.

Nhiều băn khoăn với trang phục truyền thống

Thứ Tư, 30/09/2015, 15:25 [GMT+7]

Vì sao phục trang trong phim lịch sử VN nhang nhác phục trang trong phim Hong Kong, Trung Quốc, Đài Loan…? Vì sao đến giờ nước ta vẫn chưa chọn được bộ lễ phục quốc gia?

 Họa sĩ Nguyễn Thu Hà (bìa phải) giới thiệu một số trang phục của các nhân vật trong những phim lịch sử - cổ trang VN gần đây như Người cộng sự, Trò đời… - Ảnh: V.V.Tuân
Họa sĩ Nguyễn Thu Hà (bìa phải) giới thiệu một số trang phục của các nhân vật trong những phim lịch sử - cổ trang VN gần đây như Người cộng sự, Trò đời… - Ảnh: V.V.Tuân

Vì sao nhiều người vẫn còn e ngại khi mặc những bộ trang phục truyền thống VN…?

Đó là những câu hỏi được đặt ra trong buổi tọa đàm “Trang phục truyền thống Việt qua một số bộ phim và xu hướng của nó trong đời sống đương đại”, do ĐH Văn hóa Hà Nội phối hợp với nhóm Đình làng Việt tổ chức ngày 29-9 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, hầu hết các câu hỏi đặt ra vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.

Trang phục phim Việt nhang nhác phim 
Trung Quốc?

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân nêu một thực trạng từng làm đau đầu các nhà thiết kế và đạo diễn bấy lâu nay: “Nếu chúng ta mang phim lịch sử VN ra nước ngoài, không cẩn thận thì bạn bè thế giới rất dễ nhầm đó là phim của Hong Kong, Đài Loan hay Trung Quốc... chứ không phải phim VN. Bởi phục trang trong phim Việt đôi khi cứ nhang nhác phục trang trong phim Trung Quốc, Hong Kong...”.

Theo ông, nguyên nhân do một phần chúng ta trung thành với lịch sử phục trang VN, nhưng lịch sử ấy có ảnh hưởng hàng nghìn năm từ nền văn hóa khác, nên sự thật lịch sử và sự tinh túy thuần Việt là vấn đề rất khó giải quyết trong phim.

Tại sao bạn bè thế giới bảo phục trang phim Việt giống phim Trung Quốc? TS, nhà khảo cổ học Nguyễn Việt lại có câu trả lời riêng: “Vì họ không biết cái nào của Trung Quốc, cái nào của VN. Nhưng trong phim lịch sử, chúng ta không thể bắt các đạo diễn, nhà thiết kế trang phục phải làm chuẩn những trang phục của các nhân vật lịch sử, bởi không có gì để làm chuẩn.

Đến như tôi là nhà khảo cổ học, đào mộ thuyền ra, lấy được sợi vải cũng chưa biết ngày trước họ dùng trang phục gì thì sao có thể bắt các nhà thiết kế thời trang cho điện ảnh phải làm chuẩn điều đó. Và mục đích chủ yếu của những phim lịch sử là chuyển được khối lượng tư duy lịch sử đến với khán giả”.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà mang đến giới thiệu tại buổi tọa đàm nhiều bộ trang phục của các nhân vật trong những phim lịch sử gần đây ít nhiều được công chúng biết đến như: nhân vật cô Cầm (Long thành cầm giả ca), nhà văn Vũ Trọng Phụng (Trò đời), nhà yêu nước Phan Bội Châu (Người cộng sự)... cùng nhiều bộ trang phục áo dài cưới của phụ nữ VN, trang phục công tử con nhà giàu qua các thời kỳ.

Chị cho biết những trang phục này đều được chị thiết kế trên nguyên tắc tôn trọng tinh thần của trang phục truyền thống. Nhưng bản thân chị cũng còn nhiều băn khoăn: “Chúng tôi luôn phải đứng trước lựa chọn lấy sự chính xác về chi tiết hay chỉ lựa chọn tinh thần Việt truyền thống?”.

Bế tắc trong việc chọn 
lễ phục quốc gia

Ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT&DL) - kể lại hai câu chuyện bi hài trong việc bế tắc, chưa chọn được lễ phục quốc gia.

“Ở các nước, khi các đại sứ đến nhậm chức cho nhiệm kỳ công tác của mình tại một quốc gia nào đấy, họ đều mặc lễ phục đến trình quốc thư cho nước bạn. Nhưng các đại sứ nước ta, khi trình quốc thư đều rất bí bách trong việc tìm lễ phục. Có trường hợp đại sứ ta phải thuê bộ áo đuôi tôm thay cho bộ lễ phục quốc gia khi đến trình quốc thư tới nước bạn”.

Gần đây nhất, trong đêm biểu diễn của đoàn nghệ thuật Hàn Quốc tại Nhà hát lớn Hà Nội nhân dịp những ngày văn hóa Hàn Quốc tại VN, khi kết thúc buổi biểu diễn, trưởng đoàn của bạn là bộ trưởng Bộ Văn hóa Hàn Quốc mặc lễ phục Hàn Quốc lên chào khán giả. Còn bộ trưởng Bộ 
VH-TT&DL nước ta thì mặc complê lên chào bạn!”.

Theo ông Thành, nguyên nhân chính của việc chưa chọn được lễ phục quốc gia là bởi vẫn chưa có sự thống nhất về quan điểm, cách đánh giá đâu là bộ lễ phục: “Chúng tôi đã tiến hành ba cuộc hội thảo ở cả ba miền để nghe ý kiến các nhà văn hóa, nhà sử học... nhưng đều không đi đến được sự thống nhất.

Sau đó, chúng tôi mời một số nhà thiết kế thời trang nổi tiếng hiện nay thiết kế lễ phục, nhưng cũng không đi đến đâu. Nguyên nhân là do không có sự đồng thuận về quan điểm, nhìn nhận đánh giá để thống nhất đâu là bộ lễ phục”.

Theo Vũ Viết Tuân (Tuổi trẻ