.

Xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng: Để những gương mặt trẻ lộ diện...

Thứ Năm, 02/04/2015, 16:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong lộ trình phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, những hạt nhân tài năng luôn đóng một vai trò quan trọng, vừa góp phần thúc đẩy phong trào lớn mạnh, là chất keo kết dính nhiều hoạt động, vừa hỗ trợ sự trao truyền, tiếp nối cho các thế hệ đi sau. Tuy nhiên, trong bối cảnh ở một số địa phương, do khó khăn về điều kiện kinh tế và sự quan tâm của người dân với văn hóa văn nghệ quần chúng còn hạn chế, những “gà nòi” nghệ thuật vẫn tiếp tục “chinh chiến” các sân chơi thi thố, còn lớp trẻ ươm mầm thì mãi vẫn chưa lộ diện hoặc đã xuất hiện, nhưng vẫn còn non nớt, chưa theo kịp sự phát triển.

Liên hoan văn nghệ quần chúng Công-Nông-Binh toàn tỉnh diễn ra vào cuối năm 2014 vừa qua với chủ đề “Khúc quân hành trên quê hương Đại tướng”, đã quy tụ 20 đoàn văn nghệ quần chúng với hơn 600 diễn viên đến từ các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh. Liên hoan là dịp để quân và dân Quảng Bình thể hiện tình cảm, tấm lòng đối với Đảng, Bác Hồ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền thống anh hùng của quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Liên hoan cũng là cơ hội đánh giá kết quả hoạt động của phong trào văn hóa văn nghệ của các địa phương, đơn vị trong thời gian qua và là điều kiện thuận lợi để các đội văn nghệ quần chúng cơ sở giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng chú ý tại Liên hoan là sự xuất hiện của những gương mặt cũ. Họ đều là hạt nhân văn hóa văn nghệ kỳ cựu của các địa phương, từng “bôn ba” nhiều liên hoan, cuộc thi lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh.

Một tiết mục dự thi Liên hoan văn nghệ quần chúng Công-Nông-Binh toàn tỉnh năm 2014
Một tiết mục dự thi Liên hoan văn nghệ quần chúng Công-Nông-Binh toàn tỉnh năm 2014

Nghệ nhân dân gian Đặng Thị Hồng Hới (Lệ Thủy) cũng tham dự Liên hoan này với sở trường của chị là hò khoan Lệ Thủy. Sinh năm 1966 trong một gia đình có truyền thống về hò khoan, từ mấy chục năm nay, chị Hồng Hới miệt mài truyền dạy những làn điệu hò khoan cho thế hệ trẻ tại các trường học và dàn dựng nhiều tiết mục tham gia hội thi, hội diễn cho không ít đơn vị. Chị cũng đoạt huy chương vàng tại các hội diễn về dân ca trong khu vực Bình Trị Thiên và toàn quốc, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lệ Thủy về những thành tích đã đạt được. Có thể nói, nghệ nhân Đặng Thị Hồng Hới là “con át chủ bài” của Lệ Thủy.

Tuy nhiên, sự xuất hiện thường xuyên của những nghệ nhân đã có thành tích lẫy lừng như chị Hồng Hới tại các hội thi, hội diễn quần chúng lại khiến không ít khán giả cảm thấy... chạnh lòng. Bởi, đã đến lúc cần những gương mặt trẻ thay thế cho các bậc đàn anh, đàn chị tài năng, để khẳng định tính tiếp nối của nghệ thuật dân gian truyền thống. Và cũng đã đến lúc khán giả muốn có những gương mặt mới, đại diện cho sự tươi trẻ, phảng phất tính thời đại để thêm niềm tin vào sự phát triển của văn nghệ quần chúng.

Là giám khảo cho không ít hội diễn, hội thi lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh, ông Đặng Ngọc Hóa, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin tỉnh chia sẻ nỗi lo lắng về sự thiếu hụt lớp kế cận trẻ trong phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, đặc biệt là đối với các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian. Thực tế cho thấy, bất chấp không ít nỗ lực của chính quyền, người dân, ban, ngành, đoàn thể, thế hệ sau vẫn gặp nhiều khó khăn để có thể tiếp cận hoàn chỉnh và thực sự tỏa sáng tài năng, đủ sức kế thừa các đàn anh, đàn chị đi trước. Đó chính là một phần lý do khiến không ít “gà nòi” xuất hiện thường xuyên trong các chương trình hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ quần chúng. Ông Mai Xuân Thành, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thật ra thực tế này là điều hết sức “bình thường”, bởi đi thi là phải có thành tích, và tất nhiên, để có được huy chương, các đoàn sẽ tung ra lực lượng mạnh nhất để chắc chắn giành thứ hạng cao.

Hiện nay, theo ông Đặng Ngọc Hóa, để phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng tỉnh ta toàn diện cả về chiều sâu và bề rộng, qua đó, góp phần giới thiệu các gương mặt trẻ tài năng đến với công chúng, điều cần thiết phải làm đầu tiên chính là tạo càng nhiều sân chơi càng tốt. Các hội thi, hội diễn về văn nghệ quần chúng phải được tổ chức thường xuyên ở cấp tỉnh, cấp huyện và thậm chí cả cấp xã. Nói cụ thể hơn, sự đầu tư cho phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở phải được mạnh tay hơn, có trọng tâm, trọng điểm và thường xuyên hơn. Như vậy, phong trào mới có cơ hội xây dựng bền vững và các hạt nhân mới có điều kiện để được ươm mầm tỏa sáng.

Mai Nhân