.

Loa phường: Bỏ có thương, "sương" có nặng?

Thứ Bảy, 25/03/2017, 15:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại Hà Nội, sau khi tiến hành khảo sát với 3.000 ý kiến, đã có gần 90% cho rằng không nhất thiết phải duy trì loa phường. Đó là câu chuyện của thủ đô Hà Nội với hơn 7,5 triệu dân. Vậy tại Đồng Hới, việc duy trì phương tiện thông tin truyền thống này liệu có thực sự còn cần thiết?

Chuyện xưa, chuyện nay

Chúng tôi đưa câu hỏi đó đi gặp ông Văn Lợi (Hội VHNT tỉnh) - người có nhiều năm gắn bó với ngành Văn hóa – Thông tin tỉnh nhà. Ông khẳng định chắc nịch: Phải giữ lại! Chuyện về loa phường, loa xã là cả một câu chuyện dài, thấm đẫm cả cái bi hùng của quá khứ chống giặc Mỹ xâm lược và cũng đầy tính thực tế trong hiện tại.

Ông kể, đó là những năm giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, ở mảnh đất Quảng Ninh có ông Từ Sĩ Soán, người đã dũng cảm cầm loa truyền thanh di động đi khắp các làng quê lân cận để tuyên truyền, hô hào khẩu hiệu chống giặc. Cũng từ chiếc loa bé nhỏ của ông, những thông tin chiến thắng ở khắp các mặt trận trong Nam, ngoài Bắc được chuyển tải đến với nhân dân. Cùng với ông Soán, hệ thống loa truyền thanh cơ sở từ khắp các vùng quê miền núi, vùng biển đến đồng bằng đã tạo thành thứ thanh âm quen thuộc mà thiêng liêng trong những ngày mịt mù khói lửa chiến tranh. Cùng với giới tuyến Vĩnh Linh (Quảng Trị), mảnh đất Quảng Bình cũng hòa chung với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom, tiếng loa hòa tiếng súng”. Cứ như thế, loa xã, loa phường trở thành một vật quý giá không tách rời chính đời sống và cuộc chiến đấu thần thánh của quân và dân ta ngày ấy.

Hai loa truyền thanh cùng quay về một hướng khiến người dân bức xúc.
Hai loa truyền thanh cùng quay về một hướng khiến người dân bức xúc.

Đó là câu chuyện của cách đây hàng chục năm trước khi loa truyền thanh còn là thứ phương tiện truyền tin hiệu quả và hiện đại nhất. Đến hôm nay, phải chăng loa phường, loa xã đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử khi mà cùng với sự tồn tại bền bĩ của nó là sự bùng nổ của hàng loạt các phương tiện thông tin, truyền thông khác? Sự nhanh nhạy của công nghệ mới đã đẩy dần loa phường tụt lại phía sau. Người người, nhà nhà bị bủa vây giữa mênh mông thông tin từ internet, báo hình, mạng xã hội... đã vô tình lãng quên đi thứ phương tiện truyền tin vốn đã thủy chung gắn bó với họ hàng chục năm qua.

Tại các vùng quê xa xôi, nơi mà các phương tiện truyền thông hiện đại còn khá dè dặt thì vai trò của hệ thống loa truyền thanh cơ sở là điều không cần bàn cãi. Nhưng tại Đồng Hới, nơi mà các phương tiện truyền thông điện tử phát triển mạnh mẽ thì giữa sự mông lung giữa việc bỏ hay giữ lại loa phường, nhiều người vẫn một lòng quyết giữ. Ông Nguyễn Quang Lương, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 4, phường Nam Lý khẳng định. “Loa phường quan trọng chứ, nhất là với những người hưu trí, những người “mù tịt” internet như chúng tôi. Nhờ loa phường, chúng tôi nghe được các chương trình truyền thanh của Đài tỉnh, thành phố. Cũng nhờ loa phường, chúng tôi nắm bắt được các thông tin kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương, nghe được các thông báo từ cấp trên mà thực hiện. Đó là chưa kể đến việc, mỗi sáng thức dậy, nghe được một ca khúc, một chương trình văn hóa, văn nghệ ca ngợi về quê hương, đất nước cất lên từ loa truyền thanh, cảm giác lúc đó rất khó tả”.

