.

Người yêu điệu hát quê hương

Thứ Sáu, 25/11/2016, 15:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở tuổi 65, ông Võ Anh Tý (Bảo Ninh, Đồng Hới) vẫn say mê với những làn điệu dân ca, lặng thầm truyền lửa cho bao thế hệ con cháu. Gần trọn cuộc đời gắn bó với những lời ca, điệu hát quê hương, ông bảo rằng những thanh âm mộc mạc ấy đã thấm vào máu thịt, vào tâm hồn ông, thiết thân như thể vị mặn mòi của biển cả quê mình.

Ông là 1 trong 37 nghệ nhân được Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian tỉnh (đợt 2) vào đúng ngày lễ kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Niềm vui ấy là sự ghi nhận những đóng góp miệt mài của ông trong suốt mấy chục năm qua trong việc bảo tồn, truyền dạy làn điệu dân ca quê nhà. Sinh ra nơi mảnh đất bên chân sóng – làng Sa Động, xã Bảo Ninh, ngay từ những ngày nhỏ, những thanh âm của biển như điệu hò chèo cạn, rồi điệu hò khoan cứ thấm dần vào máu. Ông bảo, chẳng nhớ cụ thể từ khi nào chỉ biết ngày còn bé lắm, ông đã theo chân mấy nam thanh, nữ tú trong làng đi xem họ hát, họ múa. Rồi những dịp lễ hội cầu ngư, đắm chìm trong những lời ca, điệu múa bông nhịp nhàng, những nét đẹp văn hóa ấy dần ăn sâu vào tiềm thức, rồi trở thành niềm đam mê trong cậu bé làng biển lúc nào chẳng rõ.

Niềm đam mê ấy cùng ông lớn lên, theo ông trên cả bước đường quân ngũ. Những năm là chiến sỹ Bộ đội Biên phòng, ông Võ Anh Tý vẫn miệt mài và say sưa đàn hát. Ông trở thành cây hát dân ca nổi tiếng trong lực lượng vũ trang của tỉnh Bình Trị Thiên lúc bấy giờ. Hội diễn nào cũng có sự tham gia của người đàn ông với làn da sạm màu biển cả nhưng giọng hát thì ngọt ngào, da diết lạ. Ông vừa hát hay, vừa có thể viết được lời cho tất cả những làn điệu dân ca Bình Trị Thiên. Ông Tý bảo, cả đời theo nghiệp hát hò, nhưng có lẽ với ông, khó khăn nhất không phải hát làm sao cho hay ho, ngọt ngào mà phải truyền tải được linh hồn của từng điệu hát ấy. Bởi dân ca, vốn dĩ là di sản của bao thế hệ cha ông, là tinh túy của tổ tiên ngàn đời vọng lại. “Nhất là điệu hò khoan, vốn sinh ra trong chính đời sống lao động sản xuất và rồi cuối cùng, điệu hò ấy cũng quay trở lại phục vụ cho đời sống sản xuất. Nó bình dị nhưng da diết, nghe được, hiểu được là say”, ông Tý gật gù.

Ông Võ Anh Tý trọn đời đam mê với làn điệu dân ca quê hương.
Ông Võ Anh Tý trọn đời đam mê với làn điệu dân ca quê hương.

Nhìn ông Tý, chẳng ai nghĩ người đàn ông rắn rỏi, cao lớn, nói rặt giọng kẻ biển lại có thể sở hữu giọng hát ngọt ngào đến vậy. Trời phú cho chất giọng hiếm có, lại có niềm đam mê sẵn trong máu thịt, nên chẳng bao giờ ông thôi tình yêu với đàn, hát dân ca. Sau những năm tháng tham gia quân ngũ, trở về quê, ông làm nghề đông y chữa bệnh cứu người. Những chật vật cơm áo cứ cuốn ông đi với những bận bịu đời thường nhưng chẳng bao giờ ông thôi đàn hát. Đam mê câu hò điệu hát của làng, nên nơi mảnh đất bên chân sóng này, ông Tý vẫn là một trong những người giữ lửa cho văn hóa làng biển. Cùng với công việc thường ngày là bốc thuốc chữa bệnh cho người dân, ông còn tích cực tham gia các hội diễn nghệ thuật dân gian do xã và thành phố tổ chức. Ông thể hiện rất tốt các điệu hò như hò mái ba, hò nện... và luôn đảm nhận vị trí hò chính trong lễ hội cầu ngư của xã Bảo Ninh. Giữa sân khấu cuộc đời, giọng hò của ông đã làm mê đắm biết bao người yêu hò khoan nhưng có lẽ với ông, sân khấu lung linh nhất vẫn là giữa những trảng cát dài quê hương. Ở đó, điệu hò làng biển như được chắp cánh để ngân nga hơn, da diết hơn.

Nặng lòng với văn nghệ truyền thống, ông cùng những người có chung sở thích đã tích cực tìm tòi, nghiên cứu những giai điệu cổ, những giá trị văn hóa mang bản sắc của làng để rồi lưu giữ và làm sống lại những giá trị tưởng chừng như đã bị lãng quên. Những ngày về hưu, với năng khiếu bẩm sinh và tình yêu đối với nghệ thuật, ông say mê góp mặt trong tất thảy các hội diễn địa phương và tích cực truyền đạt các thể loại hò biển cho những người có năng khiếu để phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, người đàn ông miền biển ấy cứ nhắc hoài câu nói: “Làn điệu dân ca nào cũng có cái hay của nó, mang nặng linh hồn của mảnh đất nơi sinh ra và nuôi dưỡng nó”. Ông cũng bảo rằng muốn hát hay điệu hò quê hương thì điều cần thiết là phải hiểu nó, nắm được cái chất thẳm sâu trong mỗi làn điệu, nắm được cái hay và thấu được hồn cốt ấy.

Trong căn nhà lồng lộng gió thổi vào từ dòng Nhật Lệ, ông say sưa hát cho những người khách trẻ tuổi là chúng tôi nghe một vài trích đoạn dân ca. Điệu hát hòa vào tiếng gió, tiếng sóng vỗ rì rào. Và cũng như bao nghệ nhân gắn bó trọn đời với duyên nghiệp cầm ca xứ Quảng, ông Tý cứ đau đáu mãi nỗi niềm của người “truyền lửa” rằng một mai, khi thế hệ như ông không còn nữa, lấy ai để “giữ lửa” những làn điệu dân ca quê nhà?

Diệu Hương