắn bày tỏ.

Nhìn những người thợ vẫn miệt mài với cây cọ vẽ trên tay, tôi hiểu, từ sâu thẳm họ vẫn luôn hy vọng, rồi sẽ có ngày, phòng tranh sẽ bày bán những tác phẩm nghệ thuật đích thực, không chỉ của họa sỹ nổi tiếng khác mà của cả chính mình. Tất nhiên, để làm được điều đó, ngoài yếu tố tự thân còn cần sự đổi thay trong chính thị hiếu của khách hàng. Mà điều này, xem ra vẫn còn xa xôi lắm!

Diệu Hương