.

Mẹ và con trai

Chủ Nhật, 26/03/2017, 16:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhiều sáng mùa đông, Vinh nép bên cửa sổ, nhìn mẹ nhòa trong mưa trên con đường chưa có bóng người. Chờ mẹ khuất sau cổng đơn vị, Vinh khóa cửa, rón rén quay vô nằm với Tùng. Những lúc như thế, cậu chỉ sợ em thức giấc, không thấy mẹ, lại khóc. Nỗi sợ khiến Vinh không dám ngủ, ôm lấy em khi nghe mèo kêu, chuột chạy nơi nhà dưới.

Tầm sáu giờ, sau khi dọn cơm cho các chú ở đơn vị ăn, mẹ lật đật quay về với anh em Vinh. Lắm hôm xe xẹp lốp, mẹ chạy bộ; về đến nhà người đẫm mồ hôi, mặt bạc trong hơi thở gấp. Mẹ cho hai anh em Vinh ăn sáng, thay đồ rồi đưa tới trường. Buổi trưa, sau khi thu dọn ở bếp đơn vị, mẹ về lúc người ta sắp đi làm chiều. Anh em Vinh chỉ gặp lại mẹ vào buổi tối khi đài truyền hình bắt đầu chương trình thời sự.

Nhiều dịp, người khác vui vẻ thỏa mái, mẹ lại vất vả hơn. Khi đơn vị liên  hoan, nếu mọi người sa đà bia rượu là y rằng mẹ về khi anh em Vinh đã ngủ. Cả ngày tết, ngày lễ mẹ cũng chẳng được nghỉ trọn vẹn. Chủ nhật, thứ bảy nào Vinh đi học thêm, mẹ đi làm là phải nhốt Tùng trong nhà. Hắn bu cửa sổ, rối rít vẫy tay gọi mẹ và khóc mù trời. Mẹ đi mà đầu ngoái lại, được đoạn lại quay về. Tiếng khóc của Tùng níu lấy chân mẹ; mẹ đành bồng Tùng vào đơn vị. Vào đó, nó vọc nước, ướt hết cả người, hôm sau lăn ra ốm, lại càng khổ mẹ.

Cũng như mẹ, ba Vinh là bộ đội nhưng ở xa. Mỗi lần ba về nhà vui lắm. Mẹ quấn lấy ba nói chuyện không dứt, cả khi ba đang tắm. Tiếng vòi nước xả rào rào trong buồng tắm lẫn tiếng xèo xèo của chảo dầu trên bếp làm át tiếng nói, khiến hai người “hả” “hả” vang nhà. Lúc sum họp, mẹ như muốn nói cho thỏa, bù những khi chỉ ba mẹ con với nhau. Mẹ nói với ba, con trai ít tình cảm, không quấn quýt thỏ thẻ như con gái. Lắm hôm mẹ ốm, gọi con rót nước cũng không được. Đã thế, mẹ phải cố gượng dậy nấu cơm cho hai đứa rồi đi nằm, chẳng ăn. Trong câu chuyện về con cái, nhiều người khoái làm ông nội, mẹ thì ngược lại. Những chủ gia đình có “cơ cấu” “ba bà một ông” trề môi trước ước mong thành thật của mẹ: “Bà có hai thằng giặc rồi, nói sao chả được!”

Ba bảo, với con trai, phải rèn nghiêm, kể cả dùng liệu pháp sốc “cho roi cho vọt”. Mẹ nghe hững hờ, vẻ không mặn mà với chủ trương cứng rắn. Mẹ bảo, đi làm mà cứ phập phồng lo cho hai đứa ở nhà, cứ sợ chúng táy máy vào điện hoặc qua đường không ngó trước ngó sau, rồi cơm nước, tắm rửa... Xong việc, về thấy con bình yên là mừng, rồi lo cho chúng; nỡ lòng nào cầm roi hay nạt nộ. Để yên lòng người đi xa, mẹ cười bảo: “Cha mẹ đều ngoan, hẳn con không hư đâu, anh”.

