.

Làng

Chủ Nhật, 26/02/2017, 15:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ điển tiếng Việt xuất bản năm 1994 định nghĩa: “Làng- khối dân cư ở nông thôn làm thành một đơn vị có đời sống riêng về nhiều mặt, và là đơn vị hành chính cấp thấp nhất thời phong kiến”. Ở một đất nước kinh tế lấy nông nghiệp làm gốc, nông thôn làm chỗ dựa thì... làng rất quan trọng. Cứ theo định nghĩa trên đây thì có thể hình dung, “làng” hình thành một cách tự nhiên, theo nhu cầu vừa chủ quan vừa khách quan của “khối dân cư...”. Đối nội là để tổ chức, phân công, tôn ty, quan hệ, ứng xử với nhau. Đối ngoại là để trở thành một đơn vị (có đời sống riêng) tiếp nhận và kháng cự, về xã hội, kinh tế, văn hóa...

Dân gian dùng quen tổ từ: “làng-nước”. Làng, “đơn vị hành chính cấp thấp nhất”, là tế bào của nước. Sức mạnh của làng (trong quan niệm dân gian) có khi vượt cả quyền lực của nước: “Phép vua thua lệ làng”. Những ai từng sinh ra, lớn lên ở làng đều cảm thấy làng “đáng yêu” thân thuộc như máu thịt. Thân thuộc từ lũy tre xanh:

Lũy tre xanh xanh
Làng tôi, làng anh
Cùng giống nhau nhỉ
Có lũy tre xanh...
Chúng ta yêu lũy tre xanh
Yêu làng yêu xóm yêu anh đi cày.

Mỗi làng Việt Nam đều được bao bọc bằng lũy tre như huyền vũ che chắn gió bão, như thành lũy ngăn bước kẻ thù. Bên trong lũy tre là bản sắc làng, cả kinh tế, văn hóa không hề pha trộn. Vui buồn, hạnh phúc, đắng cay đều có làng chia sẻ. Cả khi tai họa ập đến bất ngờ, như trộm cướp vào nhà, vợ chồng xô xát bạo lực, tiếng kêu đầu tiên bật ra như vô thức: Uơ làng! Thuở trước, nhà tranh vách đất, một ngày hè nắng nôi, gió Lào thổi ngàn ngạt, nghe vẳng từ đầu xóm tiếng kêu giật giọng: Uơ làng xóm...! thế là không ai bảo ai, nam phụ lão ấu đều nhào ra đường, tay cầm xô chậu và những dụng cụ múc nước: Nhà ai cháy đấy, chữa cháy là việc gấp của cả làng.

 Làng Tân An hôm nay.                                                                     Ảnh: T.H
Làng Tân An hôm nay. Ảnh: T.H

Làng, như một ngôi nhà chung. Nhà có cổng thì làng cũng có cổng. Những người đi xa lâu ngày về, thấp thoáng thấy cổng làng, lòng đã rưng rưng, mí mắt đã nặng nặng. Những tay đại ca giang hồ hảo hớn khi trở về bước qua cổng làng là trở lại thành đứa con của cộng đồng. Đã có những vần thơ tả cổng làng đẹp đến huyền hoặc:

Chiều hôm đón mát cổng làng
Gió hiu hiu thổi mây vàng êm trôi...

...Cổng làng vài chị gái non
Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm...

...Cổng làng rộng mở ồn ào
Nông phu lững thững đi vào nắng mai

                (Thơ Trần Huyền Trân)

Quan hệ cộng đồng trong “khối dân cư ở nông thôn...” nhiều khi là lợi thế cả trong tình yêu, hôn nhân:

Đôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh

                    (Thơ Nguyễn Bính)

“Có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng mang cho”
                     (Ca dao)

