.

Tết Trung thu sự tích và ý nghĩa

Thứ Sáu, 25/09/2015, 10:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Rằm tháng 8 âm lịch hàng năm là Tết Trung thu. Đêm rằm tháng 8, trăng rất tròn và trong sáng, trẻ em vui chơi thỏa thích với các lồng đèn, ngắm trăng, phá cỗ hoa quả và bánh Trung thu, đó là ngày tết của trẻ em.

Tết Trung thu của ta bắt nguồn từ Trung Quốc, có từ đời nhà Đường, đời vua Đường Duệ Tôn, cách đây khoảng 2.000 năm. Sự tích tết Trung Thu như sau: “Tục truyền rằng, đêm rằm tháng tám năm đó, trời trong xanh, trăng tròn sáng tỏ, gió măt dịu, nhà vua ngự chơi ở ngoài thành, trước cảnh đẹp của đất trời, nhà vua không muốn về cung nghỉ nữa.

Bỗng một cụ già đầu tóc bạc trắng như tuyết, chống gậy tới cạnh vua, cử chỉ nhẹ nhàng, khuôn mặt hiền từ. Nhà vua đoán đó là một ông tiên giáng thế. Ông già kính cẩn chào nhà vua và hỏi: “Bệ hạ có muốn lên thăm cung trăng không ạ” Nhà vua đồng ý. Ông già đưa chiếc gậy hướng lên trời, hóa phép làm một chiếc cầu vồng, một đầu tựa đất, một đầu gác lên cung trăng. Ông Tiên đưa nhà vua bước lên cầu vồng và đi lên cung trăng. Phong cảnh ở đây tuyệt đẹp, một vẻ đẹp của xứ tiên cảnh, khác xa với trần thế. Trời rất trong, cây có, hoa lá xanh tươi, muôn màu muôn sắc, những nàng tiên xinh đẹp, xiêm y lộng lẫy, múa hát những điệu uyển chuyển, thánh thót tuyệt vời, vô cùng quyến rũ. Nhà vua say sưa như ở trong mơ, ngắm nhìn cực kỳ thích thú thì đột nhiên ông Tiên đưa nhà vua trở lại trần thế. Trở lại trần thế, nhà vua vẫn luyến tiếc những giây phút tuyệt vời trên tiên cảnh. Vì vậy, nhà vua hàng năm đặt ra Tết Trung thu để kỷ niệm chuyến đi chơi trên cung trăng có một không hai của mình.”

Vậy là, Tết Trung thu ngày xưa là tết của người lớn, dần dần trở thành của trẻ em, người ta mua sắm cho các em các lồng đèn để rước đèn, trái cây để phá cỗ, và các trò chơi khác. Rồi người ta còn đặt ra múa sư tử, còn gọi là múa lân để các em vui chơi. Có nơi như ở Hồng Công (Trung Quốc) thì múa rồng với những con rồng dài đến 50 mét.

Múa lân kèm theo ông địa với chiếc quạt phe phẩy, đi theo làm cho con lân thêm linh thiêng và hấp dẫn. Tiếng trống ếch rộn ràng, nhịp nhàng vui tai. Ngày nay, các đội múa lân còn làm các động tác uốn lượn, leo cao lên ban công nhà tầng rất hấp dẫn. Các đội múa lân còn chúc phúc cho các nhà dọc đường đi múa, họ được chủ nhà thưởng tiền để bồi dưỡng và chi phí.

Tết Trung thu là tết của trẻ em với ý nghĩa là Tết ngắm trăng, kèm theo trò chơi múa lân để xua đuổi tà ma, cầu yên cho làng xóm, cũng là để trẻ em vui chơi cho thỏa thích trong đêm trăng tròn, rằm tháng tám. Đó là nét văn hóa tốt đẹp của các nước phương Đông.

Ngọc Hiên Hiên