.

Bảo tồn di sản văn hóa để phát triển du lịch

Thứ Năm, 02/03/2017, 08:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Di sản văn hóa được coi là nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là trong hoạt động du lịch. Khai thác di sản văn hóa trong hoạt động du lịch phải bảo đảm tăng trưởng, nhưng không được để lại những hậu quả tiêu cực cho di sản văn hóa và môi trường. Vì vậy, cần phải cân bằng giữa phát triển du lịch và gìn giữ di sản văn hóa.

Quảng Bình có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đa dạng, bao gồm tài nguyên thiên nhiên và nhân văn. Hiện nay, ngoài Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, toàn tỉnh có khoảng 700 di sản văn hóa phi vật thể, 52 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 60 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh, cùng nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc của vùng quê sông nước.

Trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2015 cho các nghệ nhân.
Trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2015 cho các nghệ nhân.

Vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch thời gian qua và nhất là trong dịp Tết Đinh Dậu đã phản ánh rõ, số lượng khách du lịch tâm linh đến các lăng mộ, đền, chùa... tăng mạnh. Các lễ hội đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến vãn cảnh, du ngoạn và tham gia. Hiện nay, ngoài hai lễ hội cấp tỉnh đã được công nhận là lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và lễ hội rằm tháng ba Minh Hóa, Sở Văn hóa và Thể thao đang hoàn tất các hồ sơ, thủ tục để đề xuất diễn xướng dân gian hò khoan Lệ Thủy là văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, Đảng ta luôn coi trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Du lịch và di sản văn hóa có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, di sản là động lực, nguồn tài nguyên quan trọng của du lịch, du lịch tác động trở lại di sản văn hóa theo hai hướng: giữ gìn và phát huy, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa; hoặc làm cho giá trị di sản văn hóa xuống cấp.

Huyện Lệ Thủy có hai lễ hội lớn là lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và lễ hội chùa Hoằng Phúc đã thu hút rất đông số lượng du khách đến tham dự. Và đặc biệt, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang vào dịp lễ Quốc khánh phần lớn đã được xã hội hóa. Lễ hội này có được lượng du khách tham dự đông chính là nhờ công tác giữ gìn, trùng tu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa.

Huyện Quảng Trạch cũng là một trong những địa phương làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, lượng du khách đến dâng hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh tăng hơn năm trước. Có được điều đó là nhờ địa phương đã biết quản lý chặt chẽ các hình thức mê tín dị đoan, tranh cướp lộc, đọc sớ thuê... và đã giữ gìn được sự tôn nghiêm, tính lịch sử và làm tốt công tác bảo vệ môi trường ở các địa điểm di sản văn hóa.

Một tiết mục biểu diễn của Câu lạc bộ ca trù Đông Dương (Quảng Phương - Quảng Trạch).
Một tiết mục biểu diễn của Câu lạc bộ ca trù Đông Dương (Quảng Phương - Quảng Trạch).

Kế thừa thành công của năm 2016, thành phố Đồng Hới đang hướng đến Tuần lễ Văn hóa- Du lịch Đồng Hới năm 2017 với nhiều chương trình và lễ hội đặc sắc như: lễ hội diễu hành đường phố và múa bông chèo cạn, lễ hội “Ẩm thực đường phố”, lễ hội cướp cù... Bên cạnh các lễ hội là các hoạt động thể thao như: giải bóng chuyền bãi biển nữ, giải kéo co bãi biển, giải đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ...

Đặc biệt, lần đầu tiên Ban tổ chức mạnh dạn đưa vào nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mới, vừa có tính phục dựng, bảo tồn vừa mang đậm phong cách bình dân, trong đó đáng chú ý là hội bài chòi với sự tham gia của các nghệ nhân dân gian và người chơi chính là người dân cùng du khách.

Trong thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đã được các cấp, các ngành trong tỉnh hết sức quan tâm và giữ gìn. Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đòi hỏi sự sáng tạo và khả năng linh hoạt cho từng di sản văn hóa cụ thể. Những kết quả ấy được thể hiện trên các mặt: bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn và khai thác hệ thống di sản tư liệu, di sản cổ vật; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản.

Phát triển du lịch có trách nhiệm là một trong những giải pháp trụ cột nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững. Quan điểm chủ đạo này đã được đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định “Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc...”. Thực hiện quan điểm phát triển này, du lịch tỉnh Quảng Bình đã và đang tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm bảo đảm cho phát triển du lịch đồng thời tạo động lực và nguồn lực cho bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa.

Hà Minh Điền