.

Nước ngọt Bảo Ninh

Thứ Hai, 27/03/2017, 15:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Ba bề bốn bên là sông, biển mặn mòi, nhưng kỳ lạ thay, ở Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) “chang chang cồn cát”, thiên nhiên lại ban tặng cho một thứ vật chất vô giá, đó là nước ngọt.

Nước Bảo Ninh vừa trong vừa mát
Đường Bảo Ninh đất cát dễ đi

Đó là hai câu hát trong một bài thơ dài viết về làng biển Bảo Ninh của cố nhà thơ, con rể làng cát này, ông Dương Tử Giang.

Sở dĩ nước Bảo Ninh “vừa trong, vừa mát” là vì cát là môi trường hữu hiệu giữ nước và lọc nước của tự nhiên. Khi mưa xuống, nước ngấm vào cát. Lòng cát là cái kho lưu chứa vô tận nước ngọt, tạo thành long mạch tiềm tàng trong đất cát. Mùa mưa ở Bảo Ninh có 3 bàu nước ngọt lớn, tồn tại trên cát khoảng hơn 5 tháng. Một hồ ở Hà Thôn, một hồ ở Trung Bính và một hồ ở thôn Đồng Dương. Bởi vậy, ở Bảo Ninh, bất cứ ở đâu, đào sâu xuống đều có nước. Điều đặc biệt là ở ngay sát bờ sông Nhật Lệ có dòng nước mặn mòi, nhưng chỉ dùng chân khỏa một vũng nhỏ thì đã có nước ngọt trồi lên rồi. Đấy là điều dễ hiểu, vì theo nguyên tắc “bình thông nhau” trong vật lý, nước ở độ cao thì chảy xuống độ thấp. Những động cát cao vút xa kia, tiềm tàng mạch nước ngọt đã tứa chảy về độ thấp của bờ sông.

Do đặc điểm nước ngọt của Bảo Ninh như thế nên trước đây, người dân thường đào giếng dọc bờ sông. Mỗi xóm chỉ cần vài cái.

Theo sử cũ, năm 1460, vua Lê Thánh Tông trên đường dẫn quân đi đánh Chiêm Thành đã cho các chiến thuyền dừng lại lấy nước, nghỉ ngơi ở tả ngạn sông Nhật Lệ. Lúc đó, Bảo Ninh có tên là Hà Cừ. Vua đã để lại cho hậu thế bài thơ chữ Hán “Nhật Lệ giang”, trong đó có khung cảnh Bảo Ninh thuở ấy, tạm dịch như sau:

Trời sáng thuyền vua cũng tới nơi
Hà Cừ lũ lượt quân nghỉ ngơi
Đất cằn, cát lạnh, khi chiều xuống
Sương sa, gió vút, cỏ bời bời

Vậy là, dòng nước ngọt trong lòng cát Bảo Ninh cái thuở xa xưa ấy đã góp phần tăng cường sức lực cho quân sĩ thời hậu Lê trên đường dẹp loạn, mở rộng biên cương phía Nam của nước Đại Việt.

Bảo Ninh ngày càng khởi sắc.         Ảnh: Tiến Hành
Bảo Ninh ngày càng khởi sắc. Ảnh: Tiến Hành

Cũng theo sử cũ, trước đây, giữa lòng Đồng Hới có 3 cái đầm hồ nhỏ. Nhưng đó không phải là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân ở đây. Người ta phải di chuyển nước từ Bàu Tró vào để đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Một thời gian sau, người dân ở xứ cát Trường Sa (tên xã trước khi có Bảo Ninh) đã mở dịch vụ cung ứng nước ngọt cho người dân Đồng Hới.

Dịch vụ này chỉ thuộc về vài chủ đò ở thôn Ba Rạy (tức thôn Trung Bính ngày nay). Chủ dịch vụ cung cấp nước ngọt Bảo Ninh cho Đồng Hới thường có một chiếc ghe nhỏ, trang bị trên ghe là vài ba chiếc bôộng gỗ, dung tích mỗi chiếc khoảng 10m3. Người ta múc nước giếng đổ vào máng, máng dẫn nước xuống bôộng, khi nào bôộng đầy nước thì nhổ sào, chèo qua bên bến sông Nhật Lệ. Người Đồng Hới gánh thùng xuống ghe để mua nước ngọt. Thời Pháp thuộc, mỗi gánh nước là một đồng bạc Đông Dương. Sau hòa bình lập lại (1954), mỗi gánh là 5 hào bạc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khoảng sau năm 1960, khi Nhà máy nước Bàu Tró đi vào hoạt động, dịch vụ bán nước ngọt của Bảo Ninh cũng không còn nữa.

Tuy nhiên, việc kinh doanh nước ngọt của Bảo Ninh trên sông Nhật Lệ lại tái sinh và tồn tại cho đến hôm nay. Đó là sau ngày đất nước giải phóng, nhiều tàu thuyền Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi ra đánh cá trên vùng biển Nhật Lệ đã vào đổ hàng, ăn hàng tại chợ Đồng Hới. Một trong những mặt hàng mà các tàu thuyền đánh cá này phải “ăn” là nước ngọt. Người dân Bảo Ninh lại chuyến nước xuống đò, chèo ra cặp mạn bán nước ngọt cho các tàu đánh cá. Nhưng việc mua bán không trao đổi bằng tiền mà bằng sản phẩm cá. Bên mua đổ cá xuống lòng thuyền của chủ nước ngọt. Hào phóng hay không là do chuyến cá trở về đó được nhiều hay ít. Chủ thuyền nước ngọt mang cá lên chợ bán để lấy lại tiền.

Ngày xưa, do điều kiện kinh tế eo hẹp, khoa học chưa phát triển cao, việc đào giếng, múc nước của người dân Bảo Ninh khá vất vả, múc nước bằng gàu, chuyển nước lên nhà bằng gồng gánh. Ngày nay, ở Bảo Ninh, nhà nào cũng có giếng khoan. Nước... Bảo Ninh có độ ngọt và thanh khiết cao. Bởi vậy, người dân Bảo Ninh đi đâu, ở đâu đều nhớ đến nguồn nước ngọt của quê mình. Từ năm 2006, anh Hoàng Ngọc Lâm ở thôn Trung Bính đã mở xưởng đóng nước ngọt tinh khiết vào chai và bình mang thương hiệu “Nước ngọt Bảo Ninh”, cung cấp cho thị trường trong và ngoài thành phố Đồng Hới. “Nước ngọt Bảo Ninh” của anh Hoàng Ngọc Lâm được khách hàng ưa chuộng vì quy trình sản xuất của anh bảo đảm vệ sinh và đặc biệt là nước được khai thác từ trong lòng cát quê hương.

Nước ngọt Bảo Ninh vẫn tồn tại trong lịch sử, trong đời của con người Đồng Hới.

Hồ Ngọc Diệp