.

Hoàng Minh Đức với "đất và người quê tôi"

Thứ Năm, 10/09/2015, 14:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Hoàng Minh Đức (bút danh Thanh Hà) là hội viên Hội VHNT Quảng Bình. Anh chuyên làm thơ, viết báo và truyện ngắn đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Cho đến nay Hoàng Minh Đức đã xuất bản 2 tập truyện ngắn, 1 tập truyện ký chọn lọc. Anh từng nhận được một số giải thưởng của các báo, tạp chí, đài phát thanh... Tập tùy bút, bút kí, nghiên cứu văn hóa Đất và người quê tôi, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2015 là món quà anh dành tặng quê hương Quảng Bình nhân dịp đầu xuân Ất Mùi.
 

Đất và người quê tôi được chia làm hai phần.

Phần thứ nhất có tiêu đề: Những con người, vùng đất đi vào lịch sử. Hai điểm nhấn của phần này là bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sách báo đã nói khá nhiều, nhưng Hoàng Minh Đức vẫn tìm được cách nói riêng. Bằng công phu thu thập tài liệu, chắt lọc và sắp xếp các sự việc, tác giả đã cho người đọc có cái nhìn tổng quát về vị tướng của dân, làm nổi bật những đóng góp to lớn của Đại tướng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Với Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nhờ mối quan hệ gần gũi, thân quen nên Hoàng Minh Đức đã cung cấp cho bạn đọc biết được một cách khá chi tiết quá trình hoạt động cách mạng của Trung tướng trong thời gian ở quê nhà. Tác giả bộc bạch: “Tôi đã được nghe dân làng Trung Thôn (Quảng Trung, Ba Đồn) kể nhiều về cuộc đời huyền thoại của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Tôi cũng đã được đọc gia phả dòng họ của ông do Thiếu tướng Nguyễn Anh, em trai ông viết lại”.

Ngoài hai điểm nhấn trên, ở phần này, Hoàng Minh Đức còn cung cấp cho bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Bạch Xĩ-Đoàn Chí Tuân, Đề đốc Lê Trực, Lãnh binh Mai Lượng, “Sứ giả hòa bình” của thời Trịnh Nguyễn phân tranh - Nguyễn Khắc Minh, nhà thơ Nguyễn Hàm Ninh, tướng Nguyễn Dụng và làng Tượng Sơn trong chiến dịch Quang Trung đại phá quân Thanh, Phó Đô đốc Hải quân Việt Nam-Trung tướng Mai Xuân Vĩnh.

Để có thể viết được chừng ấy tên tuổi sáng giá của vùng quê Quảng Bình, Hoàng Minh Đức đã bỏ hết tâm sức mấy chục năm trời, sưu tầm, tra cứu tài liệu, gặp gỡ chuyện trò, tất tả ngược xuôi. Chỉ với dăm trang viết về nhà thơ Nguyễn Hàm Ninh, tác giả đã phải nghiền ngẫm khá nhiều tài liệu, như: Thân thế và sự nghiệp Nguyễn Hàm Ninh do Ủy ban nhân dân xã Quảng Lưu lưu giữ, Các nhà khoa bảng Việt Nam-NXB Văn học -1993, Quốc triều hương khoa lục-NXB TP. Hồ Chí Minh- 1993. Những ông nghè ông cống triều Nguyễn-NXB Thông tin-1995, Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn-NXB Thuận Hóa năm 1995, Nhân vật lịch sử Việt Nam-NXB Giáo dục Hà Nội-2005, Danh nhân văn hóa Quảng Bình, tập 1-NXB Thuận Hóa... Viết về Lê Trực, anh cũng phải tham khảo cả một khối tài liệu, gồm: Vè thất thủ kinh đô-NXB Văn, Sử, Địa, Hà Nội-năm 1959,  Vua Hàm Nghi NXB Nam Ký-Hà Nội-năm 1935, Đại Nam thực lục chính biên-NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974, Lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến thế kỷ XIX-NXB Văn hóa Thông tin, Cách mạng cận đại Việt Nam-tập I-NXB Văn, Sử, Địa-Hà Nội 1955...

Không như Lê Trực, Nguyễn Hàm Ninh các tên tuổi như Bạch Xĩ-Đoàn Chí Tuân, Mai Lượng, Nguyễn Khắc Minh, Nguyễn Dụng... sử sách ghi lại không nhiều. Viết về các tên tuổi này thật không dễ chút nào, đòi hỏi người cầm bút phải có tinh thần dám nghĩ dám làm, lòng say mê và ý thức trách nhiệm cao.

Phần thứ hai có tiêu đề: Đất và người quê tôi. Nếu ở phần thứ nhất hầu hết những tên tuổi tác giả đề cập là những tên tuổi đã và đang trở thành huyền thoại thì ở phần này hầu hết các tên tuổi được tác giả đề cập đến là những con người bình dị trong cuộc sống đời thường. Đó là ông Trần Duệ-người cựu chiến binh “không sợ chết”, đó là Cảnh Giang-người sáng tác một số bài thơ khá cảm động về lực lượng thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đó là thầy giáo Nguyễn Khắc Tâm hết lòng vì phong trào khuyến học...