Pháo đài làng

Thiết chế làng rất bền vững. Có một khái niệm vừa mang tính khoa học vừa như đúc kết dân gian: Văn hóa làng! vừa vô hình vừa hữu hình, mà dù ai, quan chức hay bình dân, trí thức hay nông phu, nếu không thấm nhuần thứ văn hóa này sẽ lập tức trả giá ngay. Cái giá đong đếm không phải bằng pháp lý hay trừng phạt kinh tế mà đơn giản là dư luận trong làng ngoài xóm, nhiều khi chỉ bằng ánh mắt, những tiếng xì xầm của người làng mà kẻ vi phạm bỏ đi biệt xứ, thậm chí quyên sinh. Bỏ rọ trôi sông! Hình phạt này chắc chắn không tìm thấy trong bất kỳ bộ luật nào, nhưng lệ làng thì có đấy. Nó thật khắc nghiệt nhưng nhờ vậy mà hàng ngàn năm giữ được lề thói “ Nữ liệt bất cánh nhị phu” (Gái liệt không thờ hai chồng); phiên Nôm ra là “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một dạ nuôi con”. Và, sự phản kháng cũng bùng phát ngay từ trong “Con nhà bà làng”:

Đôi lứa ta một làng một bụng
Tựa hồ như con gà trụng nước sôi
Dẫu lòng thầy mẹ ngồi nhà đan rọ thả trôi
Thả trôi thì thả! Thiếp không thôi nghĩa chàng

                                   (Ru con)

Rồi cũng chính từ hình phạt khắc nghiệt đối với phụ nữ “không chính chuyên’ mà ở làng biết tự điều chỉnh cho phù hợp: Đảo một cái hố nhỏ, cho người đàn bà mang bầu ngoài giá thú nằm sấp, bụng lọt xuống hố, roi đánh trên lưng người mẹ đau nhưng đứa bé trong bụng không hề hấn gì. Ôi, làng! Nghiệt ngã thay mà cũng nhân văn, sáng tạo lắm.

Ngày trước, còn phân biệt, kì thị với người ngụ cư, dù đã có đất có nhà, đã nhập “hộ khẩu” vào làng:

Đò dọc thì tránh đò ngang
Ngụ cư thì tránh trai làng cho xa

                                 (Ca dao)

Trai làng này sang tán tỉnh gái làng khác có khi còn bị trai làng ấy kết bè vây đánh. Cái sự bó hẹp trong mỗi “pháo đài cấp làng” khiến cho nhiều đôi trai gái phải than lên rằng:

Rồi mùa toóc rạp rơm khô
Bạn về nhà bạn biết nơi mô mà tìm

                                (Ca dao)

Chuyện tình cảm ấy ngày nay là... chuyện nhỏ! điện thoại, intenet... chân trời góc biển vẫn sục được, nói chi khác làng.

Cái đơn vị làng của miền Trung và miền Nam có khác miền Bắc khá nhiều. Miền Bắc là đất cổ, làng đã hình thành và tồn tại hàng ngàn năm, bền vững lắm. miền Trung, nếu tính từ Quảng Bình (nam Hoành sơn trở vào) thì mới trở về với Đại Việt từ năm 1069 khi Lý Thường Kiệt nam chinh, vua Chàm dâng ba châu Bố Chinh, Địa Lý và Ma Linh để chuộc mạng. Nam Trung bộ và Nam bộ hình thành dân cư trên lộ trình Nam tiến, từ cuối thế kỷ 17 khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh định vị đất phương Nam. Vậy mà, ngay ở đất Quảng Bình, huyện Nha Nghi (bây giờ là Lệ Thủy) do Quận công Hoàng Hối Khanh khai mở các thiết chế làng xã vào cuối thời Trần đầu thời Hồ (cuối thế kỷ 14). Đến triều Mạc (khoảng giữa thế kỷ 16), tức là mới chừng trăm rưỡi năm, làng Đại Phong bị con hói (hói nhà Mạc) đào xuyên qua cắt mất một phần đất. Phần đất bị cắt rời khỏi làng ấy không lớn, lại liền thổ với làng Tuy Lộc. Cái “sự” ấy rất dễ khiến cho nhà chức trách qua các thời ra quyết định nhập luôn vào làng mới. Ấy vậy mà không thể. Hơn 450 năm trôi qua, đất ấy vẫn là của làng Đại Phong.

