.
Nhân kỷ niệm ngày di sản văn hóa việt nam (23-11):

Thắp sáng ngọn lửa di sản văn hóa dân tộc

Thứ Hai, 21/11/2016, 10:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Hội Di sản văn hóa Quảng Bình được thành lập năm 2007. Từ đó đến nay, Hội đã thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa và phát triển tổ chức hội, hội viên. Toàn tỉnh hiện tại có 6 hội ở địa bàn Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh và 7 chi hội gồm các đơn vị: Lệ Thủy, đại học Quảng Bình, Văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng tỉnh,  Ban Quản lý di tích tỉnh, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng,  Văn phòng Hội Di sản văn hóa Quảng Bình. Số hội viên đã lên tới trên 300 hội viên.

Trong quá trình hoạt động, các hội, chi hội DSVH đã chủ động sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn sưu tầm, bảo tồn gìn giữ di sản quý báu ở đơn vị, địa phương mình. Nhiều cuốn địa chí viết về các làng quê, nhiều hiện vật, thư tịch cổ được sưu tầm đã làm phong phú thêm hoạt động của Hội. Có thể kể đến những cố gắng của các Hội DSVH huyện Minh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Chi hội Bảo tàng tỉnh, Chi hội Ban quản lý Di tích tỉnh... Nhờ những cố gắng không mệt mỏi của nhiều nghệ nhân tâm huyết, các làn điệu dân ca đã được sưu tầm phổ biến rộng rãi. Một số làng văn hóa còn giữ được nét đẹp của phong trào văn nghệ quần chúng như làng văn hóa Quảng Xá (Tân Ninh - Quảng Ninh). Từ trong phong trào quần chúng, nhiều nghệ nhân đã có nhiều đóng góp cho phong trào và đã được tôn vinh. Tiêu biểu như các nghệ nhân: Phạm Thị Niếu (huyện Bố Trạch); Phạm Văn Thức (huyện Quảng Trạch); Nguyễn Thị Lý (huyện Lệ Thủy); Đặng Thị Hới (Lệ Thủy)...

Tuy vậy, hoạt động của các cấp hội, chi hội DSVH ở tỉnh ta vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn. Ý thức của xã hội đối với vấn đề bảo tồn phát huy giá trị DSVH chưa cao, còn có biểu hiện chưa coi trọng DSVH, thậm chí có một số địa phương còn để tình trạng mai một xuống cấp các công trình DSVH, nguồn kinh phí giành cho hoạt động của các hội, chi hội DSVH rất ít. Do điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế-xã hội, ở tỉnh ta, một số đơn vị hội, chi hội không có điều kiện kinh phí để hoạt động. Mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trên lĩnh vực này không nhiều. 4 nghệ nhân ưu tú đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu kể trên vẫn chưa có nguồn phụ cấp nào. Đó là những nỗi trăn trở của những người làm công tác DSVH.

CLB hò khoan Lệ Thủy biểu diễn tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí năm 2016.
CLB hò khoan Lệ Thủy biểu diễn tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí năm 2016.

Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, Hội DSVH tỉnh Quảng Bình đề ra những định hướng sau:

Thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016- 2020 về việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng đến mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên du lịch, Hội sẽ phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa với gắn với phát triển du lịch. Năm 2017, Hội sẽ phối hợp với sở Du lịch tỉnh tổ chức hội thảo khoa học: “Từ sản phẩm văn hóa đến sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”; đăng ký và thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh: Đánh giá thực trạng và đề xuất các giãi pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triền du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; tiếp tục bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể trên các vùng quê như các câu lạc bộ ca trù, các làn điệu dân ca, dân vũ, hát ví, đúm, sắc bùa, hò thuốc, các điệu hò biển, hò kéo nốc..., quảng bá vinh danh làn điệu hò khoan Lệ Thủy...

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội là chuẩn bị các bước và thủ tục cơ bản để tiến hành đại hội các chi hội cơ sở tiến tới Đại hội Hội DSVH tỉnh Quảng Bình năm 2017; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về ý nghĩa của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình, các bài viết giới thiệu về hoạt động của các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương, đơn vị; tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa của địa phương nhằm nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hội sẽ phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao tổ chức tọa đàm và trao giấy chứng nhận nghệ nhân dân gian tỉnh Quảng Bình đợt hai cho 37 nghệ nhân dân gian tỉnh đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn, phổ biến, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua.

Lê Hùng Phi
(Chủ tịch Hội DSVHVN tỉnh Quảng Bình)