Minh họa
Minh họa: Tiến Hành

Quả là anh em Vinh luôn đem lại cho người thân niềm vui từ kết quả học tập. Hằng năm, hai đứa thi nhau rinh phần thưởng của trường, của gia tộc, của cơ quan ba mẹ. Phần thưởng dù chỉ mấy quyển vở hay hộp bút chì màu, mẹ cũng ngắm soi, mắt ngời mãn nguyện. Mẹ cất từ quyển vở học lớp một quăn góc rách bìa đến cái cặp đứt quai, từ cái bảng con tróc sơn đến những đồ thủ công do Vinh làm. Phiếu bé ngoan của hai anh em, chiếc khăn quàng đỏ dính đầy mực của Vinh ngày bé, những tấm ảnh Vinh chụp với lớp giờ lạ đến nhận không ra... mẹ đều nâng niu, giữ làm kỷ niệm. Tầm cuối năm học, khi ba về, mẹ lại lật đật qua hàng xóm mượn thang để ba đóng đinh treo bằng khen, giấy khen của con lên tường. Nhìn những tấm giấy vinh danh ấy, Vinh như được tiếp sức trong cuộc đua với bạn.

Điều Vinh giấu kín, ba chẳng hay, mẹ càng không biết là cậu ái ngại mỗi khi nhắc tới công việc của mẹ. Trong những bản tự khai, thay vì ghi “nhân viên nấu cơm”, cậu ghi chung chung “bộ đội” vào cột nghề nghiệp của mẹ. Nghĩ cảnh mẹ tất bật với củi lửa, rồi lăng xăng bưng bê, lau rửa như bao người phục vụ trong quán ăn thường thấy, Vinh chạnh lòng. Tới nhà bạn, nhìn những xe ô tô bóng nhoáng để trong sân, nghĩ tới chiếc xe đạp giống như cổ vật của mẹ, bỗng dưng cậu rụt rè, khép nép. Thấy ba mẹ bạn là kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân... Vinh phấp phỏng lo bị hỏi mẹ làm gì.

Ngược lại với con, mẹ chẳng ngại khi nhắc tới công việc của mình. Đã có lần mẹ đi họp lớp cũ, cho Vinh theo cùng. Trong khi các bạn đồng môn hào hứng kể về nghề nghiệp của mình thì mẹ tươi cười, chỉ nói đúng một câu: “Hầu như ngày nào ai cũng vào bếp nấu cơm và đó cũng là công việc của tôi; vậy nên có gì đáng kể đâu”. Những lần họp lớp sau đó, mẹ xung phong đi chợ, nấu nướng tại nhà thay vì ra nhà hàng. Ai cũng khen mẹ nấu ngon, suốt bữa mẹ vui lắm. Rượu vào, có chú kéo ghế chen vô ngồi cạnh mẹ, nhắc lại kỷ niệm xưa: “Hồi đó tôi khoái bà lắm nhưng đứng trước người đẹp miệng cứ cứng lại như bị trúng gió nên chịu...” Chú khác cầm li bia tới cụng với mẹ; nghe mẹ nói không uống được, chú nửa đùa nửa thật: “Bà chỉ cần nhấp môi, nhấp chỗ nào thì làm dấu để tôi uống đúng chỗ đó”. Sau khi “trăm phần trăm”, chú nhìn mẹ tươi cười: “Ngày xưa, tôi cũng kết bà nhưng ngôn từ bất lực trước cảm xúc nên lỡ duyên...” Mẹ huých tay đẩy chú ra, lắc đầu, bĩu môi: “Xạo! Hồi trẻ các ông thích những sau này thấy tôi suốt ngày quanh quẩn nơi xó bếp với dầu mỡ lọ nghẹ tèm lem nên chê chứ gì!?” Thế là cả lớp cùng cười.