Lỗi không ở cái loa!

Theo số liệu thống kê từ Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Đồng Hới, hiện tất cả các xã, phường trên địa bàn đều có đài truyền thanh cơ sở. Tuy nhiên, điều đáng nói là hơn ½ trong số đó đều có một vài cụm loa đang trong tình trạng hỏng hóc, phát sóng yếu. Tất cả những cụm này lại đều tập trung ở các xã, phường ở ngay trung tâm thành phố. Có một thực tế là hệ thống truyền thanh cơ sở ở Đồng Hới hoạt động mỗi nơi mỗi kiểu. Tùy điều kiện kinh phí, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương mà hệ thống này hoạt động tích cực hay cầm chừng. Ông Nguyễn Quang Lương, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 4, phường Nam Lý cũng thẳng thắn thừa nhận: Loa phường cần thiết nhưng hoạt động còn chưa thường xuyên!

Sau nhiều năm hoạt động, máy móc xuống cấp đã đành, cán bộ, nhân viên chắp vá, nhất là ở xã, phường thì thường là cán bộ kiêm nhiệm, hoạt động bán chuyên trách, ít được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ nên kỹ năng khai thác thông tin, viết bản tin không hiệu quả, chất lượng của chương trình truyền thanh không cao. Đó là chưa kể đến việc xây dựng thời gian phát sóng cũng không theo giờ giấc cụ thể nào. Có địa phương, nhiều người dân phàn nàn rằng nhiều bữa mùa đông, mới 5 giờ sáng, họ đang ngủ ngon giấc, bỗng giật thột vì tiếng loa truyền thanh oang oang đầu ngõ. Cũng có lúc đang tập trung theo dõi chương trình thời sự buổi tối thì bị chen ngang bởi tiếng loa rè rè, giọng phát thanh viên lại thiếu truyền cảm, tin bài không theo bố cục cụ thể nào.

Nhắc đến việc duy trì hay bỏ luôn hệ thống loa phường, bà Phạm Thị Dục (65 tuổi, ở đường Lê Văn Hưu, Đồng Hới) tỏ ra khá bức xúc. Theo bà, suốt thời gian qua, mặc dù tuổi đã cao lại mang nhiều chứng bệnh nhưng vợ chồng ông bà phải chịu đựng tiếng loa phát thanh từ hai chiếc loa phường được đặt ngay trước cổng nhà. Điều nghịch lý là thay vì hai loa chĩa về hai hướng để giảm bớt âm lượng thì chúng lại đều được chĩa thẳng vào nhà bà. Không chịu nổi với tần số âm thanh quá lớn, ông bà đã đề cập vấn đề này lên tổ dân phố nhưng câu trả lời nhận được là ở những nơi khác, không có cột để treo! Vậy là từ đó đến nay, không chỉ gia đình bà mà cả những hộ dân dọc tuyến phố ấy đều phải chịu đựng âm lượng “khủng” phát ra từ hai chiếc loa phát thanh đặt sát bên nhau ấy. Trong khi một số tuyến phố lân cận khác lại không được lắp đặt một chiếc loa nào.

Rõ ràng, vấn đề ở đây không phải là việc “bỏ thì thương, sương thì nặng”, càng không phải việc loại bỏ hoàn toàn loa phường ra khỏi đời sống mà phải sử dụng nó như thế nào cho hiệu quả? Nói như ông Văn Lợi, thì lỗi không phải tại ở cái loa mà ở người vận hành và sử dụng chúng. Loa đặt ở đâu cho phù hợp, phát nội dung gì, thời lượng bao nhiêu mỗi ngày mới là điều đáng bàn luận và tìm giải pháp tháo gỡ để loại hình truyền thông truyền thống này phát huy hiệu quả trong đời sống hôm nay. “Hà Nội bỏ loa phường vì Hà Nội lớn hơn Đồng Hới chúng ta rất nhiều lần cả về nhiều phương diện. Loa truyền thanh cũng là di sản của cha ông trong quá khứ để lại, nhưng không phải là di sản chỉ cần được bảo tồn mà còn cần được phát triển”, ông Lợi khẳng định.

Diệu Hương