.

Một sáng tác mới của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương: Sơn Đoòng vọng tiếng hoang ca

Thứ Tư, 09/09/2015, 09:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng trở thành đề tài giàu cảm xúc cho rất nhiều văn nghệ sĩ cả nước nói chung, quê hương Quảng Bình nói riêng. Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương là một trong số nhạc sĩ đã sáng tác thành công về đề tài Phong Nha- Kẻ Bàng. Ngay từ 20 năm trước, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã có bài “Chuyện tình Phong Nha” với ca khúc mô tả về tình yêu thời hồng hoang, hư cấu về mối tình liên quan tới huyền thoại Phong Nha đã được công chúng đón nhận.

Cứ ngỡ chỉ một bài thôi là đủ để thể hiện tình cảm với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng một tuyệt tác của thiên nhiên. Nào ngờ một cảm xúc mới, một tình yêu mới thức dậy trong trái tim nhạc sĩ Hoàng Sông Hương.

Nói về đứa con tinh thần vừa mới ra mắt công chúng, nhạc sĩ tâm sự: “Cũng như bao người con quê hương Quảng Bình, tôi rất tự hào khi được biết, tổ chức UNESCO đã công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới lần 2. Và Sơn Đoòng được ví như địa đàng trên mặt đất. Thế giới đã choáng ngợp trước Sơn Đoòng. Nét đẹp kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng đã khiến khán giả chương trình chào buổi sáng nước Mỹ phải thán phục, ngợi ca. Sơn Đoòng giờ đã thành thương hiệu mang tầm thế giới của du lịch Quảng Bình. Nói tới lễ hội của vương quốc hang động Quảng Bình không thể không nhắc tới Sơn Đoòng. Bởi vậy cảm xúc về Sơn Đoòng đã thôi thúc tôi thể hiện qua nét nhạc”.

 Một cảnh trong đêm ca nhạc tại Lễ hội hang động Quảng Bình năm 2015.
Một cảnh trong đêm ca nhạc tại Lễ hội hang động Quảng Bình năm 2015.

Chọn ca từ nào để thể hiện là trăn trở đầu tiên của tác giả bài hát “Sơn Đoòng vọng tiếng hoang ca”. Phải tìm giai điệu mới để thể hiện phù hợp với tứ nhạc. Cuối cùng sau bao lựa chọn, nhạc sĩ đã tìm đến giai điệu của hò lỉa trâu. Một sản phẩm của hò dân gian vùng quê Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Điệu hò lỉa trâu này đã trở nên quen thuộc với tác giả những ngày ấu thơ, khi anh cùng chúng bạn vào rừng chăn trâu, cắt cỏ. Những điệu hò dân gian có thể đưa khán giả về với quá khứ sâu thẳm của hàng nghìn năm về trước. Một điệu hò nhắc gợi về miền hoang dã ở vùng sơn cước. Chỉ có hò lỉa trâu mới gợi nhớ thuở hồng hoang. Ca khúc thể hiện rất rõ: “Nghe hoang ca xưa cõi Sơn Đoòng lắng sâu... Một thảm rừng vàng còn hoang sơ... Xưa ai ru trong động vàng thạch nhũ đàn, nghe ru êm động ngủ quên biết bao triệu năm...” .

Nếu đoạn đầu tác giả gợi mở khung cảnh xưa hàng triệu năm trước của Sơn Đoòng thì ở đoạn tiếp theo của bài hát, nhạc sĩ thiên về tả thực một thời đại đầy tự hào của quê hương Quảng Bình có di sản quý giá mà tạo hóa đã ban tặng: “Nay quê hương Quảng Bình đánh thức kỳ quan... thức dậy hỡi Sơn Đoòng. Rừng Kẻ Bàng di sản thiên nhiên nay tỏa sáng lên Sơn Đoòng lộng lẫy chừ người người đã đến...”

Tại chương trình ca nhạc của lễ hội hang động Quảng Bình 2015, bài hát “Sơn Đoòng vọng tiếng hoang ca” đã được ca sĩ Vương Long thể hiện. Bài hát còn quá mới nên ca sĩ chưa thể hiện trọn vẹn nét hay nét đẹp tiềm ẩn trong đó, phần phối âm phối khí còn sơ sài. Tuy nhiên, bài hát: “Sơn Đoòng vọng tiếng hoang ca” đã để lại dấu ấn khó quên trong người nghe của đêm nhạc.

Vẻ đẹp kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng từng được khán giả khắp nơi trên thế giới yêu mến choáng ngợp qua những thước phim, bức ảnh nổi tiếng, giờ đây tại đêm lễ hội hang động Quảng Bình 2015 lung linh huyền ảo, khán giả lại được nghe khúc nhạc về kỳ quan này. Chính tại đêm diễn, sau khi thưởng thức giai điệu bài hát, một đạo diễn chương trình đã nhận xét: “Đây là bài hát có giai điệu lạ, mới mẻ trong ca khúc. Đó là điều đáng quý.”

Hy vọng cùng với sự quyến rũ của hang Sơn Đoòng, bài hát: “Sơn Đoòng-vọng tiếng hoang ca” sẽ tiếp tục có sức lan tỏa rộng rãi với khán thính giả.

Phan Hòa