Hai điểm nhấn của phần này là bài viết về nhà giáo Hoàng Hiếu Nghĩa và nhà văn Hoàng Bình Trọng.

Ở bài viết về nhà giáo Hoàng Hiếu Nghĩa, tác giả bày tỏ niềm cảm phục của mình trước tấm gương làm việc cần mẫn, tài năng nhiều mặt và tinh thần đấu tranh thẳng thắn của thầy. Tuy thầy đã “về hưu mà chẳng nghỉ hưu”.

Với Hoàng Bình Trọng, tác giả tập trung làm nổi bật “một nốt trầm” trong cuộc đời quá nhiều trắc trở của nhà văn. Vì muốn về quê, nhà văn đã xin nghỉ chế độ 176 và “cuộc đời cơ cực của ông bắt đầu từ đấy”. Cũng theo Hoàng Minh Đức, để có tiền nuôi con ăn học, một thời gian nhà văn phải vào rừng hái củi. “Có lần vì không có năm trăm đồng nộp tiền lệ phí, ông đã bị trạm kiểm lâm tịch thu mất gánh củi. Người ta nộp tiền thì được gánh củi về, riêng ông không tiền ở lại xin xỏ. Đến bữa cơm, anh em kiểm lâm mời ăn. Tưởng ăn khách, ai dè ông làm thật, đánh liền tù tì một lúc ba bát. Đến lúc vợ ông lên vừa thấy ông đang ngồi ăn cơm liền la lên: Nhà văn ơi là nhà văn, bị tịch thu thì về chứ sao ngồi lại ăn cơm của người ta. Lúc đó ông mới đứng dậy nhưng vẫn nhìn mâm cơm thòm thèm. Biết ông đói, vợ ông đứng lặng, hai hàng nước mắt cứ chảy ra ròng ròng. Mấy ngày nay trong nhà ông không còn một hạt gạo.

So với phần một, phần hai Hoàng Minh Đức có lối viết sinh động hơn, chi tiết hơn, đậm chất văn hơn. Đó cũng là điều dễ hiểu. Vì những “nhân vật” anh đề cập ở phần này đều là những người gần gũi, thân quen. Viết về họ, anh không phải lệ thuộc quá nhiều vào tài liệu.

Trong Đất và người quê tôi, Hoàng Minh Đức còn có một số bài viết dành riêng cho vùng đất Minh Lệ quê anh. Đó là các bài: Đình Minh Lệ; Sắc phong Thành hoàng làng Minh Lệ; Cầu Minh Lệ vui buồn một thuở; Cây đa làng; Cái đập, cái đìa của ông tôi và Nghiệt ngã kiếp phu trầm. Qua những bài viết này, tác giả đã cho người đọc hiểu đầy đủ hơn về đời sống cùng với những nét văn hóa đặc sắc của các làng quê Quảng Bình nói chung và làng quê Minh Lệ nói riêng.

Trong đó, ấn tượng hơn cả là bài Nghiệt ngã kiếp phu trầm. Ở quê Hoàng Minh Đức, có những học sinh chưa học xong lớp 9 cũng bỏ học để đi theo bố tìm trầm. Công việc tìm trầm vô cùng vất vả và nguy hiểm nhưng vì kế sinh nhai nên người ta vẫn cứ lao vào như thiêu thân. Tác giả cho biết: Ngày nay trầm sinh trên đất Việt không còn, người ta phải đào lại những cái đe nằm sâu trong lòng đất. Họ đào bới nát cả cánh rừng để tìm từng mẩu trầm chỉ bằng hạt thóc lẫn trong đất đá. Nhiều người sang Lào, Malaysia, Myanma, Thái Lan để tìm trầm sinh. Trường hợp phu trầm bị cướp giết trong rừng cũng khá nhiều. Có khi các băng nhóm thanh toán nhau để cướp hàng. Tuy chứng kiến cái chết thương tâm của không ít phu trầm nhưng họ vẫn không thể từ bỏ nghề trầm vì miếng cơm manh áo. Đó là những trang viết giàu chất hiện thực và lòng trắc ẩn.

Đất và người quê tôi tập hợp những bài viết đã được đăng tải rải rác trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Ở phần thứ nhất, giá như tác giả sắp xếp các bài theo trình tự thời gian, gắn với các biến cố lịch sử sẽ tiện cho việc theo dõi của người đọc hơn. Ba bài viết về Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, tuy mỗi bài có những chủ đề khác nhau nhưng khó tránh khỏi một số chi tiết trùng lặp. Các bài Người mẹ, người bà của ba vị tướng; Đình Minh Lệ; Sắc phong Thành hoàng làng Minh Lệ  nên chuyển sang phần thứ hai có lẽ phù hợp hơn chăng?

Đất và người quê tôi là tập sách rất cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa của một vùng đất vốn nổi tiếng “địa linh nhân kiệt”.

Mai Văn Hoan