Ở Tuyên Hóa cũng có chuyện tương tự. Lũ về, khiến sông chuyển dòng chảy, cắt một phần đất làng qua bên kia, mà bao nhiêu đời nay người làng vẫn qua sông canh tác trên đất “làng mình” như một phần lãnh thổ thiêng liêng. Cách nay mươi năm, để thành lập thị trấn Quán Hàu, chính quyền cắt một phần đất và dân cư của làng Văn La nhập vào thị trấn. Làng “đau” lắm. Khiếu kiện mãi không được thì làng có cách: Sinh hoạt hành chính thì theo thị trấn, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, lệ tục thì vẫn hoàn toàn theo làng. “Pháo đài làng” thể hiện rõ nhất trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Chín năm kháng chiến chống Pháp, làng Cảnh Dương, làng Cự Nẫm bị quân viễn chinh tấn công nhiều lần vẫn đứng vững nhờ chiến thuật “Rào làng chiến đấu”, trở thành biểu tượng bất khả xâm phạm của ý chí độc lập tự do, nhỏ là của làng, lớn là của nước.                                                            

Đừng để mất làng

Cái tình làng nghĩa xóm là quan trọng lắm. Có câu: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, tối lửa tắt đèn có nhau:

Nhớ bữa cơm đèn dậy từ mờ tối
Gọi nhau xin lửa qua rào

                 (Thơ Nguyễn Bao)

Ngày nay, trong tiến trình phát triển, có một xu thế không cưỡng lại được là tiến trình “đô thị hóa nông thôn”, làng thành thị tứ, thị  trấn, thị..., quan hệ láng giềng kiểu làng xóm phai nhạt dần. Cuộc sống khấm khá, có khi quan hệ phố xá hình thành trước cả tiến trình kinh tế. Ở nông thôn vẫn gọi là “làng” nhưng không còn mái tranh giàn mướp, lũy tre xanh, hàng râm bụt. Nhấp nhô tầng tầng cao thấp, kín cổng cao tường, hỏi có còn ai “gọi xin lửa qua rào”. Có vẻ như trong lịch sử hình thành đã hơn một lần “văn hóa làng” bị đứt gãy, sa sút. Đó là thời kỳ cải cách ruộng đất, cải tạo quan hệ sở hữu điền địa ở nông thôn mà quên bảo vệ quan hệ tinh thần làng xóm, Văn hóa làng bị tổn thương không ít. Tổ chức kinh tế hợp tác xã nông nghiệp một thời chồng lên đơn vị dân cư làng cũng khiến văn hóa làng chống chếnh. Gần đây, chủ trương của Đảng “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, diện mạo làng đang khởi sắc trở lại với việc xây dựng những thiết chế văn hóa như đình, đền... phục dựng, bảo tồn các vốn ca dao dân ca, lễ hội... Nhưng không thể không thận trọng hơn khi mà trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới có những chi tiết nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến diện mạo một ngôi làng truyền thống. Làm đường bê tông thì tốt, nhưng có nhất thiết phải chặt hạ hết cả lũy tre, bờ dậu, có nhất thiết phải phá đi cái bờ tường rào bằng san hô bền vững qua hàng trăm năm để thay bằng bê tông?!. Kè bờ sông cũng nên chú ý đến cây xanh hai bên bờ và độ uốn lượn mềm mại để không biến Kiến Giang, Linh Giang... thành nông giang. Các gia đình có điều kiện kinh tế khi xây nhà riêng cũng nên hài hòa với không gian kiến trúc của chòm xóm, xây tường rào, trụ cổng cũng không nên quá cách bức, lạnh lùng...

Làng tôi, vệt dân cư mỏng như lá lúa bên bờ tả ngạn Kiến Giang được lần lượt các cụ tổ theo lệnh các bậc vương hầu Hồ Hán Thương (1402), Lê Thánh Tông (1471) Nguyễn Hoàng (1558)... vào khai canh lập ấp dựng nên, qua bao biến loạn binh đao vẫn trụ vững dù trên mình mang đầy thương tích. Anh em tôi trưởng thành đi lập nghiệp cư trú nơi xa lâu mới về thăm, có người bạn vong niên ở làng hỏi: “Vườn nhà bác để hoang sao không trồng cây ăn trái lưu niên kẻo uổng đất?”, “ Trồng làm gì, để họ vào hái, phá!”, “Bác cứ trồng, cho ai hái thì hái, người làng cả, thiệt đi đâu?!”

Ôi, một câu nói hay, giản dị, đầy vị tha, vậy mà đi chân trời góc biển, sương giăng trắng phớ trên đầu, trở về làng mới thẩm được, quý hóa thay!

Nguyễn Thế Tường