.

"Ai về đất võ mà xem..." - bài 2

Thứ Tư, 01/06/2016, 08:40 [GMT+7]

Bài 2: Khi văn hóa là thế mạnh phát triển du lịch

(QBĐT) - Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Đoan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thẳng thắn nhìn nhận: “Nếu chỉ dựa vào du lịch biển thì du lịch Bình Định thực sự rất khó có điểm nhấn, nếu không muốn nói là không! Bởi vậy, chúng tôi xác định bề dày văn hóa chính là thế mạnh để du lịch Bình Định phát triển”.

Nhiều năm qua, chính quyền các cấp và nhân dân Bình Định vẫn ngày đêm nỗ lực giữ mạch nguồn văn hóa, để những tinh hoa cổ xưa ấy cùng thức dậy, thao thiết chảy trong chính dòng chảy văn hóa quê hương, để cùng làm nên thế mạnh phát triển ngành du lịch hôm nay.

Những trầm tích văn hóa

Có lẽ hiếm có vùng quê nào như Bình Định khi cùng lúc sở hữu nhiều loại hình văn hóa truyền thống đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tại Bình Định, hát bội, võ cổ truyền đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Riêng bài chòi, trong năm 2015 đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng với nhiều lễ hội dân gian độc đáo khác, Bình Định còn lưu giữ hệ thống di tích, công trình ghi dấu lịch sử và quá trình giao lưu văn hóa, trong đó có không gian tháp Chăm rêu phong, Bảo tàng Quang Trung, Đàn tế trời đất trên núi Ấn Sơn và nhiều đền, đài, miếu mạo cổ kính. Thừa hưởng một mạch nguồn văn hóa đồ sộ và cổ xưa cùng với hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa Bình Định vừa lan tỏa, vừa tiếp nhận những giá trị của nền văn hóa khác để bồi đắp, làm phong phú cho lớp trầm tích văn hóa riêng mình.

Hát bài chòi trên đường phố Quy Nhơn.
Hát bài chòi trên đường phố Quy Nhơn.

Ông Nguyễn Minh Đoan, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bình Định tự hào khẳng định: Nếu nói Bình Định là đất thơ cũng không sai, bởi nơi đây vốn là quê hương và nơi nuôi dưỡng hồn thơ những thi nhân nổi tiếng của Thi đàn Việt Nam như “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan... Từ mảnh đất này, những vần thơ tha thiết tin yêu cuộc sống đã được cất lên. Thơ ngấm dần vào tâm hồn, trái tim của bao thế hệ người Bình Định. Nơi đây còn là quê hương của Đào Tấn – người được xem là “Hậu tổ” của nghệ thuật tuồng - hát bội Bình Định với các tác phẩm tuồng nổi tiếng: Hộ sanh đàn, Cổ Thành, Trầm Hương Các...  Những di sản mà thế hệ văn nghệ sỹ ấy để lại cho quê hương Bình Định là một kho tàng văn hóa – nghệ thuật đồ sộ cả về số lượng, cả về giá trị nghệ thuật. Đền thờ Đào Tấn, mộ thi sỹ Hàn Mặc Tử... còn là những điểm đến hấp dẫn níu kéo bước chân của lữ khách mỗi khi đặt chân đến xứ sở này.

Nhiều năm liền, văn hóa Bình Định như những viên ngọc quý bị phủ mờ bởi bụi thời gian. Những năm gần đây, bằng những chính sách nhằm đánh thức phát huy giá trị, những mạch nguồn văn hóa cổ xưa ấy mới bắt đầu sống dậy, trở thành động lực để Bình Định phát triển du lịch.

Cái “bắt tay” giữa văn hóa và du lịch

Ông Nguyễn Minh Đoan, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thẳng thắn thừa nhận: “Có thể nói, ít có địa phương nào giàu có về văn hóa và di sản như Bình Định. Nhưng theo tôi, đó mới chỉ là “của chìm”, chưa được phát lộ. Cũng như một vở tuồng hay của Đào Tấn, nếu không được giới thiệu rạch ròi thì ai biết được đây là kiệt tác? Vậy nên phải làm, giới thiệu một cách triệt để mới mong du khách biết đến và nhớ đến. Người làm du lịch thì điều tiên quyết là phải hiểu biết về giá trị di sản của cha ông, biết phát huy đến tận cùng tiềm năng nội lực văn hóa của quê hương, biến nó thành sản phẩm du lịch hấp dẫn”.

Du khách tham quan tại gian hàng lưu niệm, Khu lăng mộ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng, Quy Nhơn.
Du khách tham quan tại gian hàng lưu niệm, Khu lăng mộ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng, Quy Nhơn.

Từ chỗ tư duy làm du lịch “hữu xạ tự nhiên hương”, những người làm du lịch Bình Định bắt đầu vỡ vạc ra nhiều điều. Bình Định bắt đầu hướng đến các sản phẩm du lịch lấy văn hóa làm điểm nhấn. Cái “bắt tay” giữa văn hóa và du lịch bắt đầu trở nên chặt chẽ hơn. Ông Nguyễn Minh Đoan cũng cho biết thêm: Nhiều năm trước, khách du lịch khi đến Quy Nhơn, đều có chung một nhận định rằng thành phố “ngủ” sớm quá. Buổi tối, chẳng biết đi đâu, chơi gì? Họ thắc mắc là đến đất tuồng mà chẳng được xem tuồng, đến đất bài chòi mà chẳng biết bài chòi ra làm sao? Những thắc mắc ấy khiến những người làm du lịch Bình Định trăn trở. Vậy là họ tìm cách “đánh thức thành phố về đêm”, tạo ra sản phẩm du lịch bằng chính những di sản văn hóa mà mảnh đất này may mắn có được. Vậy là, ngay tại công viên giữa thành phố biển Quy Nhơn, hội đánh bài chòi dân gian được tổ chức thường xuyên vào các buổi tối cuối tuần đã lôi cuốn người dân và du khách đến hòa mình vào loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc này. Không phải mất công tìm kiếm, không cần tốn tiền mua vé vào xem, du khách đã có thể thưởng thức loại hình di sản văn hóa của nhân loại ngay chính trên đường phố. Không có hình thức quảng bá và bảo tồn di sản nào khôn ngoan và hiệu quả hơn thế!

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi bên lề Hội thảo báo Đảng các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên, ông Lưu Ngọc Minh, Phó tổng biên tập Báo Bình Định vui vẻ: “Nhân hội thảo lần này, Báo Bình Định dẫn các anh chị em đồng nghiệp các báo bạn đi tham quan những địa điểm danh thắng, ăn những món ăn đặc sản làm nên hồn cốt của Bình Định. Đó vừa thể hiện tính hiếu khách, vừa là cách quảng bá du lịch, văn hóa khôn ngoan”.

Vài năm gần đây, võ cổ truyền Bình Định đã được đầu tư nhiều hơn không chỉ ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, mà còn là các dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể. Từ cuối năm 2012, UBND tỉnh Bình Định đã có đề án bảo tồn và phát triển một số lò võ cổ truyền Bình Định gắn với việc phục vụ du lịch. Nhờ đề án này, 6 võ đường tiêu biểu đã nhận được những đầu tư cụ thể về cơ sở hạ tầng, phục vụ công tác truyền dạy và tham quan du lịch. Cứ 2 năm 1 lần, tại Bình Định lại diễn ra liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam với sự tham dự của hàng nghìn võ sư, võ sinh trong nước và quốc tế đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đã góp phần khẳng định giá trị và tôn vinh võ cổ truyền Bình Định. Lồng ghép trong hoạt động của liên hoan là lễ hội đường phố, trong đó, những nét văn hóa truyền thống của Bình Định như nhạc võ, hát bài chòi, hát bội... đều được mang ra phô diễn, quảng bá.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có Nhà hát Tuồng Đào Tấn vẫn đang lưu giữ, trình diễn những vở tuồng hát bội cổ truyền. Ngoài ra, còn có 12 đoàn hát bội không chuyên liên tục trình diễn và truyền dạy loại hình nghệ thuật truyền thống này cho thế hệ trẻ. Trải qua hàng trăm năm, hát bội vẫn được người dân Bình Định liên tục duy trì, thực hành và truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp. Hiện Bình Định đã có 18 nghệ nhân dân gian được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú – đây là những “kho báu sống” để người Bình Định bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền mà cha ông đã lưu dấu lại.

Cũng giống như Bình Định, Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi cho cảnh sắc hữu tình và mang trong mình những trầm tích văn hóa cổ xưa nhưng nếu còn duy trì tư duy làm du lịch “hữu xạ tự nhiên hương” thì ngành du lịch vẫn chưa thể có những bước tiến dài hơn. Không phải đến thời điểm này, ngành du lịch của nhiều tỉnh nghèo cần vỡ vạc ra rằng mỗi người làm du lịch, văn hóa phải luôn tìm tòi, sáng tạo ra những hình thức mới để khai thác tiềm năng các di sản văn hóa nghệ thuật, để lôi cuốn du khách, nhưng đồng thời cũng vừa để bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

Diệu Hương

>> "Ai về đất võ mà xem..."- bài 1