.

Thiếu "sân chơi" cho khách thơ?

Thứ Hai, 06/07/2015, 08:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Phân hội Văn học có 127 hội viên, chiếm hơn 50% hội viên của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, ngoài ra, chưa kể đến hơn 30 hội viên thuộc các phân hội, chi hội khác và lực lượng sáng tác nghiệp dư cũng thường xuyên hoạt động trong lĩnh vực văn học. Tuy nhiên, trên thực tế, những cuộc thi sáng tác-“sân chơi” chuyên nghiệp-cho các tác giả văn thơ lại khá hiếm hoi. Bên cạnh họa hoằn mới có 1, 2 cuộc vận động, cuộc thi thơ văn quy mô trong tỉnh, các tác giả chủ yếu “tự bơi” chủ động khẳng định mình ở các cuộc thi bên ngoài, như: cấp ngành, lĩnh vực, quốc gia...

Năm 2011-2012, Tạp chí Nhật Lệ tổ chức cuộc thi truyện ngắn-ký nhằm khơi dậy niềm đam mê sáng tạo văn học nghệ thuật, phát hiện và bồi dưỡng tác giả văn học trẻ, đồng thời, góp phần củng cố và phát triển đội ngũ cộng tác viên của Tạp chí Nhật Lệ, nâng cao chất lượng tác phẩm trên tạp chí nói riêng và văn học tỉnh nhà nói chung.

Bà Nguyễn Thị Lê Na, Tổng biên tập Tạp chí Nhật Lệ nhận định, cuộc thi đã nhận được sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của đội ngũ những người sáng tạo văn học trong và ngoài tỉnh, dù là chuyên hay không chuyên, các cây bút đã tạo nên diện mạo đa sắc cho cuộc thi với nhiều góc nhìn, cách thể hiện đa dạng, ấn tượng. Đặc biệt, các tác giả trẻ đã xem đây như một cơ hội để khẳng định bản thân mình, bộc lộ những khả năng mà vốn dĩ xưa nay đang bị che lấp, thử thách mình với những đề tài sáng tạo, cách viết mới lạ, hấp dẫn. Có thể nói, cuộc thi đã thực sự trở thành cầu nối giữa bản thân những người viết và giữa người viết với độc giả.

Cũng theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Lê Na, phải sau hơn 10 năm gián đoạn, Tạp chí Nhật Lệ mới tổ chức lại được một cuộc thi có quy mô như thế. Đó là sự nỗ lực vượt qua những khó khăn và sự trợ sức từ chính quyền, các đơn vị liên quan. Từ đó đến nay đã gần 3 năm, Tạp chí Nhật Lệ vẫn chưa thể tổ chức một cuộc thi quy mô và mang tầm ảnh hưởng do những khó khăn về nguồn kinh phí, vốn dĩ còn rất eo hẹp đầu tư cho văn học nghệ thuật như ở tỉnh ta.

Đã 10 năm rồi, một cuộc thi truyện ngắn-ký chất lượng trên Tạp chí Nhật Lệ mới được tổ chức
Đã 10 năm rồi, một cuộc thi truyện ngắn-ký chất lượng trên Tạp chí Nhật Lệ mới được tổ chức

Nhà văn Kim Cương, Phân hội trưởng Phân hội Văn học, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh trầm ngâm, Quảng Bình có một đội ngũ mạnh về văn học, cả văn xuôi và thơ ca, nhưng các cuộc thi cho cây bút trong tỉnh là khá hiếm hoi. Ngoài cuộc thi truyện ngắn-bút ký của Tạp chí Nhật Lệ phát động năm 2011-2012, cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn thơ nhạc với chủ đề “Quảng Bình-410 năm hình thành và phát triển” vào năm 2014, hầu như vẫn còn thiếu vắng những cuộc thi xứng tầm về cả quy mô và chất lượng để kích thích sự sáng tạo của đội ngũ những người sáng tác văn thơ tỉnh nhà.

Nhà văn Kim Cương giải bày, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn kinh phí. Trong bối cảnh các nhà văn, nhà thơ đều đang phải “tự lực cánh sinh” trên bước đường đưa tác phẩm đến với công chúng, từ khâu đi thực tế, xuất bản cho đến giới thiệu tác phẩm, thì việc tổ chức các cuộc thi sáng tác lại càng “xa xỉ” hơn. Hầu hết các tác giả đều chủ động gửi tham gia những hội thi sáng tác của ngành, lĩnh vực hay tầm quốc gia. Và đáng mừng là không ít tác giả đã khẳng định được tên tuổi của mình.

Trong khả năng tài chính của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, hàng năm, các trại sáng tác vẫn được thường xuyên tổ chức, mặc dù chỉ giới hạn số lượng khoảng 20 hội viên được dự, nhưng cũng là một cách thức để duy trì hoạt động, nâng cao chất lượng. Ngày thơ Việt Nam năm nào cũng tổ chức nhưng do thiếu kinh phí, hình thức và cả nội dung chưa mới mẻ và chưa hấp dẫn được công chúng, nhất là giới trẻ. Phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỉnh ta đang ngày càng thiếu những tác phẩm có tiếng vang trên văn đàn và cũng như chưa tạo được nguồn lực trẻ dồi dào kế cận?

Thực tế cho thấy, một trong những hạn chế trong hoạt động văn học nghệ thuật tỉnh nhà chính là chưa tìm được nguồn vốn xã hội hóa và thường chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách. Điều này dẫn đến nhiều hoạt động chưa được đầu tư đúng mức, thiếu bài bản cũng như không ít hoạt động quan trọng chưa có được sự quan tâm tổ chức thấu đáo, trong đó có tổ chức các cuộc thi dành riêng cho văn học. Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của một bộ phận hay các văn nghệ sĩ vốn chỉ chuyên tâm sáng tác, mà cần phải có sự quan tâm, vào cuộc, kêu gọi tích cực của nhiều cấp ngành, địa phương. Đúng như một nhà văn lão thành đã chiêm nghiệm, văn chương chỉ thực sự sống khi có một môi trường tốt để dung dưỡng và phát huy giá trị, một “sân chơi” thực sự để kết nối các thế hệ nhà văn, nhà thơ và nâng tầm vị thế của tác phẩm chất lượng. Và chúng ta đang thiếu những “sân chơi” như thế...

Mai Nhân