Giữa năm lớp 12, Vinh hỏi mẹ nên thi trường nào và được trả lời “phải hỏi ba và con tự liệu khả năng của mình”. Vinh muốn học trường nào để sau này có việc làm nhàn, lương cao, lại oách nữa. Nhưng theo mẹ, việc nào cũng có vất vả riêng và khi hết lòng với nó, tất sẽ có niềm vui. Ngày nhận tin con đậu đại học báo chí, mẹ mừng lắm, miệng cười mà hai hàng nước mắt chảy dài. Mẹ ôm Vinh vào lòng, giọng rưng rưng: “Đời mẹ vì nghèo vì chiến tranh mà thất học; nay con đã làm được điều mẹ mơ ước...”

Năm học thứ ba, Vinh đi thực tập. Mỗi tuần nộp một tin một bài- định mức tòa báo đưa ra quả không dễ với người đang mon men vào nghề như cậu. Theo Vinh, khó khăn đầu tiên đối với người làm báo là tìm đề tài. Có những điều gần gũi, tưởng chẳng có gì đáng nói nhưng khi thấy đưa lên báo, cậu giật mình. Loay hoay, nhức đầu vẫn chưa có được những đứa con tinh thần ưng ý, Vinh bắt đầu nếm nỗi khổ của nghề viết. Lại nữa, ngay hôm mới lớ ngớ về tòa soạn, cậu chứng kiến anh biên tập trả lại bài cho một phóng viên: “Sáng mai báo ra thì chiều nay lễ đã bế mạc, còn đưa tin hoạt động chào mừng ngày lễ gì nữa!? Làm tin khác!”
Nghĩ tới thời khắc báo lên khuôn đến gần nhưng phải “cày” cho có bài nộp đúng hạn, Vinh choáng thay cho đồng nghiệp kia. Bấy giờ, niềm vui của cậu khi thấy tên mình trên báo rồi được gọi là nhà báo qua nhanh; thay vào đó là nỗi lo về những bài viết mới luôn lơ lửng.

Những ngày Vinh thực tập thì mẹ ốm, ốm liệt giường. Đôi chân từng đi sớm về trưa, giờ vịn giường lần từng bước, run run. Đôi tay không quản việc nặng việc nhẹ, giờ cầm muỗng cháo đưa lên miệng cũng khó. Ba nghỉ phép, cùng Vinh chăm sóc mẹ. Các cô chú đơn vị mẹ tới thăm đông.

Hôm cô Tuyết, bếp trưởng của mẹ vào thăm, đem đến tin vui-chiều nay, đơn vị vừa bầu mẹ là chiến sĩ thi đua. Mẹ không báo cáo thành tích được, cô phải báo cáo thay. Đôi môi khô mấp máy “cảm ơn”; bàn tay gầy thấy cả gân xanh nắm lấy bàn tay đồng nghiệp. Mẹ giật mình, tròn mắt, hỏi lại “tôi có gì đâu mà viết”; khi nghe cô Tuyết bảo ngày mai có phóng viên báo quân đội đến gặp mẹ tìm hiểu, viết bài. Cô nói, mấy năm gần đây ngành hậu cần quân khu chưa có nhân viên nấu cơm nào năm năm liền được bầu là chiến sĩ thi đua như mẹ. Cô động viên: “Họ muốn viết, cứ để họ viết, có gì đâu mà ngại”. Bất chợt, cô quay sang Vinh: “Chà, có nhà báo tại gia đây nè...” Cô dừng lời rồi vỗ vai Vinh: “Cháu tìm gương người tốt việc tốt ở đâu cho xa; ngay trong nhà cháu đó!”

Nhớ những lần mẹ ôm bằng khen giấy khen về xếp đầy trên nóc tủ nhưng Vinh chẳng bao giờ để ý; nhớ lại những mặc cảm mỗi khi nhắc tới nghề nghiệp của mẹ, cậu bỗng cúi mặt, quay đi.

Hôm nhà báo đến phỏng vấn mẹ, Vinh liên tục bị bất ngờ. Có bao điều tốt đẹp về mẹ đến giờ cậu mới biết; càng biết càng hổ thẹn đến lặng người.           

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt