.

Nhà giáo, chiến sĩ "viết nhật ký bằng thơ"

Thứ Năm, 01/10/2015, 10:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Hai năm 2013-2014, nhà giáo Hoàng Đình Bường cho ra liên tiếp hai tập thơ “Điểm danh” và “Hành khất thời gian” do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành.

Tập thơ “Điểm danh” của anh gồm 55 bài, viết cách đây ngót bốn mươi năm. Có thể coi “Điểm danh” là cuốn “Nhật ký chiến tranh” viết bằng máu và nước mắt. Mùa xuân năm 1971, Hoàng Đình Bường cùng những sinh viên Trường đại học sư phạm Vinh xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận. Khi đi vào nơi mũi tên hòn đạn, lòng vẫn rộn ràng phơi phới như đi trẩy hội mùa xuân:

Bìa 2 tập sách của tác giả Hoàng Đình Bường
Bìa 2 tập sách của tác giả Hoàng Đình Bường

Tiếng hò reo nhấp nhô đầu trọc
Nhạc soong nồi nổi lên gấp gấp
Bài ca hỗn xướng vang ngân
Mùa xuân ra trận
Lính sinh viên ca khúc quân hành
Bài hát nào cũng bốc lửa tiền phương
Đầu nghiêng ngả máu rần trong cổ
Đêm nay ta thức cùng rừng

                               (Đêm không ngủ)

Mãi đến khi gặp bom đạn bời bời họ mới cảm nhận được không khí khốc liệt của chiến tranh:

Giặc điên cuồng dội lửa
Con đường rách tả tơi
Hành quân không tiếng nói
Nín thở, tiết kiệm lời

           (Hành quân)

Và đến khi xung trận cái không khí khốc liệt ấy mới đẩy lên đến tột cùng. Ai đã từng là người lính, sống vào những năm bảy mươi, ở thời khắc ấy mới thấy hết cuộc giao tranh dữ dội đến mức độ nào. Để có chiến thắng ta đã phải đổi bằng máu xương của biết bao chiến sĩ.

AK cười sằng sặc
Đạn nổ như ngô rang
Trận địa run bần bật
Đất giành giật từng gang
Trên sân bay dã chiến
Xác địch, ta ngổn ngang
Giá đo tin chiến thắng
Bằng xương trắng máu hồng

Có thể coi thơ anh đã trộn lẫn với đời, anh có những câu thơ thật thà nhưng lại có sức ám ảnh, cuốn hút lạ kỳ, có sức nặng hơn bất kỳ những lời hoa mỹ nào. Những câu thơ quặn lòng, đẫm đầy nước mắt:

Pháo giặc bắn cầm canh
Đồng chí Bình hy sinh trước giờ ra trận
Đội hình tiền nhập
Bất thần hỏa lực khai binh
Tiếng nổ phía sau, phía trước đội hình
Inh tai bộc phá
AK nổ giòn giã
Cửa mở nhấp nhô chiến sĩ nhào lên

  (Đánh đồi Sọ, đồi Ngụy)                     

Những bài thơ dung dị chân chất, nhưng đằng sau là tiếng lòng, tiếng nấc của một con người đang khóc thương đồng đội. Những con người: “Bờm xờm râu tóc/ Cùi bạt, quần đùi/ Ống bơ thay bát/ Nước váng xác người/ Cơm thời thiếu bữa”, (Giữ chốt). Những người lính nắm chắc tay súng im lìm chờ giặc. Và nhìn lên đỉnh đồi, anh thấy bóng mẹ hiền ngồi canh cho các con giữa hai trận đánh. Tiếng anh gào lên lạc giọng, khắc khoải, thất thanh:

Mẹ ơi hãy về cấy lúa
Cho con hạt gạo cầm hơi
Quả đồi chúng con cố giữ
Đất kia thấm máu tranh giành
Đất này sẽ dành một nửa
Mai sau còn để cày bừa

              (Giữa hai trận đánh)

Và trong cuộc giao tranh để giành đất, giành dân, giành chiến thắng không tránh khỏi thương vong. Trước lúc vào trận đánh, Hoàng Đình Bường đã cùng đồng đội đi đào huyệt để chôn những người sẽ chết và có thể có cả mình. Tiếng đào huyệt trong đêm khô khốc dội vào lòng đất, dội vào lòng người tê tái, nỗi đau xé ruột :

Tiếng cuốc chim đào huyệt chôn người
Một, hai, ba, bốn...chín, mười...
Chỉ huy nhẩm tính số người
Đất xé ruột kêu trời
Người nhìn người đỏ mắt

                                 (Tiếng đào huyệt trong đêm)

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh giã từ quân ngũ, giã từ chiến tranh để trở về với mẹ. Trong bài “Giã từ quân ngũ - chiến tranh” anh đã viết:

Giã từ nhé những ngày xuân trông vọng
Những đêm hè não nuột tiếng từ quy
Ta ra đi chưa hẹn ngày về
Xuân cứ đến nhắc lời thề hẹn ước

Vui mừng được giã từ cuộc chiến nhưng nhìn lại đồng đội, lòng anh chùng xuống. Tiểu đội ra đi có 15 người thì nay điểm danh chỉ còn có 7. Mà trong 7 người có ai được lành lặn đâu. Đến đây anh bỗng thấy niềm vui của mình trở nên bé nhỏ, anh thấy ân hận, ngậm ngùi: mình còn nặng nợ với đời, dù bản thân anh cũng đã hai lần bị thương trên mặt trận:

Đồng đội thân yêu những nấm mồ xanh cỏ
Lứa sinh viên một thuở bạn bè
Giữa rừng sâu nằm lại không về
Nặng gánh non sông lời thề trọn vẹn

Đọc đến đây tôi bỗng ứa nước mắt. Tôi khóc thương cho những người lính ra đi, đi mãi không về. Hồn của họ đã quyện vào hoa cỏ. Sau này anh đã cùng bạn bè đi tìm lại hài cốt đồng đội nằm giữa rừng sâu. Trong tim anh vẫn không nguôi lửa chiến trường, không quên được những người bạn hy sinh cho mình được sống. Trong tập thơ “Hành khất thời gian” viết sau chiến tranh anh vẫn không sao quên được một thời binh lửa.

Trở lại với giảng đường đại học rồi làm cán bộ quản lý vì sự nghiệp trồng người anh vẫn hoài niệm về “một thời hoa lửa”. Trong sáu chục bài thơ  “Hành khất thời gian” có gần bốn chục bài viết về ký ức chiến tranh. Những ký ức dai dẳng đeo theo anh suốt cuộc đời. Anh bộc bạch:  “Thời gian không bao giờ trở lại. Tuổi trẻ chỉ có một lần. Biết vậy tôi vẫn mong ước một điều trái quy luật để tiếp tục sống làm người và làm thơ”.  

Nếu ở tập thơ “Điểm danh” giàu tính tự sự thì ở tập  “Hành khất thời gian” mang nặng tính triết lý.

Mái tóc lên sương
Nửa sống phần dương
Nửa phần âm khắc khoải
Nửa quá khứ
Nửa soi mình hiện tại
Thổn thức tương lai
Cuộc sống quảng canh sao quá
rộng dài
Lỡ bước thành người có lỗi

           (Hành khất thời gian)

Ở tập thơ sau anh viết có nghề hơn, những câu thơ cũng sắc sảo hơn nhưng tập thơ “Điểm danh” lại chinh phục được nhiều bạn đọc hơn cả. Bởi thơ và đời thực sự đã quyện vào nhau. Đọc thơ anh ta như thấy những thước phim tài liệu, những trang nhật kí chiến trường, những mảng màu sáng, tối của chiến tranh hiện lên toàn bích.  
Chúc cho Hoàng Đình Bường có nhiều thời gian hơn nữa để anh có những món quà quý giá tặng bạn đọc. Những người đồng đội, đồng nghiệp và bạn bè đang chờ anh.   

Hoàng Minh Đức